Thứ hai 07/10/2024 08:38

Nhiều bậc làm cha, làm mẹ thiếu hiểu biết về quyền trẻ em

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chuyện bạo hành trẻ thông qua câu chuyện “dạy dỗ” vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Vấn nạn nhức nhối này ngoài câu chuyện thiếu đi cái tình phụ - mẫu với con cái, nó còn là sự thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu hiểu biết của chính các bậc làm cha, làm mẹ về quyền của trẻ em được quy định trong Hiến pháp.
Bé gái Hải Dương bị bố phạt quỳ dưới trời nắng nóng (Ảnh cắt từ facebook)
Bé gái Hải Dương bị bố phạt quỳ dưới trời nắng nóng (Ảnh cắt từ facebook)

Bạo hành trẻ em dưới danh nghĩa… “dạy dỗ”

Mới đây, mạng xã hội có chia sẻ hình ảnh một bé đang quỳ giữa trời nắng, trước cửa một quán phở. Theo chị Phạm Thị T, người đăng tải hình ảnh này lên thì khoảng 12h30 trưa 2/7, khi đi qua phố Phủ, xã Thái Học (huyện Bình Giang, Hải Dương), chị thấy một cháu gái quỳ ở đường giữa trời nắng nóng. Bất bình trước hình ảnh này, chị T đã chụp ảnh, quay video lại và đề nghị chủ quán dừng việc áp dụng hình phạt như vậy với cháu gái. Sau đó, chị T đã đăng tải hình ảnh cháu gái đang quỳ trước cửa quán lên facebook.

Sáng 3/7, đại diện CA xã Thái Học (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) cho biết, người mặc áo xanh quỳ gối trong ảnh là con gái lớn của chủ quán phở bò. Theo đó, bố cháu gái nói lý do cháu phải quỳ gối trước cửa nhà là bởi cháu không nghe lời người lớn. Ngày 2/7 bà L.T.T, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đã gửi đơn tố cháu A bị bố ruột và bà nội bạo hành. Cụ thể, bà T trình bày, anh D kết hôn với con gái bà là D.T.T.H, nhưng được thời gian ngắn thì ly hôn vào năm 2013. Cháu A ở với mẹ và nhà ngoại đến tháng 10/2021 thì xin được về ở với bố và bà nội vì mẹ đi làm ở Đà Nẵng.

Có lần cháu A về nhà ngoại chơi thì bà T nhìn thấy vết bầm trên người nên gọi điện sang nhà nội thì nhận được lý do, cháu không vâng lời nên “răn dạy”. Tháng 4/2022, cô giáo chủ nhiệm cháu A phát hiện nhiều vết đánh trên người nên báo gia đình. Đến ngày 2/7, bà T đi ngang thì cháu A gọi lớn xin về ngoại ở vì bị bố và bà nội đánh. Lúc này, bà T nhận ra cháu bị nhốt không cho ra ngoài, trên người có nhiều vết bầm nên trình báo sự việc với CA, chính quyền.

Lý giải việc bạo hành con, ông Trần Văn Dũng (37 tuổi, bố cháu A) thừa nhận do cháu A khá nghịch ngợm, không nghe lời và có tính ăn cắp vặt nên ông và bà nội đã dùng roi để đánh đập nhằm… “dạy dỗ” cháu nên người. Ông Dũng cũng cho rằng, ông đi làm về mệt mỏi, áp lực, nghe người này người kia báo lại việc con chưa ngoan nên khá bức xúc và có đánh cháu với mục đích để cháu chừa những tật xấu.

Trước đó, ngày 25/6, mạng xã hội facebook lan truyền đoạn clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh ghép đôi giữa một bé trai và một bé gái trên phố đi bộ tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Nội dung clip cho thấy một nhóm nam thanh niên - được cho là tổ chức ra chương trình ghép đôi - bật nhạc sôi động. Hai em nhỏ đứng giữa đám đông lần lượt nhảy điệu nhạc này.

Đáng chú ý, hai bé được người tổ chức chương trình hướng dẫn hôn nhau. Nhiều người đã cổ vũ và quay lại sự việc rồi đăng lên mạng. Việc không là gì vì những hoạt động kiểu ghép đôi diễn ra khá nhiều nơi, gây được sự hứng khởi cho nhiều nam nữ thanh niên. Tuy nhiên, việc tổ chức ghép đôi cho hai em nhỏ như trên là phản cảm, không phù hợp với không gian ở phố đi bộ.

Thiếu hiểu biết về quyền của trẻ em...

Về việc bố mẹ lấy câu chuyện “dạy dỗ” ra để dạy trẻ, anh Đăng Vinh (quận Cầu Giấy) cho biết, ở nước ngoài, khi cha mẹ có hành động bạo lực, hành hạ con sẽ bị phạt tiền rất nhiều đến mức họ sợ mà không dám tái phạm. Và tùy theo mức độ, cặp bố mẹ sẽ bị cách ly khỏi dứa trẻ. “Sau rất nhiều câu chuyện bạo hành đã xảy ra, thiết nghĩ Việt Nam mình cũng nên áp dụng hình thức phạt tiền này” – anh nói.

Còn anh Trần Hồng Sơn (quận Hoàng Mai) cho rằng, hành hạ trẻ em là vi phạm luật pháp Quốc tế về Bảo vệ quyền lợi trẻ em của Liên hợp quốc. “Việt Nam đã tham gia Công ước này từ năm 1991, vậy thì trong các vụ bạo hành như em bé quỳ giữa trưa nắng hoặc việc đánh con dã man với lời giải thích là để “dạy dỗ” sẽ được xử lý ra sao, có thực sự mang tính chất răn đe hay không. Chính quyền địa phương có biết điều này không mà xử "yêu cầu không tái phạm", rồi cho về?” – anh Sơn bức xúc.

Cũng vậy, về chuyện “ghép đôi” giữa hai đứa trẻ, một trò chơi phản cảm diễn ra công khai, nguy hại nhất nó lại được sự cổ vũ của đám đông. Cho đến khi cơ quan chức năng địa phương vào cuộc thì may ra trò chơi này mới không tái diễn. Việc can thiệp của chính quyền dù sớm hay muộn cũng là điều cần thiết, nhưng tiếc rằng sự việc đã diễn ra và để lại những hình ảnh phản cảm liên quan đến trẻ em, lứa tuổi mà các em cần được vui chơi lành mạnh, trong sáng và phù hợp với lứa tuổi.

Ngoài trách nhiệm của đơn vị tổ chức trò chơi, bố mẹ hay người giám hộ hợp pháp có vô can hay không? Nên chăng chính các bậc phụ huynh của các cháu cũng cần xem xét lại ý thức của mình, khi đồng ý để con tham gia trò chơi không phù hợp và không kịp thời can thiệp, ngăn chặn.

Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990, chỉ sau gần 4 tháng công ước này Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn.

Vậy nhưng, từ sự việc cháu gái quỳ trước cửa nhà giữa trời nắng gắt đến vụ bạo hành bé trai 9 tuổi ở Đắk Lắk cho thấy vẫn có những bậc làm cha, làm mẹ thực sự thiếu hiểu biết về “quyền được sống an toàn, lành mạnh” của các con mình. Từ vụ việc ở Hải Dương với lời giải thích không nghe lời người lớn, đến vụ bạo hành ở Đắk Lắk cũng vẫn là cháu nghịch ngợm, không nghe lời người lớn nên đã dùng bạo lực dưới nhân danh… dạy dỗ.

Về câu chuyện bạo hành trẻ em, bác sĩ Trần Văn Phúc – BV đa khoa Xanh-Pôn đã kể một câu chuyện. Anh cho biết, nhiều năm trước anh đến Thụy Điển, một buổi sáng trên đường từ nhà tới trung tâm văn hoá nghệ thuật ở Malmo, anh thấy một cậu bé thiếu niên 14 tuổi ngủ bên hông nhà thờ. Ngay lập tức, người dân đã báo cho cảnh sát TP. Khi cảnh sát đến, họ lập tức phong toả khu vực xung quanh, tạo một khoảng cách an toàn cho đứa trẻ. Bố mẹ xuất hiện với đồ ăn thức uống. Xe cứu thương đưa bác sĩ đến khám. Sau đó là bác sĩ tâm lí, nhân viên xã hội, thầy cô giáo và bạn thân. Họ ở bên đứa trẻ từ sáng cho đến chiều.

“Tôi đặt câu hỏi với cảnh sát: Tại sao không thằng bé về đồn giải quyết? Cảnh sát đã trả lời tôi rằng, họ không được phép làm cho đứa trẻ đau, càng không được phép làm nó sợ; nhiệm vụ của cảnh sát, của bác sĩ và của nhân viên xã hội, là phải tìm cho bằng ra nguyên nhân tại sao đứa trẻ lại bỏ nhà đi hoang, ví dụ như stress, hay bị bạo hành... “Nhưng nếu đó là đứa trẻ hư hỏng thì sao?” Tôi tiếp tục đặt ra câu hỏi. Và câu trả lời của cảnh sát làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều: “Thụy Điển không có những đứa trẻ hư hỏng, chúng tôi sẽ làm tất cả để đảm bảo rằng đất nước Thụy Điển không phải nuôi dưỡng những đứa trẻ hư hỏng”.

Câu chuyện mà tôi chứng kiến ở Thụy Điển, nó ngược lại với câu chuyện những đứa trẻ bị người lớn bạo hành, thậm chí tra tấn cho đến chết ở Việt Nan. Người lớn họ luôn tìm ra lí do để đánh trẻ con. Nạn dịch đánh đập tra tấn trẻ con, theo tôi, nó phản ánh một cách rõ ràng nhất sự bất tài và thất bại của người lớn chúng ta” – bác sĩ Phúc nói.

Bạo lực không thể là dạy dỗ. Bởi pháp luật đã quy định "bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em".

Hành vi bạo lực trẻ em sẽ đối diện với xử phạt hành chính và xử lý hình sự. Như vậy, những biện minh “yêu cho roi cho vọt” không còn phù hợp nữa.

Yêu thương trong thế giới hiện đại, hơn bao giờ hết phải tôn trọng thượng tôn pháp luật. Và để yêu thương đúng cách, các bậc làm cha, làm mẹ cần được khắc sâu ý thức rằng, sử dụng bạo lực để chứng tỏ quyền lực của mình đối với các thành viên khác trong gia đình hoàn toàn không phải là "yêu thương".

Cần giải thích thêm khái niệm “trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em” là bạo lực gia đình
Tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em
Đảm bảo quyền trẻ em khi thực hiện Luật con nuôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động