Nhập viện vì nhiễm khuẩn huyết sau khi tự ý nặn mụn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh bệnh nhân trước và sau điều trị. Ảnh: L.H |
Ban đầu, bệnh nhân A chỉ có một nốt mụn nhỏ kèm theo sưng nề, nóng đỏ. Sau khi tự nặn mụn, tình trạng của bệnh nhân nhanh chóng xấu đi. Bệnh nhân bắt đầu sốt cao 38 độ, có gai rét và cơn rét run. Mặc dù đã tự dùng thuốc hạ sốt tại nhà, triệu chứng không thuyên giảm. Khi được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân trong tình trạng: sốt cao 38 - 38,5 độ, có cơn rét run, môi khô; vùng môi má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ, há miệng hạn chế; khó thở nhẹ, đau tức ngực, cần hỗ trợ thở oxy gọng kính 3l/p.
Sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán mắc nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus, với cửa vào từ ổ áp xe vùng mặt - cằm trái. Đáng lo ngại hơn, bệnh nhân còn phát triển ổ nhiễm khuẩn thứ phát gây viêm phổi hoại tử hai bên.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, giải thích: "Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, gây ra bởi sự xâm nhập của vi khuẩn và các độc tố vi khuẩn vào máu. Bệnh lý này thường kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, với tỷ lệ tử vong cao".
Mụn (thường gọi là trứng cá) là tổn thương ngoài da phổ biến ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nặn mụn có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh.
Trong trường hợp này, bệnh nhân đã tự ý nặn mụn ở trong vùng được gọi là "tam giác nguy hiểm" trên khuôn mặt. Vùng này bao gồm khu vực từ sống mũi, miệng và cằm, nơi có nhiều tĩnh mạch không van nối với các dây thần kinh khu vực xương sọ. Viêm nhiễm ở khu vực này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt, và trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tử vong.
May mắn thay, dưới sự điều trị tích cực của các bác sĩ và chăm sóc chu đáo của đội ngũ điều dưỡng, tình trạng của bệnh nhân A đã dần ổn định. Vùng mặt - cằm giảm sưng nề rõ rệt, thân nhiệt trở về bình thường, và cuối cùng bệnh nhân đã được xuất viện.
Để phòng tránh những trường hợp tương tự, các chuyên gia y tế khuyến cáo: không tự ý nặn mụn, đặc biệt là trong vùng "tam giác nguy hiểm" trên khuôn mặt; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân tốt và xử trí sớm các ổ nhiễm khuẩn nếu có; theo dõi và điều trị đúng cách các bệnh mạn tính như đái tháo đường, xơ gan để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn; hạn chế các thủ thuật không cần thiết và đảm bảo tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn khi cần thiết; không lạm dụng corticoid và chỉ sử dụng kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Đừng chủ quan với những cơn đau bụng, chướng bụng không rõ nguyên nhân | |
Cứu sống bệnh nhân bị thanh sắt đâm xuyên lồng ngực, cách tim chỉ gang tấc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại