Thứ bảy 20/04/2024 04:22

Nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo văn hóa Hà Nội” đang trở thành sự kiện văn hóa tiêu biểu trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo vì cộng đồng, mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế.
Nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”
Đặc sắc các hoạt động văn hóa tại phố đi bộ Hà Nội

Đa dạng không gian sáng tạo

Diễn ra từ ngày 24-12 đến ngày 31-12-2021 tại địa chỉ Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm – Hà Nội), đến nay “Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo văn hóa Hà Nội” đã tổ chức thành công tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo - Hà Nội 2021”; tọa đàm “Những nhà sáng tạo trẻ - Văn hóa kiến tạo tương lai” và “Di sản đô thị - Duy trì và phát triển tiếp nối”.

Các buổi tọa đàm là cuộc đối thoại đa chiều của các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư nhằm đánh giá một cách khách quan các tiềm năng, lợi thế, cơ hội và thách thức.

Hướng tới thúc đẩy việc hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế và khai thác các không gian sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.

Năm 2019, Hà Nội đón nhận vinh dự trở thành 1 trong 246 thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế.

Là người đã tham gia vào quá trình làm hồ sơ đưa Hà Nội tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết, Thủ đô cam kết 3 sáng kiến ở cấp độ địa phương khi Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo.

Đó là kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội, dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội, xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo Hà Nội.

Cùng với đó là 3 cam kết ở cấp độ quốc tế như lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á, mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ.

Kể từ khi tham gia vào “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO về lĩnh vực thiết kế, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hà Nội vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động theo tiêu chí, lộ trình đã cam kết với UNESCO thông qua nhiều sự kiện tiêu biểu như: Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội; Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại; Trình diễn văn hóa phi vật thể; Lễ hội đường phố; Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Moonsoon), “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Cuộc thi thiết kế Km0”, cuộc thi “Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám”,…

Nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”
Không gian sáng tạo 282 Design trở thành "điểm hẹn nghệ thuật" của công chúng

Tại tọa đàm “Những nhà sáng tạo trẻ - Văn hóa kiến tạo tương lai”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đánh giá cao vai trò của người trẻ tham gia vào quá trình xây dựng thành phố sáng tạo.

Trước đây, Hà Nội có khoảng 70 không gian sáng tạo, thì nay đã có 115 không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Các không gian sáng tạo của người trẻ có thể kể tới như “Tổ chim xanh”, “Hanoi Creative City”, “Heritage Space”, “60s Thổ Quan”, “Hub Café”, “Toong”, “282 Design Workshop”,…

Nổi bật là 282 Design Workshop (156 Phú Viên, quận Long Biên). Từ một nhà máy sản xuất mũ cối của đơn vị lực lượng vũ trang để lại, đến nay 282 Design Workshop trở thành không gian sáng tạo đúng nghĩa dành cho giới trẻ.

Không gian sáng tạo nghệ thuật với nhiều góc nhìn khác nhau như quán cà phê vườn, một khu triển lãm gỗ, tạo sức hút với công chúng.

Mỗi không gian sáng tạo đều có đặc trưng nổi bật khi đã hồi sinh những mảng màu cũ từ kiến trúc, không gian, thiết kế để tạo ra không gian mới để trải nghiệm, học tập, khởi nghiệp.

Truyền cảm hứng cho các thành phố khác

Tại tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo - Hà Nội 2021, Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá, nguồn lực di sản, con người là tiềm lực to lớn để Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á.

Hà Nội đi đầu trong xây dựng Thành phố sáng tạo sẽ truyền cảm hứng cho các thành phố khác của Việt Nam trong việc lấy nguồn lực văn hóa để phát triển bền vững.

Với lợi thế về di sản văn hóa, làng nghề, Hà Nội là địa phương có nhiều di sản văn hoá tiêu biểu. Ngoài Di sản Thế giới là Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội còn có 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.441 di tích xếp hạng cấp Thành phố.

Tính đến nay, Hà Nội có 1.793 di sản văn hoá phi vật thể với 5 di sản được UNESCO ghi danh và 26 di sản được Bộ VH-TT&DL ghi vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Cùng với đó, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tạo bản sắc văn hóa truyền thống. Hai làng nghề trọng tâm được TP quan tâm, đầu tư quy hoạch để phát huy, bảo tồn giá trị làng nghề là gốm Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH&TT Hà Nội), không gian sáng tạo được xác định là một trong những ngành mũi nhọn chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiện nay.

Mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, TP Hà Nội đã cụ thể hóa các nội dung, chương trình cụ thể.

Đó là Chương trình 06 CTr/TU ngày 17-3-2021 về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình 07 CTr/TU về đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025.

Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đang triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tiếp tục hoàn thiện nội dung để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô (bổ sung 1 điều về chính sách văn hóa).

Bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, việc trao cơ hội cho người dân Thủ đô tham gia kiến tạo thành phố của mình cũng cần được tính đến.

Từ hiệu quả tuyến phố bích họa Phùng Hưng, ý tưởng đưa nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức người dân, để họ chủ động phối hợp, tham gia cải tạo, gìn giữ môi trường sống của chính mình và cộng đồng.

“Điểm sáng” từ “Không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân” từ bãi rác ven sông đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách.

Nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”
"Điểm hẹn nghệ thuật" tại phố bích họa Trúc Bạch. (Ảnh: Khánh Huy)

Một “điểm hẹn nghệ thuật” khác chính là phố bích họa Trúc Bạch. Trước đây, tuyến đường ven bờ hồ này là “mặt sau” của 28 hộ dân sinh sống, một điểm tập kết rác thải từ nhiều năm nay.

Thậm chí, cuối tuyến đường (cầu Ngũ Xá 2) từ lâu được coi là “nhà vệ sinh công cộng” của khách vãng lai thì nay nhờ dự án cải tạo của chính quyền và sự chung sức của người dân, phố bích họa Trúc Bạch được ví như “Hội An thu nhỏ” giữa lòng Hà Nội.

Nghệ thuật song hành với nhịp sống hiện đại, việc tìm ra những giá trị mới trong các không gian sáng tạo sẽ tạo nên động lực để phát triển kinh tế sáng tạo, góp phần hiện thực hóa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động