Thứ hai 25/11/2024 17:02

Những quan niệm sai lầm về chế độ ăn uống của người mắc đái tháo đường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) cũng như người bình thường, cần nhiều năng lượng, đường để phục hồi cơ thể. Nếu kiêng tuyệt đối cơ thể vẫn cần đường để nâng đường huyết, tạo năng lượng cho cơ thể nên sẽ phải lấy năng lượng từ đạm, mỡ. Điều này trái với tự nhiên, sinh ra nhiều sản phẩm độc.
Những quan niệm sai lầm về chế độ ăn uống của người mắc đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường bỏ ăn tinh bột vào bữa tối gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ

Kiêng ngọt hoàn toàn có đúng không?

Lý giải điều này, TS-BS. Đỗ Đình Tùng, Phó giám đốc BV Đa khoa Xanh-Pôn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá Hà Nội cho biết, người bệnh ĐTĐ thường có xu hướng khi mắc là kiêng ngọt, thậm chí kiêng hoàn toàn, điều này là sai lầm. Bởi người mắc ĐTĐ cũng như người bình thường, đặc biệt người ốm cần nhiều năng lượng, đường để phục hồi cơ thể, có năng lượng cung cấp cho cơ thể vì thế nếu kiêng tuyệt đối cơ thể vẫn cần đường để nâng đường huyết, tạo năng lượng cho cơ thể nên sẽ phải lấy năng lượng từ đạm, mỡ. Việc này là trái với tự nhiên, sinh ra nhiều sản phẩm độc, nhiều loại mỡ không tốt làm tăng xơ vữa động mạch, tăng sản phẩm độc và tăng biến chứng.

"Khi kiêng đường tuyệt đối dẫn đến lúc đói đường huyết rất hạ nhưng no thì đường huyết lại tăng cao. Đó là cơ chế kháng insulin do kiêng đường tuyệt đối làm đường huyết dao động, dẫn đến biến chứng. Khi thử đường huyết ở những người này cho thấy chỉ số biến chứng dao động. Do vậy người bệnh ĐTĐ không nên kiêng tuyệt đối đường mà cân bằng dinh dưỡng theo các nhóm đạm, đường, mỡ", TS. Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.

Ăn nhiều hoa quả có làm tăng đường máu?

Thậm chí, nhiều người cho rằng người mắc ĐTĐ ăn nhiều hoa quả sẽ tăng đường máu cũng là không đúng. Phó giám đốc BV Đa khoa Xanh-Pôn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá Hà Nội cho rằng, người bệnh ĐTĐ không cần kiêng hoa quả mà càng ăn đa dạng càng tốt vì ăn cung cấp vitamin, khoáng chất, vi lượng giúp chuyển hoá, thải loại chất độc ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên ăn nhiều không tốt vì làm lượng đường nhiều hơn.

Người bệnh ĐTĐ không cần kiêng tuyệt đối nhưng chú ý với loại hoa quả thông thường thì ăn lúc nào cũng được còn vải, nhãn, xoài, đu đủ, mít, sầu riêng nhiều tinh bột làm tăng đường huyết lên nhanh thì nên ăn xa bữa ăn chính hoặc căn sau ăn 2 tiếng, trước ăn 1 tiếng thì tốt; Cùng đó là ăn theo khẩu phẩn (có thể 5-10 quả vải, vài miếng dưa, đu đủ) chứ nếu ăn nửa cân vải, 1/4 quả dưa hoặc cả 1 quả xoài to thì đều không tốt.

Việc ăn xa bữa để 2 loại đường không cộng vào nhau và chỉ ăn 1 khẩu phần vừa bổ sung năng lượng vitamin khoáng chất mà không gây hạ đường máu. Xu hướng gần lúc đói đường máu hạ thì phải ngăn chặn bằng ăn thêm hoa quả vào giữa buổi thì lại tốt cho người ĐTĐ.

Giảm ăn tinh bột đường, ăn miến thay cơm

Bên cạnh đó, có nhiều người cũng có xu hướng giảm ăn tinh bột đường, điều này không tốt, mà phải ăn cân đối đạm đường mỡ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lượng tinh bột cung cấp cho cơ thể phải bằng ít nhất 60-65% trong tỉ lệ năng lượng. Ngoài ra mỡ 20-25%; đạm 10-15% để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ăn ít tinh bột khiến người bệnh luôn luôn háo ngọt, luôn thiếu năng lượng-thiếu thì phải lấy từ nguồn khác. Ăn ít tinh bột khiến kiểm soát đường máu không tốt, đói thì hạ no thì tăng; làm mất cân bằng khiến giảm đường máu, năng lượng cung cấp đường cho não ít đi, dẫn đến nguy cơ teo não, quên nhiều. Người mắc ĐTD ăn ít tinh bột thì tỉ lệ quên cũng cao hơn người ăn nhiều tinh bột.

Cũng có nhiều người ĐTĐ ăn miến thay cơm để điều trị ĐTĐ, tuy nhiên BS. Tùng cho biết, việc ăn miến thường xuyên không tốt vì chỉ số tăng đường huyết (GI) của miến lên tới 95%; nếu ăn đường chỉ số GI 100%; ăn cơm chỉ số này là 83%; ăn gạo lứt là 73%. Chỉ số tăng đường huyết của miến tăng hơn nhiều so với cơm nên nếu ăn thường xuyên sẽ kiểm soát không tốt dẫn đến tăng nguy cơ biến chứng.

"Mọi người hay nhầm lẫn miến dong với củ dong. Củ dong nhiều chất xơ tốt nhưng miến là tinh bột dong qua nhiều khâu chế biến khác nhau nên ăn miến làm tăng đường huyết. Chúng tôi khuyên người ĐTĐ không nên ăn nhiều miến, chỉ ăn thưởng thức chứ không nên ăn thường xuyên", BS. Tùng nói.

Ăn khoai lang có giảm đường?

Người mắc ĐTĐ cũng truyền nhau kinh nghiệm ăn khoai lang để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, việc ăn khoai nếu không đúng cách cũng khiến phản tác dụng. TS. Tùng phân tích, khoai lang luộc làm kiểm soát đường huyết tốt hơn vì chỉ số tăng đường máu của khoai lang luộc chỉ 64-65%. Thế nhưng nếu là khoai lang nướng thì chỉ số GI lên trên 140%; khoai tây chiên, khoai ngọt thì lên hơn 150%.

Khoai khi luộc là đường đa, khi nướng thì thành đường đơn ăn vào hấp thu vào máu làm tăng đường máu rất cao. Các loại ngũ cốc không nên nướng mà ăn ở dạng luộc tốt hơn nhiều. Đồ luộc cũng tốt hơn hầm vì hầm làm cắt đường ra đường đơn, làm tăng chỉ số đường máu khiến việc kiểm soát đường huyết tốt hơn. Tuy nhiên ăn đồ luộc nhiều chán thi thoảng có thể đổi bữa.

Có điều mọi người cũng không chú ý là bánh mì làm tăng đường máu nhanh. Bánh mì trắng ăn vào làm tăng chỉ số GI lên 99%. Nghiên cứu chỉ ra rằng 100gam bánh mì bằng 100 gam đường trong khi cơm chỉ 83%. Ăn cơm ăn kèm rau, cá, thịt... thì càng tăng chậm hơn so với ăn bánh mì. Vì thế, mọi người cũng không nên ăn bánh mì thường xuyên, chỉ ăn thưởng thức chứ ăn thường xuyên làm kiểm soát đường huyết không tốt, tăng nguy cơ biến chứng.

Những quan niệm sai lầm về chế độ ăn uống của người mắc đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường không cần kiêng hoa quả mà ăn hợp lý theo khẩu phần sẽ rất tốt

Không ăn tinh bột buổi tối

TS. Đỗ Đình Tùng cũng chỉ ra điều sai lầm của người bệnh ĐTĐ là kiêng hoàn toàn tinh bột vào buổi tối để chữa bệnh. Suốt 18 tiếng không ăn sẽ làm mất cân bằng chuyển hoá, làm hạ đường máu và tăng biến chứng. Người ĐTĐ nên ăn tinh bột buổi tối, chia ra sáng ăn nhiều tinh bột, giảm dần đến trưa và tối, Đến tối nên ăn 1 bát cơm; trưa và sáng có thể ăn nhiều hơn tuỳ theo gầy hay béo nhưng ít nhất phải có để có đường cung cấp cho cơ thể, nuôi dưỡng não. Tuy nhiên ăn đêm lại không tốt, nên ăn trước 20g trừ trường hợp có tiêm insulin hoặc hạ đường máu về ban đêm thì nên ăn muộn.

Việc nhịn ăn tối để giảm béo là hoàn toàn sai lầm dễ dẫn đến giảm béo không bền vững và nhiều nguy cơ về sức khoẻ vì nhịn 18 tiếng sau đó ăn 2 bữa liền vừa khiến cơ thể thiếu năng lượng vừa mất cân bằng cho cơ thể. Khi thiếu thì cơ thể huy động nguồn từ mỡ, đạm thừa có tác dụng giảm béo nhưng sẽ sinh ra nhiều sản phẩm độc.

Giảm tinh bột dẫn đến năng lượng nuôi cho não liên tục bị thiếu (mà não chỉ sử dụng đường) nên liên tục hạ đường máu. Chúng tôi đã thử cho người nhịn ăn thì thấy ban đêm hạ đường máu, việc này dần dần dẫn đến tổn thương cho tế bào thần kinh, hay quên, về già sẽ mắc chứng alzheimer nhiều so với bình thường.

Người bệnh ĐTĐ không nên ăn xôi vào buổi sáng bởi ăn xôi tăng khiến đường huyết nhanh làm tăng hấp thu đường vào máu và cũng hạ nhanh mà không đủ năng lượng. Theo nghiên cứu các đồ nếp như xôi, chè có đồ nếp hoặc bánh nếp khiến đường huyết tăng nhanh vì thế không nên ăn xôi sáng thường xuyên. Người bệnh ĐTĐ nên ăn cơm sáng kèm thức ăn, rau sẽ tốt hơn để đủ năng lượng cho cả ngày. Cố gắng ăn bữa sáng làm bữa chính trong ngày.

425 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh đái tháo đường
Phòng tránh tiểu đường thai kỳ, những việc mẹ cần làm
Cụ bà đái tháo đường suy kiệt vì dùng thuốc mua trên mạng
Mất cảm giác bàn chân do biến chứng đái tháo đường, người phụ nữ phải cắt cụt chân
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động