Hà Nội: công bố 500 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng đến 2 năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội công bố 500 đơn vị chậm đóng bảo hiểm từ 6 đến 24 tháng. Ảnh minh hoạ: Bạch Hiền |
Theo BHXH TP Hà Nội, những đơn vị có tên trong danh sách chậm đóng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội công bố đợt này, có hơn 60.700 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố.
Trong đó, đứng đầu danh sách nợ là Công ty cổ phần Anh ngữ APAX, với số tiền 57,1 tỷ đồng, thời gian chậm đóng các loại bảo hiểm trong 48 tháng.
Tiếp theo, một số đơn vị khác có số tiền chậm đóng lớn, trên 20 tỷ đồng như: Công ty cổ phần LILAMA3 nợ đóng 109 tháng, với hơn 44,5 tỷ đồng. Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment nợ 44 tháng, với hơn 38,7 tỷ đồng. Công ty cổ phần Cầu 12 nợ 28 tháng bảo hiểm, số tiền hơn 29,7 tỷ đồng. Chi nhánh Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên VINAXUKI, Mê Linh, Hà Nội nợ 140 tháng, với hơn 24,7 tỷ đồng…
Cũng theo danh sách được công bố, có gần 20 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ trên 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng như: Công ty cổ phần 116 - Cienco 1; Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng 121 Cienco 1; Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục Igarten; Công ty cổ phần sữa Hà Nội; Xí nghiệp cầu 17 - Cienco 1; Công ty Thi công cơ giới I - Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1; Công ty cổ phần Xây dựng giao thông và thương mại 124; Công ty cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội; Công ty cổ phần Cầu 14; Công ty cổ phần Công nghiệp xây dựng Toàn Phát; Xí nghiệp cầu 18 - Cienco 1…
BHXH TP Hà Nội cho biết, số tiền nợ bảo hiểm đơn vị nộp trong tháng 3/2024 (nếu có) sẽ được ghi nhận vào thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tháng 3/2024 của đơn vị.
Luật hiện hành quy định, việc các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực BHXH.
Nếu chậm đóng BHXH, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính theo quy định. Mức phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm. Tối đa mức phạt tiền không quá 75 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đơn vị chậm đóng còn buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan BHXH, buộc nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 2/2024, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn là hơn 5.900 tỷ đồng, tỷ lệ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi là 2,81%. Trong tháng 2/2024, BHXH thành phố đã thực hiện 157 cuộc thanh tra, kiểm tra; lũy kế 2 tháng đầu năm đã thực hiện 496 cuộc (444 cuộc ban hành quyết định trong năm 2023). Kết quả sau thanh tra, kiểm tra, số tiền các đơn vị đã thanh tra, kiểm tra nộp để khắc phục nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN là 39,7 tỷ đồng (đạt 72,2 %). |
Đề xuất mua bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động | |
Mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô có phải quy định bắt buộc? | |
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp khi cải cách tiền lương |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại