Thứ tư 24/04/2024 09:44

Những điều cần biết về cúng ông Công, ông Táo 2023

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cúng ông Công, ông Táo là phong tục truyền thống của của dân tộc Việt Nam. Lễ cúng được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm. Cúng lễ ông Công, ông Táo 2023 cần phải lưu ý điều gì?
Những điều cần biết về cúng ông Công, ông Táo 2023
Tục lệ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp hằng năm

Theo phong tục, lễ cúng ông Công và ông Táo sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Như vậy, ứng với lịch năm 2023, ngày đưa ông Công, ông Táo về Trời sẽ nhằm thứ Bảy, ngày 14/1 Dương lịch. Ngoài ra, các chuyên gia phong thủy còn cho rằng, lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Theo đó, tùy vào điều kiện của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.

Theo quan niệm dân gian, ông Công là người cai quản đất đai, ông Táo (hai ông và một bà) là người chuyên cai quản việc bếp núc. Ông Công, ông Táo là thần được Thiên Đình cử xuống trần gian để giám sát những việc làm của người trần và báo về mỗi năm khi chuẩn bị bước sang năm mới. Các vị đóng vai trò như người luận công trạng hay tội lỗi của mỗi người ở dương gian. Theo đó, để tích thêm công đức và có nhiều may mắn, các gia đình Việt sẽ bày mâm cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Theo các chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa việc cúng ông Công, ông Táo năm 2023 phải chú ý những điều sau::

Cúng ông Công, ông Táo trước 12h ngày 23 tháng Chạp

Có thể cúng trước ngày đấy 1 vài ngày, thậm chí là 5-7 ngày với ngụ ý là mình sẽ báo cáo mọi việc với ông Táo, còn việc ông Táo lên chầu trời sẽ đúng ngày 23. Một số vùng miền có những phong tục khác nhau: Miền Bắc người dân thường làm lễ cúng từ khá sớm và không bắt buộc phải diễn ra đúng ngày 23 tháng Chạp.

Một số gia đình có thể tiến hành cúng từ ngày 20 đến muộn nhất là 12h trưa ngày 23; Miền Trung, nhiều gia chủ sẽ tiến hành cúng ông Công, ông Táo vào đêm 22 hoặc rạng sáng ngày 23 tháng Chạp; Miền Nam, người dân thường làm lễ vào buổi tối, vào khoảng 20h - 23h ngày 22 tháng Chạp. Có sự khác biệt này bởi theo người miền Nam nên tiễn ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng vào thời gian gia đình không còn sử dụng đến bếp để nấu ăn trong ngày nữa.

Khi cúng ông Công, ông Táo người ta thương tránh cúng vào sau 12h trưa, bởi vì, sau 12h trưa đã đóng cửa thiên đình. Vì vậy ngày 23 có thể cúng trong buổi sáng.

Cúng ông Công, ông Táo ở đâu?

Bên cạnh việc chú ý về thời gian làm lễ thì việc tiến hành cúng ở đâu cũng cần được lưu ý khi tiến ông Công, ông Táo về chầu trời. Theo quan niệm dân gian, ông Công là thần thổ và cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà. Trong khi đó, ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc vì vậy lễ cúng cần được tiến hành ở dưới bếp.

Trên thực tế nhiều gia đình sẽ lập bàn thờ riêng để thể hiện sự kính trọng đối với các vị thần. Những gia đình miền Nam có bàn thờ ông Công, ông Táo thì có thể cúng tại đó, còn đối với gia đình miền Bắc không có bàn thờ ông Công ông Táo thì có thể cúng ở bàn thờ chính giữa nhà, có những nơi người ta cúng ngoài trời, một số cửa hàng, mô hình kinh doanh có sử dụng bếp thì nên cúng và có thể cúng ở ban thần tài. Như vậy, việc cúng ông Công, ông Táo không câu nệ cúng ở đâu.

Tuy nhiên, nét văn hóa chung nhất là cúng ở những nơi sạch sẽ, trang nghiêm và tùy theo tập tục của địa phương.

Lau dọn bàn thờ và tỉa chân nhang

Sau một năm thờ cúng, chân nhang sẽ nhiều lên khiến bát hương bị đầy gây khó khăn cho việc dọn dẹp bàn thờ cũng như thắp hương bái thỉnh cho năm sau. Nhưng do quan niệm của người Việt, không có việc gì thì không được động vào bát hương để tránh những điều không may mắn. Vì vậy, khi lau dọn bàn thờ và bao sái bát hương, người ta chỉ rút chân hương hoặc tỉa chân nhang và lau dọn 4 phía bên ngoài bát hương chứ không bê cả bát hương xuống để dọn dẹp.

Các gia đình thường chọn ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời để dọn dẹp bàn thờ, bao sái bát hương. Vậy, nên tỉa chân nhang trước hay sau lễ cúng ông Công, ông Táo? Không có quy định cụ thể nào về việc này nhưng nhiều người cho rằng nên tỉa chân nhang sau khi đã tiễn ông Công, ông Táo về trời với ý niệm dọn bàn thờ sạch sẽ để đón Táo quân trở về.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy, nếu không thể thực hiện việc lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương, tỉa chân nhang sau khi cúng ông Công, ông Táo thì gia chủ cũng hoàn toàn có thể chọn một ngày lành bất kỳ trong tháng Chạp để tiến hành.

Nếu cúng ông Công, ông Táo trước 23 tháng Chạp thì ngay sau khi cúng xong gia chủ nên rút tỉa chân nhang, bao sái, dọn dẹp tổng vệ sinh nơi thờ cúng luôn.

Nếu cúng ông Công, ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp, sau khi khi cúng xong để an yên và sang ngày 24 hay 25 tháng Chạp gia chủ mới được rút tỉa chân nhang.

Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo

Lễ vật cúng ông Công, ông Táo bao gồm có lễ mặn và lễ chay.

Lễ mặn gồm có 1 mâm cơm canh. Lễ này tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình có thể làm thật thịnh soạn hoặc có thể đơn giản, bình thường.

Lễ chay gồm có: bánh trái, hoa quả, bộ mũ ông Công, ông Táo. Theo truyền thống là có 2 ông 1 bà (mũ ông có cánh chuồn còn mũ bà không có cánh chuồn) và 3 con cá chép. Ngày nay người ta cũng có thể thay 3 con cá chép bằng giấy.

Việc giữ gìn tập tục là điều cần thiết, tuy nhiên, cũng không nên rườm rà quá. nếu điều kiện, hoàn cảnh không cho phép mình có thể đơn giản bằng các lễ vật như hương, hoa, đăng, trà, quả, bộ mũ ông Công, ông Táo và có thể mua cá bằng giấy hoặc cá thật.

Việc cúng bái thịnh soạn hay đơn giản quan trọng nhất vẫn là tâm thành, thể hiện đạo lý truyền thống của người Việt Nam.

Món gì cần phải kiêng kỵ trên mâm cúng ông Công, ông Táo?

Trong mâm cúng ông Công, ông Táo từ thượng cổ đến bây giờ người ta kiêng không nên cúng thịt chó, thịt trâu, cá mè, vịt, ngan…

Cúng ông Công, ông Táo

Nghi thức: sau khi đặt mâm cúng lên, gia chủ thắp hương và tiến hành đọc bài khấn. Đến khi đọc xong bài khấn, cắm hương vào bát hương. Sau khi cúng xong thì lại kính lễ 9 lần. Lễ xong đi lùi ba bước mới được quay lưng đi. Sau khi hoàn thành nghi thức khấn bái, gia chủ chờ hương cháy 1/3 thì đã có thể tiến hành hóa vàng, thả cá chép và hạ lễ.

Thả cá chép: Thả cá chép từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để cá còn có cơ hội được sống. Khi thả cá, dùng tay từ từ nghiêng miệng bao nilon hoặc đồ đựng cá xuống dưới mặt nước để cá tự bơi ra.

NSND Công Lý đóng vai gì trong Táo Quân 2023?
Dương Kim Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động