Thứ sáu 19/04/2024 14:33
An toàn cháy nổ tại các chung cư mini:

Những quả “bom” ở trạng thái hẹn giờ!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhà chung cư mini thường là những căn hộ khép kín, các ban công hay tum đều có khung sắt nhằm chống trộm, không cầu thang thoát hiểm, nếu xảy ra hỏa hoạn thì việc thoát khỏi nơi đây gần như “bất khả thi”.
Nếu xảy ra hỏa hoạn, xe cứu hỏa và lực lượng PCCC rất khó tiếp cận để ứng cứu
Nếu xảy ra hỏa hoạn, xe cứu hỏa và lực lượng PCCC rất khó tiếp cận để ứng cứu

Hiểm họa thường trực

Vào khoảng 19h ngày 23/10/2022, một vụ cháy lớn xảy ra tại tòa nhà chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Theo người dân, lửa bốc lên từ tầng 1 của ngôi nhà nằm trong ngõ 132 Cầu Giấy nên đã hò hét báo cháy cho những người trong nhà thoát ra và nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa.

Người dân đã báo cho CA phường, Cảnh sát PCCC và CHCN CA TP Hà Nội, rất may mắn, 11 người đã được giải cứu kịp thời. Điều đáng nói, ngôi nhà xảy ra cháy cao 6 tầng 1 tum. Lực lượng PCCC đã phải tiếp cận công trình từ sân thượng nhà liền kề, sử dụng phương tiện cắt khung sắt tiếp cận khu vực có người bị nạn đưa ra khỏi đám cháy.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 3 cho biết: “Nhà chung cư mini tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, song hiện vẫn xếp vào loại nhà ở hộ gia đình và được thực hiện rà soát, kiểm tra theo kế hoạch 209 của UBND TP Hà Nội về việc tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC theo diện nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh. Trên thực tế nó là chung cư bởi vì có hàng chục hộ dân, có mua bán, trao đổi, cho thuê nhưng lại không được thẩm duyệt an toàn PCCC khi xây dựng. Lỗ hổng này dẫn đến việc chấp hành quy định an toàn PCCC ở đây rất hạn chế, thậm chí chủ nhà không chấp hành khi kiểm tra hoặc tuyên truyền PCCC”.

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 3: “Khó nhất là khi đi kiểm tra, rà soát an toàn PCCC đối với loại nhà chung cư mini là khi xây xong họ cho người khác trông nom, không có người đứng đầu để phối hợp tuyên truyền an toàn PCCC, ứng cứu khi có sự cố và đặc biệt khi hướng dẫn PCCC thì người dân cũng rất thờ ơ vì không có Ban quản trị đôn đốc, nhắc nhở. Từ tồn tại trên, việc xử lý vi phạm rất khó khăn, không biết gặp ai để mà xử lý”.

Còn Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: “Các chung cư mini không thẩm duyệt PCCC là do khi xin phép xây dựng họ chỉ xin cấp phép nhà ở hộ gia đình, để không phải làm thủ tục thẩm duyệt PCCC ban đầu. Nếu họ xin phép xây dựng chung cư từ ban đầu thì nhiều vị trí không thể đủ điều kiện bởi hạ tầng đường tiếp cận xe chữa cháy, phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi cần kíp không có”.

Còn đó những bất cập

Thực tế, việc quản lý chung cư mini hiện nay còn những khoảng trống pháp lý, gây ra nhiều bất cập, đặc biệt là công tác PCCC.

Luật Nhà ở quy định: Căn hộ của nhà chung cư mini được xây dựng theo Giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, đảm bảo PCCC và quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch xây dựng đô thị đối với khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng thì được cấp Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát nhiều nơi còn buông lỏng. Theo Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP “Quy định cho tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật PCCC”, thì nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên phải buộc có giấy phép về PCCC.

Thực tế vẫn tồn tại những chung cư chưa cao đến 7 tầng và tổng khối tích chưa đến 5.000m3 vẫn đang hoạt động và nằm ngoài các quy định. Ghi nhận tại một chung cư mini nằm sâu trong ngõ thuộc địa bàn phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cho thấy, tòa nhà này được xây 7 tầng, mỗi tầng 4 căn hộ, hoàn thiện xong cuối năm 2017, hiện đã có nhiều hộ gia đình đã dọn về ở. Tuy ngôi nhà có một giếng trời nhưng chủ đầu tư lại tận dụng để lắp đặt đường ống nhựa, dây điện để trần, không bó gọn kín trong hộp kỹ thuật như những nhà dân thường làm.

Các tầng ra thang bộ không có đèn báo thoát hiểm, không có cửa ngăn khói vào các tầng, ở góc cầu thang mỗi tầng chủ đầu tư cũng đặt một bình cứu hỏa, bảng tiêu lệnh nhưng các ban công, ô thoáng thì hàn rào khung sắt vuông không có khóa mở. Đặt giả thiết, nếu xảy ra chập cháy ở bó dây điện từ công tơ ở tầng một hoặc bó dây ở giếng trời cháy bén lên do không được bao kín thì cư dân chỉ có cách… “đu dây” sang nhà bên cạnh.

Việc chữa cháy cho chung cư mini này cũng rất khó khăn vì nằm rất sâu trong ngõ nhỏ 2 xe máy đi vừa. Lực lượng cứu hỏa sẽ phải rải vòi khoảng 600-700m mới tới được. Với hiện trạng như vậy, khi xảy ra hỏa hoạn sẽ rất nguy hiểm và chỉ thiệt cho những người mất tiền mua, thuê nơi hiểm họa rình rập.

Chị Mai Trang ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác khi hai vợ chồng đều có mức thu nhập trung bình. Tiền mua nhà chưa có, đành phải thuê chung cư mini vì hợp túi tiền và gần cơ quan. Tuy nhiên, một số vụ cháy chung cư mini gần đây khiến chúng tôi lo lắng”.
Giải pháp phòng chống cháy nổ tại chung cư, nhà cao tầng
Tuyên truyền kỹ năng an toàn giao thông và thoát nạn khi gặp cháy nổ cho học sinh tiểu học
Chú trọng nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về PCCC
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động