Những lưu ý quan trọng trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bảo hiểm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh hoạ |
Lưu ý gì trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm?
Thời gian qua, thông tin diễn viên Ngọc Lan bức xúc vì một số vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm (BH) đã dẫn đến nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, người mua BH cần hiểu đúng bản chất, mục đích của BHNT vừa là hình thức chuyển giao rủi ro, chi trả các chi phí khi có sự kiện BH xảy ra vừa là hình thức đầu tư dài hạn.
Khi xác định mua BH, người mua BH cần phải trả lời được các câu hỏi “Mua BH để làm gì?”. Chỉ khi nào trả lời câu hỏi này một cách đầy đủ thì mới xác định chính xác người được BH, người thụ hưởng, sự kiện BH, số tiền BH, thời hạn BH… sẽ được hưởng thụ những quyền lợi gì.
Luật sư cũng lưu ý thêm, người mua BH phải đọc kỹ hợp đồng cũng như nắm rõ các nghĩa vụ phải thực hiện. Đồng thời tính toán khả năng tài chính trung và dài hạn để thực hiện nghĩa vụ đóng phí trong tương lai.
“Phí bảo hiểm phải đóng nên chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng chi phí thường xuyên hàng tháng, được liệt kê vào nhóm chi phí không thể trì hoãn như tiền điện, tiền nước, tiền gạo, xăng xe hằng ngày. Người mua BH phải dự phòng được rằng trong mọi tình huống khó khăn về tài chính xảy ra thì cũng không thể ngừng đóng BH”, chuyên gia luật nhắc nhở.
Luật sư Nguyên cũng kiến nghị: “Doanh nghiệp BH phải làm thế nào để khách hàng mua BH kể cả không được bảo hiểm nhưng vẫn tâm phục khẩu phục, không cảm thấy bị lừa, bị bẫy. Còn nếu người ta cảm thấy không hài lòng vì nó không rõ ràng, không đủ thông tin, bắt bẻ, gài chỗ này chỗ kia, thậm chí là từ ngữ, câu chữ khó hiểu là chưa được. Do đó, doanh nghiệp BH cần phải làm việc bài bản, chuyên nghiệp. Pháp luật về kinh doanh BH đã đòi hỏi rất chặt chẽ, vì vậy bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng mình lên, chuyên nghiệp, tử tế, có đạo đức, văn hóa kinh doanh thì mới bền được”.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyên cũng kiến nghị, BH là lĩnh vực mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ những lúc khó khăn, đau ốm hay người tham gia qua đời thì gia đình nhận được một khoản bồi thường. Thế nên trong hợp đồng cũng cần nhân văn khi khách hàng gặp phải hoàn cảnh khó khăn, không tiếp tục theo quá trình dài với phí tham gia cao được thì cũng nên giải quyết trả lại tiền gốc cho khách. Như vậy thì khách hàng mới có thể đặt niềm tin tham gia BH được.
Chế tài xử phạt ra sao?
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của công ty, các doanh nghiệp BH cần nâng cao đào tạo nghiệp vụ, kiến thức BH và đạo đức của tư vấn viên bởi tư vấn viên bị áp lực bởi doanh số nên có thể bất chấp dụ dỗ khách hàng ký hợp đồng.
“Lưu file ghi âm nội dung tư vấn phải là một bộ phận không tách rời của hợp đồng BH. Việc này đảm bảo tư vấn viên không vì áp lực doanh thu mà tư vấn sai với khách hàng, đồng thời cũng là chứng cứ để giải quyết nếu tranh chấp xảy ra”, luật sư Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.
Đồng thời, doanh nghiệp cần cung cấp cho bên mua BH bản yêu cầu BH, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được BH... giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi BH, điều khoản loại trừ trách nhiệm BH, quyền và nghĩa vụ của bên mua. Tổng đài viên chủ động định kỳ gọi điện hỏi thăm và tư vấn cho khách hàng, để kịp thời giải đáp các thắc mắc của khách hàng và hướng dẫn.
Luật sư Thái đưa ra lưu ý: “Khi xảy ra khiếu nại thì doanh nghiệp BH cần nhanh chóng mời khách hàng giải quyết trực tiếp. Nếu có khủng hoảng truyền thông như vụ diễn viên Ngọc Lan thì doanh nghiệp cần có phát ngôn chính thức về các thắc mắc của khách hàng hoặc uẩn khúc trong cách hiểu điều khoản hợp đồng, tránh để dư luận tự suy diễn”.
Đối với chế tài xử lý sai phạm, vị luật sưu này cho biết, tại Điều 15, Nghị định 98/2013 quy định, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện BH, làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 17, Nghị định 98/2013 quy định, xử phạt từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng BH, không giải thích các điều kiện, điều khoản BH cho bên mua khi giao kết hợp đồng.
Khoản 3 Điều 23, Nghị định 98/2013 quy định, phạt tiền từ 50- 60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhân viên chưa có chứng chỉ đào tạo về BH hoặc môi giới BH theo quy định của pháp luật.
“Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ hơn quyền kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Cơ quan quản lý có vai trò quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường BH. Tuy nhiên, cần quản lý chặt chẽ hơn trách nhiệm của đại lý BH, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào đạo đội ngũ tư vấn viên đảm bảo đủ tâm, đủ tầm”, luật sư Thái nêu quan điểm.
Luật sư cho rằng, hiểu đúng và đủ về các bảo hiểm sẽ là bước căn bản giúp chúng ta có cái nhìn công tâm hơn về các sản phẩm này, cũng như trả lại đúng vai trò của kênh bảo hiểm như một sản phẩm phòng ngừa rủi ro. Sâu xa hơn, hiểu biết rõ hơn về từng sản phẩm bảo hiểm, cũng như tìm được đội ngũ tư vấn có tâm và có kiến thức sâu sắc về bảo hiểm sẽ góp phần từng bước hoàn thiện thị trường còn rất nhiều tiềm năng này.
Liên quan đến các vụ việc lùm xùm vừa xảy ra, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm. Đồng thời, nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại