Những hầm đường bộ “vô duyên” trên tuyến đường Phạm Hùng, Nguyễn Xiển
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐã hoàn thành và đưa vào sử dụng 16 năm, tuy nhiên theo quan sát, ngoài khoảng thời gian giờ cao điểm từ 17g đến 19g, khi mặt đường ách tắc khó có thể di chuyển thì lượng người qua lại thông qua các hầm là rất ít.
Để nhận định đúng vì sao các hầm đường bộ thường xuyên không có người qua lại, chúng tôi đã trực tiếp xuống hầm để khảo sát. Tại các hầm đường bộ đoạn đường Ngụy Như Kon Tum và khu vực UBND quận Thanh Xuân, có thể thấy rõ hiện trạng các bậc thang lên xuống hai bên cửa hầm đều đã xuống cấp, nứt vỡ khiến việc đi lại thiếu an toàn, kết hợp với các mảng bám, vết bẩn ố màu dọc bờ tường khiến hầm trở nên mất thẩm mỹ. Điều đáng nói là tại sao hầm đường bộ ngay gần UBND quận lại để xảy ra tình trạng như vậy?
Qua trao đổi với một nhân công vệ sinh được phân bổ tại hầm đường bộ đoạn đường Ngụy Như Kon Tum thì do không có bảo vệ túc trực nên không tránh khỏi trường hợp có những cá nhân cố ý sử dụng hầm như... nhà vệ sinh công cộng, hay chỗ nghỉ ngơi, tụ tập những lúc nắng nóng, gió mưa. Việc phân bổ nhân viên bảo vệ chỉ được tiến hành sau 22g, lúc các hầm đều đã đóng và khóa cửa. Việc này tạo nên hình ảnh xấu xí và tâm lý bất an đối với người dân qua lại, khiến cho lượng người sử dụng hầm đã ít lại càng ít hơn.
Cũng theo phản ánh của người dân, khu vực ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển mặc dù có lượng phương tiện tham gia giao thông đặc biệt đông và nguy hiểm, nhưng để có thể sang đường (bị cắt ngang bởi hầm chui Nguyễn Trãi), thì người dân phải đi 20 phút hết quãng đường gần một cây số, qua hai hầm đường bộ và một cầu đường bộ, trong khi việc băng sang đường nếu không qua hầm chỉ mất có nửa phút. Chính điều này khiến nhiều người bất chấp an nguy tính mạng mà băng qua đường để đến địa điểm mình muốn nhanh chóng nhất.
Ngày 26-5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Nghị định có hiệu lực từ 1-8-2016, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đi bộ băng sang đường, cho dù bên cạnh họ là cửa vào hầm đường bộ.
Bà Liên, một cư dân sống tại khu vực Thanh Xuân cho biết: “Hầm đường bộ thì chỉ mở cửa từ 6g sáng đến 22g, nên các sinh viên hay dân lao động qua lại khoảng sau mười giờ đêm cho dù có muốn sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân mình cũng không được!”.
Anh Minh, sinh viên ĐH Ngoại Ngữ cho hay: “Tôi không sử dụng hầm vì nó không an toàn. Dưới đó người qua lại thưa thớt, lại không có ai bảo vệ, ngày trước còn có cả các băng nhóm tụ tập dưới đó nữa, đi xuống rồi không biết có bị sao không?”
Khi được hỏi, người dân, đặc biệt là sinh viên sinh sống và học tập dọc tuyến đường Phạm Hùng về hành vi đi bộ sang đường trái với quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì phần lớn câu trả lời mà PV nhận được là... không biết đến Nghị định này. Một số ít người dân cho hay họ có biết về Nghị định này nhưng lại không chấp hành do chưa từng bị nhắc nhở hay xử phạt hành chính về hành vi của mình.
Lý giải cho điều này, chính là tâm lý “đường là của chung” của người dân và sự buông lỏng, e ngại của cảnh sát giao thông trong việc xử phạt người đi bộ vi phạm. Với việc hành vi vi phạm là tức thời, diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau khiến lực lượng chức năng khó có thể phân bổ để lập biên bản xử phạt người vi phạm.
Mức phạt đối với người vi phạm chỉ từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng cũng là quá thấp, không đủ để răn đe, thiết nghĩ với mức phạt từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng thì tình trạng vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ sẽ được giảm thiểu rất nhiều.
Với phong cách sống có phần vội vàng của người Việt Nam, việc các hầm đường bộ được xây dựng tạo nên phần “vô duyên”. Tuy nhiên, người dân cần hiểu rằng các hầm đường bộ không chỉ mang tính chất an toàn khi tham gia giao thông mà còn là bộ mặt của một TP văn minh, hiện đại.
Các cấp chính quyền cần nhanh chóng tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về vấn đề an toàn khi tham gia giao thông thông qua hệ thống loa phóng thanh hay các tờ đơn, biểu mẫu, tránh tình trạng người dân vì nhanh một phút mà chậm cả đời.
Hoàng M.D / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại