Định vị và xây dựng Hà Nội - Thủ đô sáng tạo trở thành đầu tàu kinh tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo các chuyên gia, Hà Nội cần thực hiện chuyển đổi “di sản công nghiệp” thành không gian sáng tạo, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái sáng tạo. |
Ths. Lê Thị Trang, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng Hà Nội với tiềm lực văn hóa với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 169 bảo vật quốc gia, 1.350 làng nghề thủ công đã trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội. Đó là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng để Hà Nội kiến tạo và phát triển văn hóa, tiếp thêm sức sống, sức sáng tạo mới cho cộng đồng.
“Tiềm năng sáng tạo từ nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô chính là cơ hội phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Nếu như tiềm lực văn hóa được xem là cơ hội đưa Hà Nội để đến gần “Thành phố sáng tạo” thì huy động nguồn lực là một thách thức. Đó là một rào cản gặp phải trong quá trình triển khai, thực hiện các hoạt động, các dự án về văn hóa, sáng tạo”. Ths. Lê Thị Trang nhận định.
Ths. Lê Thị Trang cho rằng trước những thách thức đó, Hà Nội cần định vị và xây dựng tầm nhìn Hà Nội - Thủ đô sáng tạo trở thành chất xúc tác và đầu tàu kinh tế nhằm thu hút khách du lịch, đầu tư, vốn phát triển và giao thương. Hà Nội hiện có thời cơ khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo và sức sáng tạo của mình trong khu vực và trên thế giới. Do đó, yếu tố quan trọng đối với tầm nhìn này chính là sự nắm bắt và phát huy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Hà Nội sẽ tập hợp các sáng kiến văn hóa và sáng tạo với một tầm nhìn chung về sự thống nhất, bao trùm và tăng trưởng bền vững.
Đề cập đến giải pháp huy động nguồn lực văn hóa trong phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chỉ ra các giải pháp về đổi mới, nâng cao nhận thức và tuyên truyền, hoàn thiện tổ chức, bộ máy để huy động nguồn lực.
Trong công tác tuyên truyền và đổi mới, ông cũng nhấn mạnh việc coi “Thành phố sáng tạo” là chủ trương lớn, xu hướng phát triển chính cho Hà Nội. Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng. Phải biết kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội tập trung vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp.
Giải pháp tiếp theo mà PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu ra tại hội thảo là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực. Hà Nội nên thành lập một tổ chức hỗ trợ phát triển sáng tạo (có thể đặt tên là Creative Hanoi), trực thuộc UBND thành phố, gồm đại diện của chính quyền thành phố, các hiệp hội có liên quan như âm nhạc, điện ảnh, doanh nhân sáng tạo, bản quyền, sân khấu,...
Cuối cùng, tổ chức các sự kiện, hoạt động để huy động nguồn lực cho “Thành phố sáng tạo”. Trong vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã nêu ra các giải pháp về những điều cần bổ sung, cần khái thác và xử lý triệt như tận dụng và khai thác tốt nguồn lực văn hóa dồi dào để đưa Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”. Hà Nội cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp, trong đó xây dựng cơ chế khuyến khích khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Theo TS. Đỗ Thị Liên Vân, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố sáng tạo là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; phát triển công nghiệp văn hóa, mang lại nguồn thu cho kinh tế Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội cần thực hiện chuyển đổi “di sản công nghiệp” thành không gian sáng tạo, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái sáng tạo.
TS. Đỗ Thị Liên Vân cũng nhấn mạnh về những nguồn lực văn hóa đã được thể hiện trong sự sáng tạo chính là kỹ năng và tài năng của mỗi người. Nó không chỉ bao gồm những vật hữu hình về cơ sở vật chất như các tòa nhà, mà còn là các biểu tượng, hoạt động và các sản phẩm địa phương trong ngành thủ công, sản xuất và dịch vụ.
Trong đó, các nguồn lực (tài nguyên) văn hóa đô thị bao gồm di sản văn hóa vật thể: di sản lịch sử, công nghiệp và nghệ thuật, bao gồm kiến trúc, cảnh quan đô thị hoặc địa danh, danh lam thắng cảnh,... Nhưng cũng bao gồm các giá trị văn hóa phi vật thể: truyền thống địa phương và bản địa về đời sống công cộng, lễ hội, nghi lễ hoặc câu chuyện cũng như sở thích và đam mê; ngôn ngữ, ẩm thực, các hoạt động giải trí, thời trang,...
Theo nhận định của TS. Nguyễn Văn Hoạt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, các nguồn lực văn hóa chính là tiềm năng sáng tạo dồi dào để phát triển thành phố Hà Nội trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Các nguồn lực văn hóa cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các chương trình về phát triển bền vững thuộc mạng lưới các Thành phố sáng tạo mà Hà Nội tham gia năm 2019.
Mục tiêu phát triển mà Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế” đồng thời, đóng góp tích cực vào chiến lược văn hóa đối ngoại quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại