Thứ sáu 10/05/2024 14:45

Mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô có phải quy định bắt buộc?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Luật các Tổ chức tín dụng, việc nhân viên tín dụng ép khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô là hành vi nghiêm cấm.
Mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô có phải quy định bắt buộc?
Mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô có phải quy định bắt buộc?. Ảnh: V.T

Ép khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô

Bấy lâu nay, việc nhân viên tín dụng ép khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô đã trở thành “đương nhiên” đối với nhiều người có thói quen mua đồ trả góp. Với nhiều lý do đưa ra, như khi thế chấp thì sản phẩm thế chấp thuộc tài sản ngân hàng nên việc mua bảo hiểm tự nguyện với sản phẩm là chuyện bắt buộc. Theo đó, nhiều nhân viên tín dụng của các ngân hàng còn nhấn mạnh thêm, việc có bảo hiểm tự nguyện với sản phẩm thế chấp như xe ô tô là một trong những cách giảm thiểu rủi ro cho tài sản.

Mặc dù có 1001 lý do, nhưng rõ ràng việc phải mua bảo hiểm tự nguyện 1 cách… ép buộc khiến khách hàng không khỏi cảm thấy khó chịu.

Chị Trần Thu Thủy (Cầu Giấy) cho biết, do nhu cầu công việc nên chị đã vun vén để mua 1 chiếc xe ô tô cỡ nhỏ. “Mặc dù chiếc xe cũng không quá nhiều tiền, nhưng tôi vẫn sử dụng gói vay mua xe trả góp của ngân hàng. Mọi chuyện không có gì đáng nói từ thủ tục vay mua đến thỏa thuận, quy định về lãi suất, mà cái tôi thấy khó chịu là việc bắt buộc phải mua gói bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm thân vỏ cho xe.” – chị Thủy nói.

Theo chị Thủy, mặc dù nhân viên ngân hàng đã giải thích lý do phải mua bảo hiểm tự nguyện cho chiếc xe thế chấp, nhưng chị vẫn không thấy thỏa đáng. “Thực tế khi cho khách hàng vay ngân hàng đã “nắm đằng chuôi”, vậy buộc khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện để 1 lần nữa “bảo đảm tài sản” thì có vẻ hơi chắc cú quá.” – chị Thủy bức xúc.

Còn theo anh Nguyễn Văn Long (Hai Bà Trưng), việc bắt mua bảo hiểm cho đến khi thanh toán hết khoản vay của ngân hàng khiến khách hàng cảm thấy bị bắt chẹt. Ngân hàng sẽ tính toán hết sức chặt chẽ để bắt buộc khách hàng phải ký gói bảo hiểm tự nguyện cho đến khi hết thời hạn vay.

“Ban đầu tôi nghĩ thôi thì mua bảo hiểm cho xong, vì xong 1 năm đầu muốn mua hay không là do mình. Tuy nhiên tôi đã nhầm, bởi khi xe thế chấp ngân hàng thì phải phụ thuộc vào ngân hàng bởi ngân hàng phải cấp giấy xác nhận tài sản cầm cố chiếc xe mới có thể lưu thông. Mà ngân hàng chỉ cấp loại giấy này có giá trị 1 năm 1, vậy nên nếu không có bảo hiểm tự nguyện, đừng hòng ngân hàng cấp giấy xác nhận năm tiếp theo.” – anh Long nói.

Không những vay trả góp để mua xe, nhiều khách hàng mua xe trả thẳng cũng gặp trường hợp này. Năm 2019 anh Lê Thành (Đông Anh) có mua 1 chiếc xe của hãng Ford. Thời điểm đó, chiếc xe này là một trong những chiếc xe rất “hot” trong phân khúc. Ngoài việc chấp nhận trả thêm vài chục triệu tiền chênh, anh Thành cho biết, anh còn bị nhân viên bán hàng ép phải mua gói bảo hiểm tự nguyện cho chiếc xe của anh.

Mua bảo hiểm tự nguyện cho các gói vay mua xe ô tô có phải quy định bắt buộc?
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 nghiêm cấm các tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm. Ảnh: Quốc hội

Cấm tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.

Trong Luật các Tổ chức tín dụng mới này, tại khoản 5, Điều 15 của luật này quy định: “Cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.

Với điều khoản này, việc nhân viên tín dụng ép buộc khách hàng mua gói bảo hiểm tự nguyện là hoàn toàn sai luật.

Cũng trước đó, tại khoản 3a, Điều 53 Thông tư 67/2023/TT-BTC, quy định: “Tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải giải thích cho bên mua bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là sản phẩm bảo hiểm. Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức hoạt động đại lý”.

Như vậy, quy định pháp lý đã rõ ràng, hành vi ép mua bảo hiểm tự nguyện khi vay mua ô tô bị cấm.

Nếu trong trường hợp khách hàng bị ép mua bảo hiểm tự nguyện trái mong muốn, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, khách hàng có thể làm đơn khiếu nại gửi Cơ quan Thanh tra giám sát (thuộc Ngân hàng Nhà nước) hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính) để được cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp kịp thời.

Dừng tổ chức thu bảo hiểm tự nguyện trong các trường học Dừng tổ chức thu bảo hiểm tự nguyện trong các trường học
Cần phân biệt rõ bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện Cần phân biệt rõ bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động