Những chiêu thức đưa 20 người lao động vào bẫy lừa của gã lông bông không nghề nghiệp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt gần 1,4 tỷ đồng
Ngày 9-9, CQCSĐT CATP Hà Nội cho biết đang mở rộng điều tra, tìm thêm bị hại trong vụ án Đỗ Văn Đồng, SN 1986, trú tại tổ 2, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển người đi xuất khẩu lao động.
Theo điều tra, từ đầu năm 2019, mặc dù không có nghề nghiệp nhưng Đỗ Văn Đồng thành lập Cty Cty TNHH Taiyo Japan Quốc tế để lừa những người có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài. Đồng thuê một căn hộ tại một chung cư trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để làm trụ sở giao dịch cho Cty “môi giới”. Đối tượng đăng tuyển các đơn hàng: Kỹ sư cơ khí điện, điện tử, lắp ráp linh kiện và vận hành máy tiện CNC" trên trang facebook cá nhân có tên "Đỗ Đồng".
Đối tượng Đỗ Văn Đồng tại CQCA |
Nhiều người lao động đã liên hệ tới Đồng. Đối tượng thu tiền đặt cọc mỗi người từ 25 đến 70 triệu đồng. Với lời hứa hẹn từ 6 đến 8 tháng sau khi nộp tiền sẽ đưa sang Nhật Bản làm việc, nếu không hoàn lại tiền. Để người lao động tin tưởng, Đồng gửi mẫu giấy "xác nhận nộp hồ sơ xin làm việc tại Nhật Bản", có dấu đỏ chữ nước ngoài và "giấy tư cách lưu trú" đưa cho các bị hại.
Khi CQCA làm rõ, xác định những loại giấy tờ này có dấu hiệu giả mạo thì Đỗ Văn Đồng đồng đã khai nhận là lấy mẫu trên mạng xã hội rồi mang ra cửa hàng photocopy nhờ chèn ảnh, ngày, tháng, năm tiếp nhận hồ sơ. Sau đó, Đồng gửi qua Zalo cho những người đã nộp tiền, để bị hại tin tưởng tiếp tục nộp tiền cho Đồng. Toàn bộ số tiền thu được của bị hại, Đồng sử dụng chi tiêu cá nhân, trả các khoản nợ do vay lãi và chơi cá độ bóng đá, bi-a.
Tại CQĐT, Đỗ Văn Đồng khai nhận, Cty TNHH Taiyo Japan Quốc tế do anh ta thành lập không có chức năng, không có giấy phép hoạt động dịch vụ môi giới đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Đồng đã chiếm đoạt của 20 bị hại ở các tỉnh với tổng số tiền 1.362.625.000 đồng.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, CQCQ quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Đồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do thẩm quyền điều tra nên CQCSĐT CA quận Nam Từ Liêm đã chuyển hồ sơ vụ án tới CQCSĐT CATP Hà Nội tiếp tục điều tra, xử lý.
Người lao động cần cảnh giác
Liên quan đến những vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thời gian qua, có tình trạng một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã lợi dụng nhu cầu muốn đi làm việc ở nước ngoài của người lao động để lừa đảo tuyển chọn, đào tạo và thu tiền trái pháp luật. Để thu hút người lao động, các đối tượng này thường đưa ra các thị trường có mức thu nhập hấp dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...
Vì vậy, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo, người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn, bằng cách trực tiếp liên hệ đến DN có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐTB&XH cấp.
Danh sách các DN có giấy phép trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn). Để được thông tin và tư vấn chi tiết, người lao động có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số máy 024.38249517 (máy lẻ 511, 512, 513).
Tuy nhiên, để hạn chế được tình trạng các Cty môi giới, lừa đảo xuất khẩu như hiện nay, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát của các địa phương rồi đến Bộ LĐTB&XH phải có trách nhiệm quản lý, phát hiện các hoạt động sai quy định của Cty môi giới. Luật sư Thái cho rằng, việc không kiểm soát chặt, chỉ đến khi có đơn tố cáo của người lao động mới vào cuộc nên mới dẫn đến tình trạng bát nháo như hiện nay.
“Đối với các Cty môi giới xuất khẩu lao động, có thể cho phép CQCA tích cực kiểm tra, phát hiện hoạt động sai quy định để xử lý. Nếu DN nào không có giấy phép mà vẫn cố tình hoạt động trong lĩnh vực này thì cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân tránh.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần khuyến cáo người dân, người lao động tích cực phát giác những hành vi vi phạm của các Cty môi giới xuất khẩu lao động này”, luật sư Thái kiến nghị.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại