Thứ bảy 23/11/2024 00:34

Nhân rộng việc triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ tháng 9-2019, Hà Nội đã thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” của Bộ VH-TT&DL. Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ VH-TT&DL lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” năm 2019. Trong năm 2020, Hà Nội sẽ nhân rộng việc triển khai bộ tiêu chí này.

Trong năm 2019, Hà Nội đã chọn xã Phú Cường, huyện Ba Vì và phường Khương Trung, quận Thanh Xuân triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức và văn hóa.

Gia đình tồn tại và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có sự gắn bó các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau. Việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi con người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

nhan rong viec trien khai bo tieu chi ung xu trong gia dinh
TP Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện việc nhân rộng “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, phát huy các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình. Ảnh: Khánh Huy

Đồng thời, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội cũng đề nghị các địa phương thực hiện thí điểm cần gắn việc thực hiện bộ tiêu chí với việc bình xét các danh hiệu văn hóa và thực hiện hai quy tắc ứng xử của TP; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế bền vững như: Gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, gia đình hiếu học…

Trong năm 2020, với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác quản lý Nhà nước về gia đình năm 2020 nhằm góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi gia đình, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Kế hoạch triển khai cũng nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp trên địa bàn TP, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cá nhân, gia đình và cả cộng đồng về tầm quan trọng của công tác gia đình.

Theo đó, kế hoạch đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong công tác xây dựng gia đình văn hóa như: Nâng cao chất lượng bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, chú trọng tuân thủ chặt chẽ quy trình đăng ký, bình xét và công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa. Đưa tiêu chí bình đẳng giới, gia đình không bạo lực vào bình xét các danh hiệu văn hóa nhằm đạt được mục tiêu gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Trong công tác phòng chống bạo lực gia đình: Đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực gia đình, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các gia đình tại địa phương nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tháng 6; Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11); Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11). Tiếp tục nhân rộng và duy trì mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại địa phương. Thực hiện thu thập số liệu, thông tin về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới. Đẩy mạnh các hoạt động trong việc phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài nhiệm vụ tổng kết đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, TP Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện việc nhân rộng “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; phát huy các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhân Ngày quốc tế hạnh phúc, Ngày gia đình Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì trẻ em, Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ… nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các gia đình về vai trò và vị trí của gia đình. Đồng thời, Hà Nội cũng tập trung tiếp tục triển khai một số hoạt động nghiệp vụ và các hoạt động liên quan đến công tác gia đình như: Tập huấn, kiện toàn đội ngũ cán bộ công tác gia đình, tổ chức kiểm tra, giám sát, khảo sát thực tế hoạt động công tác gia đình, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi… nhằm đạt được mục tiêu gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Cùng với đó, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 85/KH-SVHTT ngày 3-3-2020 về việc triển khai thực hiện chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” năm 2020. Bởi, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc luôn là mục tiêu được Đảng, Nhà nước và các tầng lớp xã hội quan tâm. Với mục đích tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” năm 2020 với các nội dung cụ thể như: Tiếp tục tổ chức Ngày quốc tế hạnh phúc 20-3-2020 chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” với các hoạt động truyền thông trọng điểm: in pano, phướn dọc, tờ rơi, tờ gấp, treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi tại trụ sở cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng, nơi đông dân cư… một cách cụ thể và thiết thực, mang ý nghĩa sâu sắc.

Tổ chức Ngày gia đình Việt Nam 28-6-2020 với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” với các hoạt động truyền thông, tọa đàm, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho các thành viên trong gia đình gắn với Chỉ thị 11/CT – TTg về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Chỉ thị 08/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực.

Triển khai tuyên truyền, thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” bằng nhiều hình thức như: In ấn tài liệu hướng dẫn, tờ rơi, tờ gấp, pano, phướn tuyên truyền; Tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương và trên pano, áp phích tại địa bàn xã/phường; Tổ chức Lễ phát động đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí tại địa bàn xã/phường; Tổ chức sinh hoạt cộng đồng…

Việc triển khai thực hiện chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cũng nhằm đánh giá tính khả thi, hiệu quả của “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” làm cơ sở để triển khai nhân rộng trong thời gian tới. Đồng thời củng cố ý thức pháp luật, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội đối với việc giữ gìn, bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống và trí tuệ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động