Nỗ lực làm sống lại các sông, hồ, cải thiện môi trường nước của Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXử lý khối lượng nước thải lớn
Từ năm 2008 đến nay, khối lượng nước thải trên địa bàn TP Hà Nội phát sinh tăng gấp đôi, với tổng lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị ước khoảng gần 960.000 m3/ngày-đêm, tương đương với 350,4 triệu m3/năm. Để xử lý lượng nước thải này, TP đã vận hành các nhà máy xử lý nước thải tập trung và các trạm xử lý nước thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tập trung theo công suất thiết kế tại tám nhà máy đạt khoảng 296.700 m3/ngày-đêm, tương đương khoảng 108,3 triệu m3/năm, đáp ứng được khoảng gần 30% nhu cầu xử lý nước thải. Ngoài ra, nước thải sinh hoạt phát sinh từ các khu đô thị được xử lý tại các trạm xử lý phân tán.
Hiện nay, TP đang tập trung đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, tại huyện Thanh Trì, với công suất xử lý 270.000 m3 nước thải/ngày-đêm; hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề Phùng Xá, huyện Mỹ Đức với công suất xử lý 500 m3 nước thải/ngày-đêm; Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, huyện Hoài Đức, với công suất xử lý 4.000 m3/ngày-đêm; hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, công suất 1.000 m3/ngày-đêm...
Một số con sông của Hà Nội đã được cải thiện đáng kể về môi trường nước (Ảnh tư liệu) |
Đồng thời, TP đang xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xử lý nước thải Phú Đô, nhằm điều chỉnh công suất lên 94.000 m3/ngày-đêm; nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây thành 74.000 m3/ngày-đêm; hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây, thị xã Sơn Tây với công suất tối đa là 75.000 m3/ngày-đêm…
Bên cạnh đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, thành phố triển khai các dự án làm sạch, thu gom, nạo vét sông Nhuệ, sông Đáy; xây dựng các trạm bơm tiêu thoát nước và tăng cường công tác giám sát, xử lý vi phạm đất đai, lấn chiếm hành lang các sông thoát nước.
Cải thiện chỉ số nước sông, hồ
Theo kết quả phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất lượng môi trường nước tại hồ Tây đang có dấu hiệu bị ô nhiễm. Nhiều thông số môi trường trong nước hồ vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, sinh khối và mật độ tế bào thực vật cao (tập trung chủ yếu là các chi dạng tập đoàn vi khuẩn lam Microcystis, Alphanocapsa, Merismopedia và các tập đoàn tảo lục Scenedesmus, Crucigena…).
Thực tế, trong 25 năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp bảo vệ hồ Tây. Đơn cử như việc xây cống vòng quanh hồ để ngăn chặn và thu gom không cho các nguồn nước thải đổ thẳng vào hồ. Đây được cho là biện pháp kỹ thuật có hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ.
Trên sông Đáy, TP triển khai dự án Nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy, đoạn từ đập Đáy đến phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) và đoạn từ Yên Nghĩa đến Ba Thá (huyện Mỹ Đức).
Để tăng cường công tác quản lý, TP đã giao Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cắm mốc giới hành lang sông và bàn giao cho chính quyền địa phương chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi để thực hiện công tác giám sát, xử lý vi phạm đất đai, lấn chiếm hành lang sông.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, nhất là nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy trên địa bàn Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do sức ép về gia tăng dân số và công tác quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý chất thải của các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình, ý thức giữ gìn môi trường của người dân…
Để giải quyết từng bước, đồng bộ vấn đề ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực các dòng sông đoạn chảy qua địa phương.
Tăng cường phối hợp giữa các tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy trong việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để, nhất là đối với các nguồn thải từ 100 m3 nước thải/ngày-đêm trở lên, yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... phải xử lý nước thải phát sinh đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.
GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường đã đưa ra những kiến nghị, để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông. Theo đó, Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh xây dựng các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn để bảo đảm chất nước nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn; nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… trong việc xả thải, qua đó, xử lý nghiêm đối với các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại