Những điểm đột phá trong chính sách ưu đãi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuang cảnh phiên họp chiều 25/10 |
Tiếp tục rà soát các quy định về điều tra cơ bản
Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội có ý kiến tại Điều 8 có quy định về việc tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải thiết lập vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí. Theo đó, Dự thảo Luật cũng cần quy định rõ vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên biển bao gồm những nội dung nào? Đồng thời phải rà soát nội dung này với các nội dung quy định trong Luật có liên quan như Luật Biển Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Về quy định điều tra cơ bản dầu khí tại Chương 2, Dự thảo quy định kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước, kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kinh phí của tổ chức, cá nhân. Như vậy cần giao cho Chính phủ quy định rõ một số nội dung về điều tra cơ bản để đảm bảo công tác tìm kiếm, thăm dò.
Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội |
Về điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được quy định tại Điều 12, các đại biểu cho rằng các quy định tại Điều này chưa rõ ràng, cụ thể, như có những điều kiện nào thì được thực hiện việc điều tra cơ bản về dầu khí? Điều 13 quy định quyền và nghĩa vụ cho tổ chức tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí nhưng không có điều luật nào về quyền và nghĩa vụ của cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí. Do đó, đề nghị lưu ý cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị quan trọng thì cần phải điều kiện cụ thể hơn, đồng thời phải có quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là quyền của người nước ngoài để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Về hình thức tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, trong trường hợp cơ quan nước ngoài có tổ chức khác chủ trì, cá nhân tham gia thì cũng chưa quy định cá nhân tham gia như thế nào? Vì thế, các đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật về các hình thức cũng như về các quyền, nghĩa vụ.
Theo quy định tại Điều 9 của dự thảo, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí của hoạt động dầu khí thì chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền cho phép điều tra cơ bản về dầu khí.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh thì phải làm rõ danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định tại Điều 10 của dự thảo. Bên cạnh đó, về quyền của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại Điều 61 quy định: Tập đoàn Dầu khí có quyền phê duyệt của Tập đoàn Dầu khí đối với các chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, tìm kiếm thăm dò dầu khí để điều chỉnh, thăm dò dầu khí bổ sung, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí và kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí… Đối với quy định này cần cân nhắc giao cho Chính phủ quy định vì đây là thẩm quyền phê duyệt.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh chỉ rõ, dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến lợi ích của quốc gia trong đó quy định: lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí vào hoạt động dầu khí để làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia. Về điều khoản này, cần phải nhấn mạnh và bổ sung nội dung về “làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng và ô nhiễm môi trường”.
Quy định điều chỉnh mỏ dầu khí tận thu và chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí là điểm đột phá của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo Luật lần này.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý vào Dự thảo Luật |
Thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà cầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Đây chính là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đối với việc khai thác các mỏ này, cần có quy định thật cụ thể để luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.
Tại Điều 15 đã có quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, như vậy cần quy định chặt chẽ, tránh trường hợp lộ lọt thông tin. Đối với các nội dung từ Điều 44 đến Điều 48, phải quy định rõ giữa chức năng của doanh nghiệp và quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu. Theo quy định của dự thảo cho phép Tập đoàn Dầu khí vừa hoạt động kinh doanh và vừa tham gia quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu, như vậy chưa thực sự hợp lý.
Về việc thực hiện các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí, đại biểu Cầm Thị Mẫn, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho biết, chính sách ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Điều 54 của dự thảo luật, đây là bước tiến mới trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện các chính sách ưu đãi này. Đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật để đảm bảo trong trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54 của dự thảo luật thì nhà thầu được quyền đề xuất để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. Việc bổ sung quy định này là phù hợp với chính sách bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ các ý kiến về nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tại Điều 10 theo hướng bổ sung quy định về: Cơ chế thực hiện, hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; nhiệm vụ chủ trì của Bộ Công Thương và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp |
Về hợp đồng dầu khí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành.
Về nội dung chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật bỏ quy định về “Thủ tướng Chính phủ quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí thuộc thẩm quyền của Chính phủ” và bổ sung Điều 55 quy định về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, phân biệt với chính sách ưu đãi đầu tư dầu khí theo hướng thực sự tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, kể cả trong trường hợp doanh thu trừ chi phí thấp hơn thuế tài nguyên phải nộp (thay vì kết thúc sớm, không thực hiện dự án khai thác tận thu).
Ngoài những nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Tại Báo cáo đầy đủ được gửi đến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ các ý kiến về nội dung của dự thảo Luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại