Nhớ về không khí sục sôi những ngày Cách mạng Tháng Tám
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTừ Hà Nội làn sóng cách mạng lan tỏa khắp cả nước
Cuộc Tổng khởi nghĩa Hà Nội 1945 là sự kiện Nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và chính phủ Đế quốc Việt Nam vào ngày 19-8-1945. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng mở đầu cho Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hàng năm vào những ngày tháng Tám và đầu tháng chín, mỗi người dân Việt Nam dù đang ở bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất mẹ hay ở xa Tổ quốc đều bồi hồi nhớ lại cuộc Cách mạng mùa thu năm 1945 và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 2-9 với niềm tự hào sâu sắc nhất.
Trong quá trình Cách mạng thế giới chưa có một cuộc Cách mạng nào mở ra ngoạn mục đến như thế. Mọi diễn biến đều ăn khớp nhịp nhàng như một bản thiết kế đã vạch sẵn. Cả một dân tộc nổi dậy vào thời cơ tốt nhất, giành thắng lợi nhanh nhất; Hàng chục triệu quần chúng từ Nam ra Bắc không chịu nổi ách thống trị, áp bức tàn bạo của kẻ thù, một lòng một dạ đi theo đội tiên phong nhất tề nổi dậy như vũ bão, tạo ra sự phát triển nhảy vọt của cách mạng cả về chính trị lẫn quân sự, trên cả hai phương tiện thế và lực… Và Cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945) diễn ra ở Hà Nội có ý nghĩa như màn khai pháo trong chuỗi thắng lợi của nhân dân cả nước trong mùa thu lịch sử.
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu |
Ngày 17-8, ở Hà Nội, tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường nhà hát thành phố, có hàng vạn người tham gia để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trong cuộc mít tinh này, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh và nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy, bắt đầu từ quảng trường nhà hát thành phố và lan khắp nơi trên phố phường Hà Nội. Cả Hà Nội tưng bừng khí thế sục sôi khởi nghĩa.
Đến tinh mơ sáng ngày 19-8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Họ vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim! Thành lập chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam! Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập hàng ngũ chiến đấu bên cạnh Việt Minh! Việt Nam hoàn toàn độc lập!
Khoảng 10 giờ rưỡi, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng được sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ tại Hà Nội đã diễn ra. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! Sau đó một cánh tiến thẳng tới Phủ Khâm Sai, cơ quan đầu não của chính phủ, và nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này. Lính bảo vệ Phủ đã hạ vũ khí mà không có bất kỳ hành động kháng cự nào trước sức mạnh của Nhân dân Hà thành. Cũng trong đêm 19-8, Xứ ủy quyết định thành lập Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Bắc bộ và Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội, chính thức hoá vai trò của chính quyền cách mạng với Nhân dân và cộng đồng quốc tế.
Với vai trò là đầu tàu nơi khởi màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa vì vậy thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19-8) đã trở thành làn sóng cách mạng toả đi khắp nơi trong cả nước, cổ vũ Nhân dân các địa phương khác tiến lên xóa bỏ toàn bộ hệ thống cai trị của địch đem đến toàn thắng trong cả nước, lần đầu tiên trong lịch sử Nhân dân ta từ địa vị nô lệ đã vươn lên làm chủ nước nhà, đưa nước Việt Nam lên một vị trí mới, một tầm vóc mới, một thế đứng mới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính thức định danh trên bản đồ thế giới.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá về ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạnh dân tộc dân chủ Nhân dân điển hình này: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và nhân dân những dân tộc bị áp bức những nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần đầu tiên trong lịch sử Cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Chính quyền thuộc về Nhân dân
Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945), quyền thống trị, áp bức của bọn đế quốc (Pháp, Nhật) được xây dựng suốt gần một trăm năm và chế độ quân chủ chuyên chế phản tiến bộ tồn tại hàng nghìn năm đã bị Nhân dân ta lật đổ hoàn toàn. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thực sự thuộc về Nhân dân.
Mặc dù vẫn còn những tiếng súng gây rối của kẻ thù nhưng với khí thế sục sôi của quần chúng trong ngày thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trước cuộc mít tinh của hơn 50 vạn Nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với Nhân dân Việt Nam và thế giới về nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh tư liệu |
Có thể khẳng định, mới chỉ vậy thôi mà ta đã thấy được vai trò có ý nghĩa quan trọng của Hà Nội nơi diễn ra cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng, chính thắng lợi trong phong trào đấu tranh của Nhân dân Hà Nội đã góp phần quyết định đến thắng lợi của tổng khởi nghĩa trong cả nước; cổ vũ mạnh mẽ Nhân dân khắp nơi nổi dậy giành chính quyền đem đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 lịch sử.
Dù thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám diễn ra tại Hà Nội đã cho thấy được tinh thần yêu nước quật khởi của Nhân dân Thủ đô nói riêng và toàn thể dân tộc Việt nói chung, cộng với sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của một Đảng Cộng sản còn non trẻ, đã nhanh chóng chớp thời cơ nghìn năm có một, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
Việc Nhân dân Việt Nam giành chính quyền ngày 19-8-1945 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi vận mệnh của đất nước và dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại