Hà Nội: Gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTính đến hết tháng 1/2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ và chậm đóng bảo hiểm xã hội |
Ngày 15/2, BHXH TP Hà Nội cho biết đơn vị vừa công khai gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tính đến thời điểm cuối tháng 1/2023. Các doanh nghiệp nêu trên chậm đóng tiền bảo hiểm từ 1 tháng đến 182 tháng.
Theo thống kê của BHXH TP Hà Nội, các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN nhiều nhất là Công ty Cổ phần LILAMA3 nợ 42,556 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment nợ 33,593 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng 121 CIENCO1 nợ 19,910 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 6 - nợ 19,176 tỷ đồng; Công ty Cổ phần 116 - CIENCO nợ 18,944 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội nợ 17,836 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Ôtô 1-5 nợ 12,233 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai nợ hơn 12,692 tỷ đồng.
BHXH TP Hà Nội cho biết, tổng số tiền nợ do chậm đóng các loại bảo hiểm này là hơn 1.500 tỉ đồng. Cơ quan sẽ tiếp tục công khai danh sách các doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mục đích của việc làm này là để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Trước tình trạng vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, đầu năm 2023, BHXH TP Hà Nội đã thực hiện 136 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch với 58 cuộc (thanh tra chuyên ngành 12 đơn vị, kiểm tra đơn vị sử dụng lao động 21 đơn vị, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành 25 đơn vị). Thực hiện thanh tra đột xuất đối với 78 đơn vị.
Bên cạnh đó, BHXH TP Hà Nội tổng hợp số DN, số tiền nợ đóng BHXH hằng tháng gửi các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã theo từng địa bàn quận, huyện, thị xã. Đồng thời, chủ động phối hợp Công an TP Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các biện pháp thu, thu nợ đóng BHXH. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đối với các đơn vị, DN nợ đóng BHXH và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vị phạm, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng.
Cụ thể, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định rõ, người có hành vi vi phạm, khung 1, phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên một trong những trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, mà còn vi phạm trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
- Trốn đóng BHXH cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Khung 2, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Phạm tội 2 lần trở lên
- Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Trốn đóng bảo cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động.
Khung 3, phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên
- Người phạm tội trốn đóng BHXH cho 200 người lao động trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại