Nhiều đại biểu đề nghị dỡ bỏ Trạm thu phí Thăng Long - Nội Bài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrạm thu phí không dừng đã lùi thời hạn nhưng đến nay vẫn không thực hiện được
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuậncho biết: việc triển khai thực hiện thu phí không dừng bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên sau 5 năm triển khai thực hiện đến nay việc này chưa hoàn thành; thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng CP là phải hoàn thành trước ngày 30/06/2022 gần như không thể đạt được. Vậy nguyên nhân chính của việc chậm trễ này là gì?
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội |
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thu phí không dừng là công nghệ mới, cần ứng dụng để giúp việc đi lại và nộp thuế phí của người dân được tiện lợi, công khai, minh bạch. Chính phủ đã triển khai ứng dụng công nghệ này từ năm 2015, tuy nhiên trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, do thói quen của người dân, vận hành gặp sơ suất kỹ thuật.
Năm 2017, UBTVQH có Nghị quyết giao Chính phủ đến năm 2019 phải triển khai xong việc này. Tuy nhiên, với số lượng làn đường lớn, Bộ đã không đáp ứng được theo đúng tiến độ Nghị quyết đề ra. Đến năm 2019, các dự án BOT đều có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Tuy nhiên, vì vấn đề tái cơ cấu của Tổng Công ty Đường cao tốc nên chậm tiến độ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến ngày 30/6, toàn bộ các trạm BOT trừ trạm của Tổng Công ty Đường cao tốc phải lắp đầy đủ trạm thu phí không dừng ở các làn. Đến 31/7 sẽ hoàn thành toàn bộ lắp các trạm thu phí đầy đủ ở tất cả các làn đường. Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT nêu rõ, Bộ triển khai thành công thí điểm chỉ thu phí không dừng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng làm cơ sở mở rộng cho các tuyến cao tốc khác.
Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống. Tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, kịp thời khắc phục các lỗi trong quá trình vận hành hệ thống. Thực hiện đúng quy định Hợp đồng BOT đã ký, cho phép các dự án được áp dụng mức phí theo lộ trình trong Hợp đồng trong năm 2022…
Liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, cho rằng việc triển khai thu phí không dừng là một chủ trương rất đúng đắn. Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện nó còn rất nhiều vướng mắc. Một trong những vướng mắc trong thời gian vừa qua khi triển khai các dự án BOT, đã xây dựng phương án tài chính thì nhiều dự án không đạt được phương án tài chính theo yêu cầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình đặt câu hỏi liên quan đến thu phí không dừng |
Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), thời gian qua xảy ra câu chuyện thực hiện tái cơ cấu không đạt yêu cầu. Các dự án đầu tư của VEC hiện nay không có phương án tài chính liên quan đến trạm thu phí không dừng nên trong những năm qua không triển khai được.
Bộ trưởng yêu cầu, đến ngày 30/6/2022 mà không hoàn thành việc thu phí không dừng này thì sẽ xả trạm. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết căn cứ quy định pháp lý nào để thực hiện việc xả trạm này khi không điều chỉnh các phương án tài chính cho các nhà đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội nêu ý kiến: Việc giải quyết việc thu phí không dừng trên tất cả con đường BOT có mục đích quan trọng hơn đó là làm minh bạch hơn hoạt động thu tiền, hoạt động tài chính trong việc thu phí giao thông. Qua đây để tìm nguyên nhân của sự ngần ngại triển khai thu phí không dừng của nhà đầu tư. Cử tri cho rằng, ở đây có sự gian lận, có lợi ích nhóm.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đặt vấn đề về lợi ích nhóm trong việc chậm triển khai thu phí không dừng |
Trao đổi với phần tranh luận của các đại biểu Quốc hội, lý giải vì sao trước đây Bộ xác định thời điểm hoàn thành thu phí tự động vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ, theo Đề án của Chính phủ đã giao, mỗi một trạm BOT ít nhất là 2 làn xe, thu phí tự động. Nếu dán thẻ không được nhiều thì việc đi trên các làn đường này cũng khó khăn.
Thực hiện dán thẻ từ năm 2016 đến nay mới 3,2 triệu ô tô. Đề án của Chính phủ, tất cả các trạm BT đều có 2 làn xe là thu phí không dừng, đảm bảo đúng theo tiến độ dự án. Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, tiến độ thực hiện cũng phải từng bước mở rộng dần ra, chứ không thể nào không có thẻ, chưa dán thẻ mà đã làm nhiều thì cũng không thể nào sử dụng được.
Lý giải quy định thời hạn đến 31/7/2022 không hoàn thành việc thu phí tự động thì phải xả trạm, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết là dựa trên cam kết của các đơn vị với Chính phủ. Đến thời điểm đó, trạm nào thực hiện xong thì tiến hành thu phí, trạm nào không xong thì phải xả trạm.
Về tái cơ cấu Tổng Công ty đường cao tốc (VEC), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vốn điều lệ của VEC chỉ có 1000 tỷ thôi, còn vay hơn 120.000 ngàn tỷ.
Do đó, khi tái cơ cấu thì không có thể vay tiếp, dẫn đến nhiều dự án liên quan đến VEC đều dừng không hoạt động được, không thi công được, kể cả là Bến Lức - Long Thành. Do đó là trong kỳ họp này, Quốc hội cũng đã cho cơ chế liên quan cấp phát vốn vay của nước ngoài về cho VEC. Từ đó, VEC có thêm nguồn vốn và có thể huy động vốn hoặc vay ngân hàng.
Trả lời câu hỏi có lợi ích nhóm ở trong BOT này không, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định đây là dự án liên quan tới người dân, rất là nhạy cảm và các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an cũng rất là quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa các cơ quan nhà nước cấu kết với các nhà đầu tư.
Bởi vì các nhà đầu tư hầu như độc lập toàn bộ, còn nếu có vấn đề gì bên trong thì cá nhân nào có vi phạm đều sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này.
Đề nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài vì gây nhiều bức xúc
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, Bộ trưởng đã khẳng định các trạm BOT khi đã hoàn vốn thì sẽ dừng thu phí và ngày 22/4/2020, Bộ trưởng cũng đã trả lời bằng Văn bản số 3844 về nội dung kiến nghị dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long -Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt, một trạm thu phí gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt không đúng.
Trong công văn trả lời, Bộ trưởng nói là dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn nhưng đến giờ này trạm thu phí đấy vẫn còn hoạt động bình thường. Vậy bao giờ trạm thu phí này bất cập này sẽ chính thức được dỡ bỏ?
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu ý kiến tại buổi họp |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu và tiến hành rà soát lại để đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư với người dân. Khẳng định cơ quan nhà nước không có quyền lợi ở đây nhưng phải giám sát để làm sao người dân thực hiện nghiên và cũng giám sát nhà đầu tư thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết. Mặt khác, hợp đồng cũng ký kết qua nhiều giai đoạn, cũng có thay đổi. Do đó, Bộ rà soát, kiểm tra nếu các hợp đồng đủ điều kiện dừng thì dừng ngay, không để lại trạm nữa.
Tranh luận về vấn đề xung quanh trạm thu phí BOT Bắc Thanh Long - Nội Bài, đại biểu Nguyễn Hải Trung - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, hiện nay có nhiều ý kiến phản đối trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, hoạt động cả trên không gian mạng và cả trên thực địa, gây phức tạp về an ninh trật tự. Hàng ngày, hàng giờ, lực lượng công an đã phải xử lý giải quyết các vụ việc rất phức tạp. Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị Bộ trưởng trong thời gian tới cho rà soát, nhưng cần cho biết cụ thể rà soát đến bao giờ và lúc nào thì dừng, lý do tại sao đến lúc đó mới dừng để trả lời cho nhân dân, cử tri biết.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết nhiều ý kiến phản đối Trạm thu phí Thăng Long - Nội Bài vì đặt sai vị trí |
Đối với phát biểu tranh luận của đại biểu Nguyễn Hải Trung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài hiện nay chỉ có 2 giải pháp. Nếu kết thúc sớm, trước khi kết toán theo hợp đồng để nhà đầu tư thu hồi được vốn, có lợi nhuận theo quy định của Nhà nước cần cho phép nhà đầu tư thu phí để giám sát và kết thúc. Theo Bộ trưởng, đây là giải pháp mà hiện nay đang làm. Về giải pháp thứ hai là phải mua lại một phần. Bởi, theo hợp đồng đã ký, qua giám sát, đến thời điểm này, nhà đầu tư chưa thu hồi toàn bộ, nếu kết thúc sớm thì cần có giải pháp cho nhà đầu tư.
Kiểm toán một số dự án BOT không đảm bảo phương án tài chính
Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nêu dẫn chứng kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, kiểm toán 83 dự án BOT và BT thì Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu đối với các dự án là 302 năm.
Đại biểu cho rằng, có khó khăn trong quá trình giám sát các công trình BOT, thực tế chứng minh có những khó khăn trong giám sát quy trình thực hiện các dự án BOT để đảm bảo cho các dự án triển khai một cách hiệu quả, hiệu lực và đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ thêm về thực trạng này nhằm phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện vấn đề, đồng thời chia sẻ với cử tri về những giải pháp đang được Bộ triển khai thực hiện để khắc phục vấn đề này.
Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tranh luận về việc kiểm toán một số Dự án BOT |
Giải trình ý kiến tranh luận của đại biểu liên quan đến kết quả kiểm toán của các dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, khi chưa có Luật Đầu tư công, theo Nghị định 108, đấu thầu dự án là đấu thầu khi dự án đầu tư được duyệt, chưa phải thiết kế kỹ thuật được duyệt chứ không phải là dự toán được duyệt. Trong khi đó, dự án đầu tư có phần dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và nhiều loại dự phòng khác.
Bởi, Nghị định quy định hợp đồng là hợp đồng nguyên tắc và ký hợp đồng theo dự án được duyệt. Trong hợp đồng có đưa một điều khoản sau khi dự án hoàn thành căn cứ vào kết quả quyết toán của dự án thì Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí theo số liệu thực mà dự án đã được triển khai. Do đó, có hai con số, con số kiểm toán đưa ra đúng, nhưng chưa đúng bản chất. Bởi đúng theo hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng ban đầu khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng.
Về con số thứ hai, Bộ trưởng cho biết, từng dự toán BOT sau khi hoàn thành rồi mới kiểm toán, quyết toán, Bộ GTVT mới ký hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí. Hai số liệu chỉ khác nhau ở chỗ hợp đồng nguyên tắc. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Bộ GTVT không làm sai về vấn đề này. Bởi nếu ký hợp đồng sai là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại