Thứ tư 15/01/2025 22:01

Nhà văn hóa tiêu biểu của Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong căn nhà của mình, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn làm việc, vẫn dành trọn tình yêu cho Hà Nội, nơi ông đã gắn bó gần cả cuộc đời và cũng chính là nơi mang tới cho ông nhiều xúc cảm nhất…

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, SN 1918, tại Hà Nội, quê gốc của ông ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông sử dụng thành thạo các thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức và chữ Hán. Gần 70 năm cầm bút, nhà văn hóa Hữu Ngọc cho ra đời hàng chục cuốn sách có giá trị về nghiên cứu văn hóa Việt Nam, trong đó, mảng văn hóa Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng. Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hơn chục năm trời mục “Mạn đàm truyền thống” cho tờ tiếng Pháp Le Courrier Viet Nam và tờ tiếng Anh Vietnam News. Mỗi bài viết của ông là một câu chuyện nhỏ dẫn dắt người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về nền văn hóa phong phú của Việt Nam. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa có phạm vi trải từ văn hóa các nước phương Tây sang các nước phương Đông, đặc biệt là văn hóa Việt Nam.

Công việc của ông có cơ hội được đặt chân tới nhiều nước trên thế giới. Đó là dịp ông đem tiếng nói và sự hiểu biết về văn hóa của mình truyền tải tới bạn bè quốc tế, để họ hiểu đất nước và nền văn hóa của Việt Nam. Hơn 10 năm qua, mỗi năm ông nói chuyện về văn hóa cho hàng vạn người nước ngoài nghe. Người nghe đặc biệt thích thú khi được ông phân tích quá trình hình thành và đặc điểm của nền văn hóa Việt Nam. Nhà văn hóa Hữu Ngọc chia sẻ: “Cái thứ nhất đối với người nước ngoài là phải nói thế nào cho hấp dẫn, đó là bí quyết. Có một lần tôi nói chuyện cho 100 người ở Australia công tác trong ngành giáo dục. Sau đó về nước, họ tổng kết chuyến đi và kết luận rất thích VN. Vấn đề mình phải nói sao cho rung cảm, biết đối tượng của mình chứ không thể nói theo kiểu lên lớp khô khan. Nói cụ thể cho họ hiểu. Họ đi các nước khác thấy như nhau thì mình phải vạch ra cho họ thấy VN khác các nước như thế nào”.

nha van hoa tieu bieu cua thu do
Nhà văn hóa Hữu Ngọc được nhiều người ví là nhà “xuất nhập khẩu” văn hóa đặc biệt. Ảnh: Đ.Quý

Nhiều người nói Hữu Ngọc là người “xuất nhập khẩu” văn hóa. Nhưng trước hết ông không tự đặt mình là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mà luôn nghĩ mình là một người hưởng thụ văn hóa. Chính với suy nghĩ đó mà nhà văn hóa Hữu Ngọc đi nhiều, viết nhiều và truyền tải tới người yêu thích văn hóa như ông. Đến nay, trong số những cuốn sách về di sản văn hóa Việt Nam mà ông đã viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và cả bằng tiếng Việt thì có 7 cuốn viết riêng về Thủ đô thân yêu. Với ông, văn hóa Hà Nội là những điều rất đỗi thân quen như tranh Hàng Trống, tháp Rùa, Văn Miếu, phố cổ, những món ăn cổ truyền ngày Tết, những lễ hội, phong tục tập quán, hay đơn giản là những hàng cây ven đường... Vì thế, trong sách của ông, người đọc luôn nhận thấy hình ảnh một Hà Nội xưa thanh bình, mộc mạc mà thấm đẫm tình người.

Công trình đầu tay về văn hóa Hà Nội của ông là cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” (1997) viết bằng tiếng Pháp dày 200 trang. Ông nói: “Khi Chính phủ Canada đặt hàng tôi viết trong 3 tháng một quyển về Hà Nội bằng tiếng Pháp, tôi đã có sẵn những kỷ niệm thân thương về Hà Nội nên cứ thế là viết thôi”. Cuốn sách được viết không chỉ bằng sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Hà Nội mà còn bằng những rung cảm của một người gắn bó cả cuộc đời với Thủ đô. Đây là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội một cách hệ thống cho người nước ngoài kể từ tháng 8-1945 đến thời điểm năm 1997 và được dùng làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần 7 tại Hà Nội.

Tuy không thuộc nhóm những người có nhiều tác phẩm nhất về Hà Nội, nhưng nhà văn hóa Hữu Ngọc lại là người có nhiều tác phẩm về Hà Nội viết bằng ngoại ngữ hơn cả. Hà Nội của ông phải kể tới hồ và những câu chuyện truyền thuyết lâu đời như hồ Hoàn Kiếm hay hồ Tây. Theo ông Hồ chính là cái hồn của Hà Nội, ông chia sẻ: “Hồ nó là vật chất và tinh thần của Hà Nội. Nên từ thế kỷ 15, người ta đã dựa vào thế của hồ để xây dựng thành các phố. Hồ đứng ở góc độ tâm linh thì nó là cái hồn của Hà Nội”. Hà Nội trong ông còn là những hàng cây xanh trên mỗi con phố. “Hà Nội của tôi là Hà Nội của cây cối, cây xanh Hà Nội rất được nhiều người nước ngoài thích vì nó có nhiều cây xanh đủ loại. Mỗi con phố đều có đặc điểm riêng về cây cối. Phố Lò Đúc thì có những cây sao cao vút trông như cột đình cột làng rất đẹp. Phố Trần Hưng Đạo với những rặng cây sấu. Phố Lý Thường Kiệt có những rặng cây cơm nguội, đến mùa đông nó trút hết lá, cây chỉ còn trơ trọi y như TP ở châu Âu. Hay như phố mang tên Nguyễn Du có những cây hoa sữa với hương hoa nồng nàn rất nên thơ”, ông nói. Cùng với đó, văn hóa của Hà Nội trong tâm trí nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc còn là những chợ hoa, chờ đào tấp nập ở làng Nghi Tàm, làng Nhật Tân, mỗi dịp Tết đến xuân về.

Giờ đây khi tuổi đã cao, sức đã mỏi nhưng nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn giữ cho mình thói quen đọc sách, ông đọc để tìm hiểu, để nghiên cứu và để giữ trọn cho mình tình yêu với nét văn hóa của quê hương. Ông chia sẻ: “Về hưu đã nhiều năm, nhưng đây là quãng thời gian tôi viết được nhiều nhất và sâu nhất về văn hóa. Bây giờ, tôi còn muốn lắm… nhưng nay tai bắt đầu lãng, mắt cũng mờ đi nhiều nên tôi phải nhờ vợ tôi đọc sách báo, thông tin cho tôi nghe. Và chính sinh viên các trường ngoại ngữ được tôi lựa chọn, hàng ngày đến đọc, viết cho tôi, kết hợp, tôi dạy thêm cho các cháu tiếng Pháp. Nhờ đó, trình độ ngoại ngữ của sinh viên được nâng cao…”. Dường như ở con người ông, công việc học tập, lao động là lẽ sống, phương châm sống và suốt cuộc đời, ông đã sống có ích cho mình và cho cộng đồng bằng sự dâng hiến hết mình như thế.

Đăng Quý
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động