Nhân dân ghi nhận những quyết sách đi trước một bước của Hà Nội trong phòng, chống dịch Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrước đó, chiều 7-12, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2022; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; Quy định định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách năm 2022 của thành phố Hà Nội… Hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 tình hình thực hiện và Kế hoạch đầu tư công năm 2021, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố...
Hà Nội đã đạt được những mục tiêu lớn trong phòng, chống dịch
Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB quận Hoàng Mai) nêu con số thống kê báo Kinh tế và Đô thị tổng hợp ngày 6-12-2021 về tỷ lệ người nhiễm/tổng dân số và tỷ lệ tử vong/ca nhiễm của Thủ đô trên thế giới. Cụ thể, ở Hà Nội, tỷ lệ nhiễm/dân số là 0,17% và tỷ lệ tử vong/ca nhiễm là 0,36%. Con số này ở Washington DC (Mỹ) là 9,68% và 1,79%; New Delhi (Ấn Độ) là 5,05% và 1,74%; Berlin (Đức) là 7,82% và 1,35%; Singapore là 4,73% và 0,28%...
Trong thời gian qua rất nhiều ý kiến đặt ra vấn đề Hà Nội có chống dịch thành công không? “Tôi cho rằng mục tiêu lớn nhất của chống dịch là tỷ lệ nhiễm, tử vong thấp, đồng thời không làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống người dân, thì những mục tiêu này của TP Hà Nội trong thời gian qua đều đạt được” – ĐB Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Chính vì vậy, đa số người dân, dư luận đều ghi nhận hệ thống chính trị của TP đã vào cuộc chủ động quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. “Thay mặt cử tri quận Hoàng Mai, chúng tôi ghi nhận những quyết sách đi trước một bước của TP. So sánh tỷ lệ trên của Hà Nội với các Thủ đô khác trên thế giới thì có thể khẳng định công tác chống dịch của TP là thành công” – ĐB Nguyễn Minh Đức khẳng định.
ĐB Nguyễn Minh Đức. |
Đề xuất rà soát lại để tháo gỡ điểm nghẽn vận hành KTXH của TP trong năm 2022, ĐB Nguyễn Minh Đức cho rằng những vấn đề còn khúc mắc về cơ chế chính sách thì phải tháo gỡ ngay như: đầu tư công, các dự án đầu tư bất động sản, đặc biệt là việc GPMB cho các dự án hạ tầng, giao đất cho các dự án phát triển đô thị, hoặc các dự án giao rồi nhưng chưa thực hiện được … Nếu nguồn lực này được tháo gỡ, hanh thông thì đây là nguồn vốn khá lớn để khơi thông đầu tư cho kinh tế Hà Nội.
ĐB Nguyễn Minh Đức cũng đặt vấn đề chúng ta phải chuyển đổi nhanh sau hậu Covid-19. Covid-19 trong 2 năm qua đã thay đổi rất nhiều thói quen sinh hoạt của người dân, cách vận hành của DN, của xã hội. Vì thế, TP cần phải quan tâm đặc biệt đến thực hiện chủ trương của Chính phủ kinh tế số, chuyển đổi số. Trong đó, phải quan tâm đến nguồn lực và nhân lực.
Về ý kiến cử tri quận Hoàng Mai muốn gửi đến kỳ họp, ĐB Nguyễn Minh Đức nêu: Quận Hoàng Mai có dân số tăng nhanh. Hàng năm, cứ tăng 125 phòng họp, thiếu hơn 560 giáo viên biên chế, trong khi đó TP mới giải quyết được hơn 300 giáo viên; thiếu cơ chế tự chủ cho giáo viên. Đề nghị TP nghiên cứu chính sách cho các quận nêu rơi vào tình trạng này thì có cơ chế hỗ trợ ngay.
Nêu tình trạng hạ tầng cơ sở tại các phường còn rất thiếu, cử tri quận Hoàng Mai muốn tăng ngân sách để lại cho quận là 32%, tương đương với mức T.Ư để lại cho TP.
Phát huy tốt vai trò nhân sỹ trí thức trong phòng chống dịch
Cũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch, ĐB Nguyễn Lan Hương (tổ ĐB huyện Quốc Oai) đánh giá cao chiến lược điều trị F0 thể nhẹ và cách ly, quản lý F1 tại nhà. Bên cạnh những thành tích đã làm được, ĐB cũng chỉ ra dưới cơ sở vẫn còn khoảng trống, cần quan tâm đến công tác truyền thông hơn để hạn chế được những hiểu nhầm không đáng có.
ĐB Nguyễn Lan Hương (tổ ĐB huyện Quốc Oai) phát biểu tại phiên thảo luận |
ĐB Đàm Văn Huân (tổ ĐB huyện Gia Lâm) cho rằng, việc cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch bệnh cần được tổng kết đánh giá để tạo điều kiện cho cơ sở tiếp tục là trọng tâm trong công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển KT-XH, trong đó các ban CTMT, chi ủy ở cơ sở có vai trò lớn không chỉ trong phòng chống dịch hiện nay. Cùng đó, TP đã rất kịp thời linh hoạt và phát huy tốt vai trò đội ngũ Nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học, nên đề nghị tiếp tục khai thác tiềm năng đội ngũ nhân sỹ trí thức rất đặc trưng và đông đảo của Thủ đô trong công tác phòng chống dịch này. Việc ứng dụng CNTT và hệ thống loa truyền thanh cũng cần được áp dụng mạnh và cải tiến hơn nữa.
Liên quan đến vấn đề môi trường, các ĐB cho rằng, TP cần có giải pháp cấp bách giải quyết ô nhiễm môi trường như bụi mịn, rác sinh hoạt, ô nhiễm các dòng sông… Trong đó cần có cơ chế giá thu gom xử lý rác thải theo cách ai xả nhiều thì trả phí nhiều, mới có thể kiểm soát việc dân xả thải ra môi trường.
ĐB Lê Thị Thu Hằng (tổ ĐB quận Tây Hồ) phát biểu |
ĐB Lê Thị Thu Hằng (tổ ĐB quận Tây Hồ) đề nghị TP trong đó Sở Y tế cần có hướng dẫn một cách cụ thể, đồng bộ một các cho các địa phương,cơ sở về công tác phòng chống dịch nhất là về việc thu dung điều trị F0 thể nhẹ tại nhà.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được quan tâm, hỗ trợ hơn nữa
ĐB Phạm Đình Đoàn (tổ ĐB huyện Mê Linh) nêu cảm nhận, cộng đồng DN Thủ đô cần có sự hỗ trợ sát sao hơn nữa của lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở ban ngành TP trong lúc khó khăn. Đồng thời mong muốn TP có những chính sách động viên các đồng chí lãnh đạo chính quyền các cấp, lãnh đạo sở ban ngành để quan tâm hơn nữa đến DN.
Về quy hoạch chung của Thủ đô, ĐB Phạm Đình Đoàn cho rằng quy hoạch chung chưa đi trước một bước. “Đi về các vùng nômg thôn, tôi thấy quy hoạch chưa được như mong muốn, tình trạng ô nhiễm môi trường, xây dựng lấn chiếm vẫn còn. Nếu như chúng ta không quy hoạch sớm thì dễ rơi vào tình trạng lộn xộn…” – ĐB Phạm Đình Đoàn nêu. Đồng thời mong muốn TP cần phải triển khai nhanh việc này.
ĐB Phạm Đình Đoàn (tổ ĐB huyện Mê Linh) phát biểu thảo luận |
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (tổ ĐB Hà Đông) cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương năm 2022 đã xác định là phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển KT-XH để dần đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường, song dịch bệnh vẫn rất phức tạp, ngân sách cạn kiệt. Do đó, ĐB đánh giá giải pháp để thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách TP giao là rất quan trọng. Song, các dự án đấu giá QSDĐ không phân biệt quy mô diện tích thì đề nghị TP có hướng dẫn cụ thể để quận cân đối tính toán được nguồn thu của địa phương, nhằm đạt hiệu quả cao.
Từ thực tế địa phương, ĐB Nguyễn Tiến Minh (tổ Thường Tín) đề nghị TP quan tâm đầu tư các tuyến đường dọc QL 1A trên địa bàn huyện, trong đó có 2 công trình cầu vượt. Ngoài ra, huyện Thường Tín cũng đề nghị TP điều tiết tỷ lệ nguồn thu cho huyện và một số huyện khó khăn để các huyện cân đối thu - chi ngân sách, phát triển đồng đều.
Có chế tài xử lý, thu hồi giấy phép các hiệu cầm đồ
Trong phát biểu của mình, ĐB Nguyễn Thanh Tùng (tổ ĐB quận Cầu Giấy) kiến nghị, TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét vấn đề cấp phép và thu hồi giấy phép đối với các hiệu cầm đồ kinh doanh có điều kiện. Nhiều đơn vị vi phạm, nhưng việc đề nghị thu hồi giấy phép rất khó. Đối với các cửa hàng cầm đồ, liên quan cho vay tài chính, liên quan tín dụng đen, tiêu thụ tài sản người khác phạm tội mà có... nên cần thiết phải có chế tài xử lý mạnh trong lĩnh vực này. Ngoài ra, ĐB Nguyễn Thanh Tùng cũng đề xuất UBND TP lắp đặt camera an ninh trong TP, nhất là khu vực trung tâm Thủ đô, để đảm bảo an ninh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại