Thứ sáu 22/11/2024 16:40

NSND Trần Bảng - “bậc thầy” tài hoa trên sân khấu chèo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
NSND Trần Bảng đã để lại kho tàng các tác phẩm chèo kinh điển được ông biên soạn, dàn dựng và góp phần đưa nghệ thuật chèo cổ lên sân khấu hiện đại.
NSND Trần Bảng - “bậc thầy” tài hoa trên sân khấu chèo
NSND Trần Bảng chụp cùng với các nghệ sĩ chèo trong một chương trình biểu diễn. Ảnh Lại Thanh Minh

Từ chiến sĩ văn nghệ…

Ngày 19/7, thông tin GS, NSND Trần Bảng qua đời khiến giới nghệ sĩ sân khấu và công chúng cả nước bày tỏ sự tiếc thương vô hạn đến người thầy luôn hết mình với sân khấu chèo.

Sinh thời, GS, NSND Trần Bảng (SN 1926, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng) được biết tới là lớp hậu duệ của gia đình văn chương khoa bảng. Cha ông là nhà văn Trần Tiêu, tác giả các cuốn tiểu thuyết “Con trâu”, “Chồng con”. Bác ruột ông là nhà văn Khái Hưng - cây bút chính của nhóm “Tự Lực văn đoàn” từng có nhiều tác phẩm “ăn khách” như: tiểu thuyết “Nửa chừng xuân”, “Hồn bướm mơ tiên”, “Gánh hàng hoa”, “Đời mưa gió”, “Trống mái”...

Em họ của NSND Trần Bảng là NSND Trần Đắc, từng là đạo diễn điện ảnh nổi danh với những bộ phim “Bài ca ra trận”, “Sao tháng Tám”…

Từ cái nôi văn chương nên ngay từ nhỏ, NSND Trần Bảng đã say mê nghiệp viết lách, kịch nghệ. Hai mươi tuổi, ông đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và biết tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga.

Sau Cách mạng tháng, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, ông rời vùng quê Vĩnh Bảo, tham gia vào Đoàn Văn công Trung ương, cùng tổ kịch với Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài,…

Năm 1953, tại Tân Trào (Tuyên Quang), chiến sĩ văn nghệ Trần Bảng đã lần đầu tiên chắp bút, phối hợp với các nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương dựng lên vở “Chị Trầm”, vở chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng.

Trên hàng ghế khán giả có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng. Sau đêm công diễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp bước lên sân khấu khen ngợi tổ biểu diễn và động viên nghệ sĩ trẻ Trần Bảng đã tiếp bước giữ gìn nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Người ân cần căn dặn: “Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, đặc biệt phải học chèo cổ của các nghệ nhân để hiểu sâu, nắm vững và phát triển nghề chèo”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, năm 1957, ông và Bùi Đức Hạnh, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Hồ Ngọc Cẩn cùng các nghệ nhân Trùm Thịnh, Cả Tam, Lý Mầm, Năm Ngũ thành lập Ban nghiên cứu chèo..

Tại đây, ông cùng các nghệ nhân đã khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, truyền nghề cho các lớp học trò kế cận. Từ những nghiên cứu, ông đã cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo cổ như “Quan Âm Thị Kính”, “Súy Vân” (từ vở Kim Nham), Nàng Thiệt Thê (từ vở Chu Mãi Thần),… Qua đó, làm sống dậy các nhân vật Súy Vân, Thị Kính trên sân khấu chèo, tạo dấu ấn trong lòng khán giả.

Theo NSND Thanh Ngoan - nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, học trò của NSND Trần Bảng chia sẻ: “Chỉ riêng vở “Quan Âm Thị Kính”, ông đã phải dựng đi dựng lại đến 3 lần vào các năm 1956, 1968, 1985; vở “Súy Vân” cũng mang màu sắc rất riêng của NSND Trần Bảng. Vở chèo “Súy Vân” từng đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1962”.

Say mê với chèo cổ, NSND Trần Bảng còn dành thời gian nghiên cứu, dàn dựng nhiều vở chèo hiện đại như: “Lọ nước thần”, “Tình rừng”, “Cờ giải phóng”, “Đường đi đôi ngả”, “Máu chúng ta đã chảy”,…

NSND Trần Bảng - “bậc thầy” tài hoa trên sân khấu chèo
NSND Trần Bảng là "cây đại thụ" của nền nghệ thuật chèo Việt Nam. Ảnh Lại Thanh Minh

Đến danh xưng “trùm chèo” đất Bắc

Trong giới nghệ thuật sân khấu, thường gọi ông là “trùm chèo”. Đây là biệt danh được nhà thơ Huy Cận khi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặt cho ông trong cuộc hội thảo về chèo tại Hải Phòng năm 1972.

Hơn 60 năm lao động, gắn bó với nghệ thuật chèo, bên cạnh công việc biên soạn, ông vừa là đạo diễn, vừa là nhà nghiên cứu, giảng viên, lý luận chèo.

Lớp học trò kế cận với NSND Trần Bảng đều trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Thanh Ngoan, NSND Quốc Anh, NSƯT Lê Chức, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát,…

Trong mắt nhiều học trò, NSND Trần Bảng là người sống tình cảm, chân tình và quý trọng bạn nghề, tận tụy với học trò.

Các thế hệ học trò đều bày tỏ sự tôn kính về người thầy hết lòng vì nghệ thuật chèo, dành cả cuộc đời để “đối thoại” với chèo, truyền lửa đam mê tới thế hệ kế cận.

NSND Thanh Ngoan chia sẻ: “Thầy Trần Bảng không chỉ tài năng, uyên bác, gần gũi mà còn rất hóm hỉnh, hài hước. Thầy luôn biến mọi việc trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được là học trò do thầy dìu dắt, dạy dỗ, nâng đỡ. Thầy đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa của tình yêu và đam mê đối với chèo để từ đó ra sức giữ gìn chèo. Ngọn lửa này lại được chúng tôi trao truyền cho thế hệ trẻ và đã thấy ngọn lửa ấy đang cháy trong các em”.

Đối với NSƯT Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ NSND Trần Bảng là người thầy đáng kính, ông “trùm chèo”, người cầm lái làng chèo trong nhiều năm.

Là học trò được thầy Trần Bảng chủ nhiệm, NSND Quốc Anh, quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ ấn tượng với NSND Trần Bảng là người thầy sống hết mình với nghệ thuật chèo. Đến cuối đời, thầy vẫn đau đáu với nghệ thuật chèo, trăn trở các thế hệ sau phải giữ được cốt cách của chèo.

NSND Trần Bảng qua đời vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 97 tuổi. “Cây đại thụ” của nền nghệ thuật chèo Việt Nam đã có hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật chèo, để lại kho tàng các tác phẩm chèo kinh điển cho thế hệ trẻ kế cận tiếp bước và gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.

Hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật chèo, năm 1993, NSND Trần Bảng được phong hàm giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông được Nhà nước trao tặng: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 5 (2017). Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa I (1957). Ông còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
NSND Diệp Lang - tượng đài sân khấu cải lương Việt Nam qua đời tại Mỹ NSND Diệp Lang - tượng đài sân khấu cải lương Việt Nam qua đời tại Mỹ
NSND Thụy Vân phim “Nổi gió” qua đời NSND Thụy Vân phim “Nổi gió” qua đời
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động