Những kết quả đáng khích lệ của Hà Nội trong xây dựng thành phố thông minh và số hóa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThành phố thông minh - ảnh minh họa |
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của Việt Nam. Hà Nội cũng là đô thị đặc biệt của Việt Nam và đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, thành phố đang phải đối mặt với nhiều thách thức, dân số đông và phân bố mật độ dân cư không đều (tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành). Vấn đề ùn tắc giao thông khu vực nội đô, vấn đề giáo dục, y tế, môi trường…
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng hệ thống các trường học, bệnh viện thì việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong các lĩnh vực là giải pháp thành phố Hà Nội đang thực hiện nhằm hướng tới xây dựng thành phố Hà Nội thông minh và phát triển bền vững.
Thành phố thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, lối sống thông minh, cộng đồng thông minh, và nhiều yếu tố thông minh khác. Xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm là quan điểm nhất quán của Chính quyền thành phố Hà Nội trong quá trình triển khai xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.
Đặc biệt, ngày 30/12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thành phố đã thu được một số kết quả như sau:
Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: giáo dục, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, thuế,... được thành phố giao các Sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định, cụ thể:
Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo: Thành phố tiếp tục duy trì Hệ thống quản lý tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10), đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý giáo dục một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời (tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến năm 2022 đạt 89%).
Tiếp tục duy trì, vận hành Hệ thống ôn tập và kiểm tra trắc nghiệm trực tuyến HanoiStudy, đồng thời phát động giáo viên toàn ngành tham gia xây dựng và thẩm định nguồn học liệu số phục vụ giảng dạy và tự học cho học sinh (các học liệu sau khi được thẩm định, đảm bảo chất lượng đã được tích hợp vào kho học liệu điện tử của ngành trên Hệ thống ôn tập và kiểm tra trắc nghiệm trực tuyến HanoiStudy để hỗ trợ kịp thời cho chuyên môn).
Đưa vào vận hành, khai thác Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố.
Lĩnh vực Giao thông - vận tải: Tiếp tục giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh và bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online; đồng thời tiếp tục duy trì, vận hành phần mềm Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (RBMS) và phản ánh sự cố, hư hỏng mất an toàn giao thông (GT247) vào phục vụ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố đảm bảo hiệu quả.
Lĩnh vực Xây dựng: Bước đầu triển khai các hệ thống phần mềm và CSDL chuyên ngành như: Quản lý số liệu về quỹ nhà phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố; Quản lý hệ thống cây xanh; Quản lý nhà ở và công sở.
Lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc: Tiếp tục triển khai số hoá tài liệu lưu trữ, Hệ thống thông tin quy hoạch.
Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường: Hệ thống gồm 10 trạm quan trắc môi trường không khí tự động phục vụ cho công tác quan trắc môi trường không khí Hà Nội, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố tiếp tục hoạt động hiệu quả. CSDL đất đai dự kiến triển khai trong năm 2023.
Lĩnh vực Nông nghiệp: Tiếp tục duy trì Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn), ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với nông, lâm, thủy sản, thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Triển khai xây dựng kho dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp.
Lĩnh vực Đầu tư và Doanh nghiệp: Hoàn thành việc triển khai Hệ thống CSDL chuyên ngành kế hoạch đầu tư và doanh nghiệp tích hợp các Hệ thống thông tin do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý; kết nối, tích hợp với CSDL quốc gia về đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tiếp tục duy trì và vận hành các CSDL chuyên ngành đã được đầu tư: CSDL về đầu tư phục vụ quản lý dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; CSDL doanh nghiệp và hộ cá thể trên địa bàn thành phố; CSDL về xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội.
Lĩnh vực Tài chính: Triển khai xây dựng phần mềm tổng hợp, theo dõi quyết toán dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tiếp tục duy trì, khai thác và sử dụng có hiệu quả các ứng dụng dùng chung của ngành tài chính do Bộ Tài chính và thành phố xây dựng như: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc Tabmis; phần mềm quản lý đăng ký tài sản Nhà nước; phần mềm cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; Hệ thống thông tin liên ngành về quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương; CSDL thu chi ngân sách thành phố và CSDL về tài sản công lĩnh vực hành chính sự nghiệp thành phố.
Lĩnh vực Du lịch - Văn hóa thể thao: Việc triển khai ứng dụng CNTT chuyển đổi số của lĩnh vực du lịch và văn hóa thể thao đã đang được tích cực triển khai như: Xây dựng hệ thống phần mềm Triển lãm Sách, báo, tạp chí; nâng cấp phần mềm thư viện thiếu nhi và số hóa tài liệu sách, báo, tạp chí tại Thư viện Hà Nội; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ứng dụng công nghệ số hóa tư liệu trong quản lý và bảo tồn di sản văn hóa;…
Lĩnh vực Y tế: Tiếp tục duy trì các hệ thống đã được triển khai (kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn Thành phố; các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố đã triển khai liên thông, trích chuyển dữ liệu điện tử sử dụng trong quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT).
Việc tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đang được triển khai; đã có 05 đơn vị cung cấp dữ liệu mở, bao gồm: Văn phòng UBND thành phố, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương; Hiện có 04 đơn vị (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Viện Quy hoạch xây dựng) đăng ký tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở.
Từ kết quả đã đạt được và định hướng xây dựng thành phố Hà Nội thông minh bền vững, thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì xây dựng Đề án Giao thông thông minh thành phố Hà Nội và giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Đề án thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Định vị và xây dựng Hà Nội - Thủ đô sáng tạo trở thành đầu tàu kinh tế | |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Phát huy nguồn lực di sản văn hóa trong xây dựng Thủ đô Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại