Những biến chứng nguy hiểm và cách phòng tránh bệnh bạch hầu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất phòng tránh bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa: Pixabay |
Theo ĐDCKI Hà Thị Thanh Hoa, Điều dưỡng trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae là tác nhân gây bệnh bạch hầu. Vi khuẩn này có 3 chủng: Gravis, Mitis và Intermedius. Trong đó, chủng Gravis gây bệnh nặng nhất.
Vi khuẩn có khả năng chống chịu cao, sống sót ngoài cơ thể người vài ngày đến vài tuần nếu được bao bọc trong chất nhầy. Vi khuẩn rất nhạy cảm với các yếu tố vật lý, hóa học như ánh sáng mặt trời, nhiệt độ, cồn,... Cụ thể, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu sẽ chết sau vài giờ ở dưới ánh sáng mặt trời, còn ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được khoảng 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ, vi khuẩn có thể sống được 1 phút.
Căn cứ vào vị trí tổn thương, bệnh bạch hầu được chia thành các loại như:
Bạch hầu mũi: ít nguy hiểm, biểu hiện sổ mũi, chảy dịch, có màng trắng ở vách ngăn mũi.
Bạch hầu họng và amidan: phổ biến nhất. Xuất hiện giả mạc màu trắng xanh ở amidan, lan rộng khắp vùng hầu họng.
Bạch hầu thanh quản: tiến triển nhanh, nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn đường thở.
Bạch hầu các vị trí khác: da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Hiếm gặp và nhẹ hơn.
Theo Điều dưỡng Hoa, thời gian ủ bệnh của bệnh bạch hầu thường từ 2-5 ngày, hoặc có thể kéo dài hơn.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các giọt bắn, đồ vật.
Thời gian lây nhiễm kéo dài, không cố định, có thể khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn. Người bệnh có thể đào thải vi khuẩn ngay từ đầu hoặc cuối thời kỳ ủ bệnh. Người lành mang vi khuẩn có thể lây truyền từ vài ngày đến vài tuần.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu bao gồm: người chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bạch hầu; Trẻ em dưới 15 tuổi do chưa có miễn dịch với bệnh; Người suy giảm miễn dịch, dễ tái nhiễm bệnh; Tiếp xúc gần gũi với người bệnh hoặc sống trong vùng có dịch; Điều kiện vệ sinh kém, đông đúc.
Bệnh bạch hầu có những triệu chứng như: giai đoạn đầu: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau rát họng.
Sau khoảng 2-3 ngày: Xuất hiện màng giả mạc màu trắng xám ở amidan, lan dần ra vùng hầu họng.
Giai đoạn nặng: Giả mạc lan rộng, gây khó thở, khàn tiếng, sưng cổ, nổi hạch cổ, phù nề tắc đường thở. Bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê, nếu không được điều trị tích cực, bệnh nhân có thể tử vong.
Một số biến chứng thường gặp của bệnh bạch hầu có thể kể đến như:
Viêm cơ tim: Xảy ra sớm trong những ngày đầu hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh.
Viêm dây thần kinh: Ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động.
Liệt màn hầu: Xảy ra vào tuần thứ 3 của bệnh.
Liệt dây thần kinh vận nhãn, liệt cơ: Xảy ra ở tuần thứ 5.
Suy hô hấp: Do liệt cơ hoành hoặc tắc nghẽn đường thở.
Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vắc xin. Tại Việt Nam hiện không có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu mà chỉ những vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu.
Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phối hợp có thành phần bạch hầu:
Trẻ nhỏ: Tiêm đủ 4 mũi vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 lúc 2, 3, 4 và 16-18 tháng tuổi.
Trẻ 4-6 tuổi: Tiêm nhắc 1 mũi trước khi vào lớp 1.
Từ 9 – 17 tuổi: tiêm 1 mũi tiêm nhắc tuổi thanh thiếu niên
Người lớn: Tiêm nhắc mỗi 10 năm một lần để duy trì miễn dịch.
Ngoài ra, cần giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và khu vực có dịch.
Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh bạch hầu | |
Hà Nội chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu trong trường học |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại