Thứ sáu 22/11/2024 19:27

Nợ bảo hiểm xã hội: Tại sao vẫn khó xử lý hình sự

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội vừa công khai danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của tháng 1/2023. Danh sách này có gần 60.000 doanh nghiệp nợ đọng BHXH của tháng 1, cập nhật đến ngày 5/2.
Nợ bảo hiểm xã hội: Tại sao vẫn khó xử lý hình sự
Nợ bảo hiểm xã hội – căn bệnh trầm kha

Nợ bảo hiểm xã hội – căn bệnh trầm kha

Trong danh sách do BHXH thành phố Hà Nội công bố, có tên một số doanh nghiệp lớn cũng nợ tiền bảo hiểm xã hội.

Câu chuyện nợ bảo hiểm như một căn bệnh trầm kha của những nhà sử dụng lao động tại Việt Nam. Cũng từ nhiều năm nay, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đã trở thành một vấn đề gây bức xúc đối với người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng như dư luận xã hội. Mặc dù các cơ quan chức năng mà trực tiếp là ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Để giải quyết tình trạng này, được biết các cơ quan bảo hiểm xã hội trong cả nước đã áp dụng những biện pháp cần thiết, như thường xuyên đối chiếu, đôn đốc thanh toán nợ; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng và phối hợp thanh tra; xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm...

Tuy nhiên, do mức xử phạt còn thấp nên chưa đủ sức răn đe, kết quả thu hồi nợ chưa triệt để. Trong khi đó, giải pháp tổ chức công đoàn kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa lại khó triển khai do những vướng mắc về thủ tục; còn biện pháp cứng rắn nhất là xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn chưa được áp dụng, chưa có chủ sử dụng lao động nào bị khởi tố, xử lý do quan điểm về hành vi “trốn đóng bảo hiểm xã hội” chưa có sự thống nhất cao giữa các cơ quan tố tụng.

Khó xử lý hình sự doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vị phạm, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng.

Cụ thể, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định rõ, người có hành vi vi phạm, khung 1, phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên một trong những trường hợp đã quy định.

Ngoài ra, người phạm tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Luật đã quy định rõ ràng, tuy nhiên việc xử lý những doanh nghiệp chậm trễ hoặc không đóng bảo hiểm cho người lao động vẫn rất khó. Nói về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện xử lý các vi phạm về BHXH, đại diện một số địa phương cho biết hầu hết đều bị "tắc" trong việc xác định hành vi vi phạm và thu thập tài liệu. Đó là việc cơ quan công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác. Hay số tiền tính lãi thời gian chậm đóng có được tính làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không?

Về câu chuyện này, theo luật sư Nguyễn Thị Yến – Đoàn Luật sư Hà Nội, thực tiễn áp dụng lại vướng mắc trong việc xác định thủ đoạn khác và phân biệt với trường hợp chậm đóng BHXH vì lý do khách quan.

Hơn nữa, Điều 216 quy định dấu hiệu bắt buộc để xử lý hình sự với cá nhân là đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng BHXH mà còn vi phạm, do vậy đến nay chưa có vụ việc nào được đưa ra truy tố, xét xử.

Như vậy, tuy đã có mức hình phạt cụ thể đối với từng trường hợp nợ, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp, nhưng có một vấn đề mà các cơ quan nhà nước cần phải cụ thể về việc xác định hành vi “Gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” của người có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.

Qua đó, cần tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội trong quá trình xử lý hình sự.

Cũng theo luật sư Yến, việc phạt tiền đối với tổ chức vi phạm là chưa có tính răn đe, cần phải có quy định rõ việc phạt tiền đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó ở mức độ nhất định… từ đó làm căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với cá nhân khi có yếu tố xác định phạm tội tại Điều 216.

Điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội Điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội
Hà Nội: Gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội Hà Nội: Gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động