Thứ ba 21/05/2024 04:17
Bộ Công an triệt phá đường dây mua bán gan, thận tại Hà Nội

Những kẻ trong đường dây mua bán nội tạng người đối diện hình phạt nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Công an vừa triệt phá đường dây mua bán gan, thận tại Hà Nội. Luật sư cho biết, người có hành vi mua bán bộ phận cơ thể người có thể đối diện với mức án tù chung thân…
Chân dung đối tượng Trương Thị Khuyến và Trần Văn Hiệp
Đối tượng Trương Thị Khuyến và Trần Văn Hiệp nằm trong đường dây mua bán nội tạng vừa bị CQCA bắt giữ

Vạch trần thủ đoạn

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an vừa cho biết, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng đã khởi tố, tạm giam 2 đối tượng là Trương Thị Khuyến (SN 1966, trú Bắc Giang) và Trần Văn Hiệp (SN 1971, ở Hà Nội) để điều tra về tội “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người" theo Điều 154, BLHS năm 2015. 2 bị can trên được xác định cầm đầu đường dây mua bán bộ phận cơ thể người. Đây cũng là vụ bán gan đầu tiên được triệt phá.

Theo điều tra, Hiệp trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ và thường tìm kiếm những người môi giới để mua, bán bộ phận cơ thể người, đặc biệt là trường hợp bán gan đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Người mua gan phải trả cho Hiệp khoảng 1,2 tỷ đồng. Nếu có giao dịch, Hiệp sẽ trả cho người bán gan khoảng 450 triệu đồng.

Để tìm mối, Hiệp thường xuyên la cà quanh các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Và khi tìm được người có nhu cầu bán gan, Hiệp sẽ đưa họ đến các bệnh viện để làm các thủ tục xét nghiệm, đánh giá “sức khỏe” của lá gan. Ngoài trực tiếp đến các bệnh viện, Hiệp còn vào nhóm Facebook như: “Hội tư vấn, hiến và ghép thận Việt Nam”, “Hội những người ghép thận”… để đăng thông tin liên quan đến việc mua bán thận. Khi tìm được đầu mối mua bán, Hiệp sẽ lên kế hoạch bố trí đưa đón.

Giúp đỡ Hiệp trong việc này còn có Trương Thị Khuyến. Khuyến từng sống như vợ chồng với một người đàn ông tên N.V.B (người này đã từng đi bán thận tại Hà Nội) và là người đã giới thiệu nhiều người bán thận cho Hiệp.

Khoảng tháng 1/2021, do hoàn cảnh gia đình khó khăn và nợ số tiền 70 triệu đồng, L.V.Q. ở Bắc Giang đã đồng ý bán nội tạng và được giới thiệu gặp Khuyến. Sau đó, Khuyến tiếp tục giới thiệu Q. gặp Hiệp và được đối tượng chào mời bán gan với giá 450 triệu đồng. Tuy nhiên, sau ca ghép gan thành công cho anh N.T.P., quê ở tỉnh Hưng Yên, sức khỏe của Q. yếu do bị bệnh xơ gan F4 và viêm gan C…

Trường hợp khác là anh V.M.C. bán thận, do làm ăn thua lỗ, nợ nhiều người khoảng 400 triệu đồng. Khi gặp Hiệp được đối tượng này báo giá bán 1 quả thận với số tiền 250 triệu đồng, C. đồng ý bán cho chị H.T.H., quê ở tỉnh Quảng Ninh. Tiếp đó, đối tượng Hiệp còn môi giới bán thận của T. ở tỉnh Thái Nguyên cho người mua là P.Đ.N.

Theo điều tra của Cục Cảnh sát hình sự, tổng chi phí ghép thận là 700 triệu đồng/ca; ca ghép gan từ 1,2 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng/ca. Trong đó, Hiệp được hưởng lợi chênh lệnh từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/người ghép; Khuyến được Hiệp trả công từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngày 3/8/2022, Hiệp dẫn 3 người phụ nữ đến khu vực đường Giải Phóng, Hà Nội, thì bị lực lượng Công an bắt quả tang. Tại CQCA, những người này khai nhận đi cùng với Hiệp để xét nghiệm thận… CQCA đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Hành vi này bị xử lý thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi rao bán, mua bán, quảng cáo, môi giới mua bán bộ phận cơ thể người, đặc biệt là tạng người (tim, gan, thận…) bị pháp luật nghiêm cấm. Bởi lẽ việc hiến tặng nội tạng là hành động mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả giữa người với người.

Khi vấn đề này được thương mại hóa, biến bộ phận cơ thể người thành món hàng để mua bán, trao đổi thì đã mất đi ý nghĩa căn bản của việc hiến tặng, hoàn toàn trái với đạo đức xã hội.

Luật sư Thái cho biết, mua bán bộ phận cơ thể (gan, thận) của nhiều người khác vì mục đích thương mại đã cấu thành tội Mua bán bộ phận cơ thể người. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 154 BLHS.

Cụ thể: Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm tù. Trường hợp phạm tội thuộc khung tăng nặng thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm hoặc từ 12 đến 20 năm. Tùy theo tính chất, mức độ gây tổn hại sức khỏe cho nạn nhân (từ 61% trở lên), số lần mua bán thận trót lọt (từ 6 người trở lên), đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất tù chung thân theo khoản 3 Điều 154, BLHS.

“Hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án trên được xác định giữ vai trò chính, là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo việc mua bán bộ phận cơ thể người. Tội mua bán bộ phận cơ thể người là tội phạm có cấu thành hình thức nên chỉ cần có hành vi khách quan đã thỏa mãn cấu thành thành tội phạm”, luật sư Thái cho hay.

Đối với những người bán thận cũng là chủ thể của tội phạm với vai trò đồng phạm giúp sức để đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, họ cũng là nạn nhân của việc mua bán thận và bị thiệt hại về sức khỏe (mất 1 quả thận). Mặt khác, những người bán thận đều có hoàn cảnh rất khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế, bước đường cùng mới bán thận để có tiền trang trải cuộc sống. Do đó, luật sư Thái cũng cho rằng, để đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật không cần thiết phải xử lý hình sự những người bán thận là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Bắt 3 đối tượng điều hành đường dây mua bán gần 2.000 khẩu súng qua mạng
Bắt 2 người ở Hải Phòng trong đường dây mua bán hóa đơn trị giá 4.000 tỷ đồng
Khởi tố giám đốc bán gần 33 tỷ đồng hóa đơn khống
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động