Thứ sáu 22/11/2024 16:40

Những thực phẩm chứa chất độc quen thuộc trong bếp nhà bạn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dưới đây là những thực phẩm quen thuộc trong bếp nhà bạn nhưng ít người biết chúng lại chứa chất độc, thậm chí có thể gây chết người.
Những "chất độc" quen thuộc có mặt ngay trong căn bếp của bạn

1. Một số loại hạt

Theo Business insider, hạt của táo và lê có khả năng chuyển thành chất độc xyanua khi bị nghiền nát. Mỗi cân hạt táo/lê chứa khoảng 700 miligram hydrogen cyanide. Nếu ăn liên tục 25 lõi táo hoặc lê, có thể tử vong do ngộ độc xyanua.

Để an toàn, tốt nhất bạn nên bỏ hạt trước khi ăn, đặc biệt khi cho trẻ nhỏ ăn, không xay lẫn hạt khi làm nước ép trái cây, sinh tố.

Tương tự như hạt táo và lê, hạt của quả anh đào bị nghiền nát, nhai, hoặc thậm chí bị trầy xước cũng sản sinh axit prussic (hydrogen cyanide). Hạt mận, đào cũng nguy hiểm tương tự.

Tuy nhiên, không ai ăn hạt của các loại quả này nên không đáng lo ngại. Trong trường hợp nuốt phải một vài hạt cũng sẽ không gây ngộ độc bởi chúng chỉ có thể gây ngộ độc khi nhai vỡ hạt và nuốt.

Ngoài ra, hạt hạnh nhân đắng thường cũng chứa một lượng hydrogen cyanide tương đối lớn. Theo các chuyên gia sức khỏe, thậm chí chỉ ăn 7 - 10 hạt hạnh nhân đắng có thể gây ra vấn đề cho người lớn, và có thể gây tử vong cho trẻ em.

2. Cà chua

Cà chua chín thường có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhưng cà chua còn xanh, chưa chín hoàn toàn lại chứa chất solanine. Đây là chất có độc tố mạnh và rất dễ làm hại tới gan của con người.

Các triệu chứng ngộ độc do ăn cà chua xanh thường là buồn nôn, nôn mửa, tiết nước bọt, yếu sức, mệt mỏi và các triệu chứng khác... thậm chí trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Còn khi cà chua chín, các chất độc hại trong cà chua sẽ giảm dần và sẽ biến mất. Vì vậy, với những quả cà chua màu xanh lá cây chưa chín, tuyệt đối không nên ăn.

Những "chất độc" quen thuộc có mặt ngay trong căn bếp của bạn

3. Khoai tây

Nhiều người có thói quen mua với số lượng lớn khoai tây để sử dụng trong một thời gian dài, tuy nhiên, cần lưu ý rằng khoai tây nếu để quá lâu có thể trở nên độc hại cho cơ thể. Khoai tây để lâu, vỏ sẽ bị nhăn và mềm hoặc mọc mầm.

Ngoài ra, khoai tây tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài có thể làm tăng tốc độ sản xuất solanine gây hại cho bạn. Solanine (một loại glyco-alkaloid) có vị đắng và độc hại với cơ thể. Chúng có thể xuất hiện một cách tự nhiên trong bất cứ bộ phận nào của cây khoai tây, bao gồm lá, quả, củ, mầm.

Bạn nên vứt bỏ những củ khoai tây có màu xanh lục và mọc mầm có thể gây hại cho hệ thống thần kinh. Nếu khoai tây vẫn tươi bị mọc mầm, bạn có thể dễ dàng cắt mầm và củ khoai có thể lưu giữ được phần lớn các giá trị dinh dưỡng.

Ngược lại, nếu khoai tây đã bị héo, cách tốt nhất là bạn nên loại bỏ những củ khoai tây này. Mầm khoai tây ngoài chứa nhiều solanine mà con chứa chất chaconine. Đây là hai loại của chất độc glycoalkaloids (glycoalkaloids là hợp chất hóa học độc hại có thể được tìm trong lá, thân và mầm khoai tây nếu để lâu). Ăn phải glycoalkaloids sẽ khiến bạn bị chuột rút, tiêu chảy, đau đầu, thậm chí hôn mê, tử vong.

4. Mật ong

Trong mật ong chứa chất độc gọi là Hydroxy Methyl Furfurol (HMF), chất này có thể khiến ong chết nếu ở hàm lượng HMF 200mg/kg, chuột bị biến đổi gen và làm tăng khả năng bị ung thư.

Chất độc này khi bảo quản mật ong ở nhiệt độ càng cao thì sinh ra càng nhiều. Cụ thể, mật ong mới thu hoạch HMF 1 - 5mg/kg, nhưng sau 100 - 200 ngày (bảo quản ở nhiệt độ từ 30 - 50 độ C) thì HMF sẽ tăng lên 200 - 300mg/ký.

Vì theo thời gian, chất lượng mật ong sẽ bị thay đổi, giảm giá trị dinh dưỡng và thậm chí gây hại nên mọi người cần bảo quản đúng cách và sử dụng đúng thời hạn.

Do đó, chúng ta nên bảo quản trong những chiếc lọ được đậy kín nắp, ở nơi thoáng mát, tránh để nước lẫn vào nếu không mật ong sẽ nhanh chóng bị lên men.

Thông thường mật ong nếu bảo quản đúng cách sẽ dùng được trong 1 - 2 năm. Quá thời hạn thì không nên dùng vì lúc này mật ong đã mất chất và biến thành chất độc. Hãy để mật ong ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời và không nên để trong tủ lạnh.

Những "chất độc" quen thuộc có mặt ngay trong căn bếp của bạn

5. Cá ngừ

Cá ngừ có thịt nạc nhiều, ít chất béo, giàu chất dinh dưỡng và các muối khoáng nên rất ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, nhiều người ăn cá ngừ bị ngộ độc và đây cũng là loại cá thường gây ra các vụ ngộ độc tập thể, không phải do bản thân cá ngừ có độc mà do mua phải cá ngừ đã bị ươn, khiến chất đạm trong cá ngừ biến thành chất độc. Hơn nữa, cá ngừ rất hay bị nhiễm chất độc scombro có thể gây đau đầu hay bị chuột rút.

Theo các nhà khoa học, cá ngừ là loại cá ăn thịt (ăn động vật sống) nên ruột và thịt cá chứa rất nhiều enzym (để tiêu hóa thức ăn động vật). Nếu cá bị ươn thì enzym trong cá dưới tác động của men decarboxylase sinh ra từ vi khuẩn sẽ hoạt động phân huỷ các axit amin histidin - sắc tố đỏ - của cá ngừ nói riêng và các cá thịt đỏ như cá hồi, cá cơm than... thành chất histamin.

Histamin là chất có khả năng gây dị ứng dữ dội cho người dùng như phù người, nhức đầu, nôn mửa, ngứa đỏ ngoài da... Khi ăn phải một lượng histamin cao vượt mức cơ thể chấp nhận được (ngưỡng cho phép là 100mg/kg), histamin có thể ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh, gây ra triệu chứng đau đầu, choáng váng, tim đập nhanh, mệt lả... bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Đặc biệt, sự nguy hiểm nhất của histamin là đặc tính chịu nhiệt, thậm chí khi cá đã được nấu chín, đóng hộp qua thanh trùng, nhưng histamin vẫn không bị phá hủy.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn cá ngừ bị ươn, người có cơ địa dị ứng, trẻ nhỏ, trước khi ăn cá ngừ nên thử một chút, nếu có biểu hiện bất thường thì không nên ăn.

Ngoài ra, để loại trừ enzym và histamin độc của cá ngừ, khi chế biến cá ngừ, nên chẻ đôi con cá theo đường xương rồi cắt khúc cỡ 10cm và ướp 30 phút với gừng tươi (1kg cá cần khoảng 50g gừng tươi) băm nhỏ, ướp gia vị rồi mới chế biến.

6. Củ sắn

Sắn là một loại thực phẩm phổ biến ở nước ta, đặc biệt là các vùng nông thôn và miền núi. Bệnh ngộ độc sắn thường được người dân ở nước ta thường gọi là say sắn. Triệu chứng ngộ độc sắn có biểu hiện cấp tính nặng hay ngộ độc nhẹ sẽ tùy thuộc vào số lượng sắn ăn nhiều hay ít như rối loạn thần kinh, rối loạn hô hấp, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.

Nguyên nhân dẫn tới ngộ độc sắn sau khi ăn là do trong sắn có chứa một chất độc là glucozit, tập trung chủ yếu ở vỏ, hai đầu của sắn. Khi gặp men tiêu hóa, acid hoặc nước thì glucozit sẽ bị thủy phân và giải phóng ra acid cyanhydric, aceton và glucose, vì vậy độc tính của sắn chủ yếu là do acid cyanhydric. Bất kỳ loại sắn nào cũng có chứa glucosid với hàm lượng trung bình từ 3 - 5mg %. Sắn càng có vị đắng thì lượng glucosid càng cao, có khi lên tới 10 - 15mg %.

Liều lượng gây tử vong là 1mg/kg trọng lượng cơ thể. Đối với người lớn, liều gây ngộ độc là 20mg acid cyanhydri, liều gây chết là 50mg acid cyanhydric với người lớn có cân nặng khoảng 50kg, đối với người già, trẻ em và người ốm yếu thì liều lượng sẽ thấp hơn.

Đặc tính của loại chất độc có ở trong sắn rất dễ bay hơi, chúng hòa tan dễ dàng trong nước lạnh cũng như nước nóng. Khi bị oxy hóa hoặc kết hợp với chất đường kính thì sẽ được chuyển thành chất không độc.

Dựa vào đặc tính này của sắn, nếu biết cách chế biến phù hợp thì hàm lượng chất độc sẽ bị loại bỏ một phần khá lớn. Sắn sau khi được bóc sạch vỏ, ngâm với nước một thời gian, luộc chín và để nguội thì hàm lượng độc chất giảm xuống chỉ còn 30% so với ban đầu.

Bên cạnh đó, hàm lượng chất độc sẽ giảm xuống còn rất ít và không đủ khả năng gây độc cho người ăn mặc dù tiêu thụ với một lượng lớn là khi chế biến dưới dạng cắt thành lát phơi khô, chế biến thành bột sắn, sắn dây,...

7. Hạt điều sống

Bạn chỉ nên lựa chọn loại hạt điều đã tách vỏ và đã được rang ở nhiệt độ cao để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bởi hạt điều sống có thể gây nguy hiểm cho bạn.

Hạt điều được bao bọc bằng một loại vỏ cứng hình thận với 2 lớp bao bọc chúng nhưng giữa 2 lớp này lại có chứa nhựa phenolic urushiol. Đây là một chất gây hại có trong cây thường xuân.

Khi ăn phải chất độc này, bạn có thể bị tiêu chảy, ngộ độc, nghiêm trọng hơn là có thể tử vong nếu tiêu thụ urushiol quá nhiều. Hơn nữa, tiếp xúc với chất độc này cũng có thể gặp tình trạng ngứa da và dị ứng.

Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ ăn hạt điều chưa chín hoàn toàn, thậm chí một số nơi còn để lẫn cả hạt điều sống nên có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Vì độc tính tiềm tàng nên hạt điều khi bán ra thị trường phải được tách vỏ và rang ở nhiệt độ cao để loại bỏ các chất độc hại và giúp chúng an toàn để tiêu thụ.

7 "thủ phạm" quen thuộc khiến cơ thể có mùi khó chịu
Top 5 "siêu thực phẩm" giải độc gan bạn cần biết
Những thực phẩm giúp cơ thể thơm tự nhiên
Top 10 thực phẩm hàng đầu giúp tăng kích cỡ vòng 1
10 thực phẩm tuyệt vời giúp trẻ tăng chiều cao
HP (tổng hợp)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động