Thứ sáu 22/11/2024 10:56

Nỗ lực xây dựng “Bảo tàng sống” trên sân khấu truyền thống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước sự nở rộ của nhiều chương trình giải trí truyền hình và không khí ảm đạm nơi phòng chiếu, các sân khấu Thủ đô có nhiều cách làm hay, sáng tạo để cứu nguy cho nghệ thuật truyền thống không bị mai một.

Kế sách “trải thảm đỏ” của Nhà hát Tuồng

Thời điểm này, rạp Hồng Hà (51A Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tạm dừng các buổi biểu diễn định kỳ phục vụ khách quốc tế, không còn tiếng trống vang tưng bừng rộn rã, thay vào đó là không khí luyện tập hăng say của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam cho các vở diễn mới. Dù sân khấu chỉ mở bán vé mỗi tháng 1 lần, các suất chiếu đìu hiu khán giả nhưng người nghệ sĩ vẫn cháy hết mình với vai diễn. Giữa tình thế các suất chiếu cắt giảm, Nhà hát Tuồng đã nỗ lực xây dựng các vở diễn mới chỉ nhằm kéo lại chút lửa của nghệ thuật truyền thống không bị mai một. Hiện, các diễn viên Nhà hát Tuồng đang gấp rút tập luyện vở diễn mới là vở “Thạch Sanh” do chi đoàn thanh niên nhà hát dàn dựng và vở “Tam khúc công chúa” do dòng họ Khúc đặt hàng.

Bên cạnh dàn diễn viên có tên tuổi thì 2 vở diễn mới còn là sự tham gia của các tài năng trẻ. 28 diễn viên trẻ trong đoàn nghệ thuật thử nghiệm, họ là lứa diễn viên đồng đều về độ tuổi, tài năng được đào tạo từ lớp chuyên biệt diễn viên, nhạc công về tuồng từ năm 2014. Sau gần 2 năm tốt nghiệp, các gương mặt trẻ dần định danh tên tuổi trong làng tuồng. Đó là Tuấn Hiệp, Thanh Phương, Quỳnh Liên,… mỗi người một màu sắc diễn xuất riêng. Nếu Tuấn Hiệp tỏa sáng với vai Kim Lân trong vở “Kim Lân qua đèo” giúp anh nhận giải thưởng “Diễn viên xuất sắc nhất” cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2020 thì Quỳnh Liên xuất sắc vai Hồ Nguyệt Cô trong trích đoạn “ Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” giúp cô giành Huy chương vàng trong cuộc thi trên.

Cùng với đó tài năng trẻ Thanh Phương ấn tượng vai Đào Tam Xuân trong trích đoạn “Đào Tam Xuân đề cờ”… Nhờ kế sách “trải thảm đỏ” từ đề án đào tạo lớp học chuyên biệt về tuồng phối hợp với trường ĐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội được Bộ VH-TT&DL phê duyệt, sau 4 năm đào tạo, Nhà hát Tuồng đã bổ sung 28 diễn viên trẻ trong đội ngũ diễn viên của Nhà hát. Lực lượng trẻ này đã phát huy tài năng, đam mê để mang đến làn gió mới cho sân khấu Tuồng.

Theo ông Tạ Văn Sốp, PGĐ Tổ chức-hành chính, Nhà hát Tuồng Việt Nam thì đây là tín hiệu đáng mừng, vừa đào tạo đội ngũ bài bản về văn hóa, vừa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn. Trước đây, ông từng trăn trở nhất là quá trình đào tạo nguồn nhân lực bổ sung cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống phải thực hiện theo nguyên tắc: Đào tạo phải có tính kế thừa, học phải đi đôi với hành. Cụ thể, bên cạnh việc tập huấn (thầy dạy gì trò học nấy), dựa trên những vai mẫu, làn điệu mẫu thầy dạy đã dàn dựng, trò luôn tự sáng tạo, định trang phong cách biểu diễn, phải tạo điều kiện để lực lượng trẻ có cơ hội cọ xát thực tế, trực tiếp tham gia một số chương trình biểu diễn nhằm kích thích niềm say mê cống hiến và học tập trong họ.

Nhà hát Tuồng Việt Nam trải qua 60 năm lịch sử, việc đào tạo đồng bộ diễn viên và kịch công đã tạo ra những thế hệ làm nghề tương thích về tâm sinh lý và đội ngũ làm nghề, đồng thời tiết kiệm quá trình đào tạo. Đồng thời, Nhà hát Tuồng giải được bài toán khủng hoảng về nhân lực sáng tạo.

no luc xay dung bao tang song tren san khau truyen thong
Diễn viên trẻ Tuấn Hiệp và Quỳnh Liên là 2 “gương mặt vàng” Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Nỗ lực đổi mới kéo khán giả đến rạp

Không phải là loại hình nghệ thuật kén khán giả như tuồng nhưng gần thập kỷ nay, sân khấu kịch đứng giữa nhiều thăng trầm khi khán giả đến rạp xem chủ yếu từ những tấm vé khách mời, rất ít những tác phẩm khán giả chen chân mua vé. Nỗ lực xây dựng các tác phẩm kịch mang hơi thở thời đại, một số nhà hát đã chủ động trong việc đầu tư, dàn dựng sân khấu. Trong đó phải kể đến sự đầu tư của Nhà hát Kịch Hà Nội với sân khấu quay hiện đại nhất miền Bắc và quyết định mở thêm địa điểm mới tại sân khấu Quảng Lạc (số 8B Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), biểu diễn định kỳ vào thứ 6 hàng tuần nhằm phục vụ khán giả Thủ đô và du khách, tạo thêm địa chỉ văn hóa đặc sắc trong khu vực phố cổ Hà Nội.

Bên cạnh đó, Nhà hát Kịch Hà Nội thường xuyên ra mắt các tác phẩm đặc sắc phục vụ khán giả Thủ đô và du khách. Vừa qua, Nhà hát kịch xây dựng vở diễn “Trương Chi – Mị Nương” (đạo diễn Phùng Tiến Minh) tạo tiếng vang tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020. Mới đây, Nhà hát Kịch khởi công 2 vở diễn mới là “Tình – Tiền chìm nổi” và vở “Quốc tử tư nghiệp Chu Văn An” vở kịch sẽ biểu diễn tại lễ kỷ niệm 650 ngày mất của danh nhân Chu Văn An (1370-2020).

Nhằm đáp ứng sự đổi mới, các sâu khấu Thủ đô cũng tìm tòi hướng đi mới, sáng tạo. Sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn và bán vé tại rạp Đại Nam (phố Huế) thường xuyên đỏ đèn với các tác phẩm được làm mới từ câu chuyện cổ tích, dân gian. Thành công từ vở diễn “Tấm Cám”, “Thị Nở - Chí Phèo”, “Cây tre trăm đốt”, sân khấu Lệ Ngọc minh chứng cho thành công từ việc làm mới những tác phẩm cũ. Nhớ lại 30 đêm diễn cho vở diễn “Thị Nở - Chí Phèo”, khán giả ngồi chật hàng ghế tại rạp Đại Nam (phố Huế) là những hình ảnh khó quên. Sức hấp dẫn của vở diễn không chỉ đến từ kịch bản hay, đối thoại giữa nhân vật với khán giả còn quan trọng là sự đầu tư bài bản sân khấu, âm thanh, ánh sáng. Đó còn quan trọng là “lửa nghề” từ các nghệ sĩ truyền tải đến với từng hàng ghế khán giả.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động