Nhà sáng chế “chân đất” và hành trình lan tỏa những điều tốt đẹp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênAnh Trần Văn Quyết bên cạnh chiếc máy cắt kính bán tự động (ảnh: Nguyễn Hạnh). |
Không đi theo lối mòn
Anh Trần Văn Quyết sinh ra ở thôn Đỗ Xá (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín), vốn được biết đến với làng nghề mộc truyền thống. Nhưng không lựa chọn kế nghiệp nghề như đông đảo người dân trong làng, anh Quyết tự tìm cho mình con đường phát triển riêng.
Năm 2011, anh Quyết thành lập Cty TNHH MTV sản xuất và kinh doanh cửa sổ Window Linh Sơn. Đây là thời điểm nhôm kính rất được ưa chuộng trong lĩnh vực xây dựng vì giá cả hợp lý và tiện ích. Trong lĩnh vực mới, với bản tính cần cù, sáng tạo và ham hiểu biết, anh Quyết đã gặt hái được không ít thành công. Nhưng không dừng lại ở đó, anh đã nảy sinh ý tưởng sáng chế ra máy cắt kính.
Kể về sự ra đời của chiếc máy cắt kính, anh Trần Văn Quyết cho biết: “Trước đây, để cắt được một tấm kính theo phương pháp truyền thống thì mất rất nhiều thời gian, vừa tốn công sức, tiền bạc, thậm chí còn mất an toàn cho người lao động. Từ thực tiễn đó, với mong muốn mang đến sự tiện lợi, hiệu quả, an toàn cùng giá cả hợp lý, tôi đã quyết tâm nghiên cứu cho ra đời máy cắt kính bán tự động mang nhãn hiệu Linh Sơn.”
Nghĩ là làm, cuối năm 2011, anh Quyết bắt tay nghiên cứu làm chiếc máy cắt kính. Sau 2 năm tự mày mò, anh đã chế tạo ra chiếc máy cắt kính đáp ứng được những tiêu chí đưa ra, phục vụ hữu ích cho công việc kinh doanh của gia đình. Sau thời gian thử nghiệm, nhận thấy sản phẩm này có thể hữu ích với nhiều người, anh quyết định đem bán ra thị trường. Khách hàng đầu tiên của anh là một chủ xưởng nhôm kính tại quận Hà Đông (Hà Nội). Sản phẩm lúc đó được khách hàng đánh giá rất cao về công dụng và độc nhất trên thị trường.
Theo anh Quyết, điểm khác biệt lớn nhất đó là máy cắt tính bán tự động do anh sáng chế là có tính năng tự bẻ, giảm bớt rất nhiều công sức của người lao động. Tháng 3 năm 2016, sản phẩm máy cắt tính tự động Linh Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận sáng chế - giải pháp hữu ích.
Tuy sản phẩm ra đời nhận được những đánh giá tích cực của khách hàng nhưng với bản tính cầu tiến, anh Quyết luôn trăn trở để cải tiến máy có tốc độ cắt nhanh hơn, gọn hơn và giá cả hợp lý hơn. Đầu năm 2018, anh và các cộng sự cho ra mắt hệ thống robot tự động lấy kính đầu vào nên giảm bớt sức lao động, tai nạn rủi ro cho người lao động.
Đến nay, xưởng sản xuất Linh Sơn Grass của anh Trần Văn Quyết đã phát triển với quy mô gần 1000m2 cùng khoảng 15 nhân công, kỹ thuật viên làm việc. Mỗi tháng, Cty của anh Quyết cho ra thị trường trung bình 10 máy cắt kính trải dài ở 63 tỉnh thành. Là người đi lên từ hai bàn tay trắng, anh Quyết thấu hiểu sự khó khăn của các DN nhỏ nên khi những DN này mua máy, anh đều tạo điều kiện để họ trả góp.
Hồ nước sau khi cải tạo trở thành nơi tập bơi của nhiều trẻ em trong xã Vạn Điểm Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Cái tâm của người con yêu quê hương
Gặt hái được nhiều thành công trong công việc, anh Quyết không giấu nghề cho riêng mình. Anh luôn mong muốn lan tỏa niềm tin, sự quyết tâm và khát vọng chinh phục thử thách tới những người trẻ trong làng. Đối với những thanh niên chưa tìm kiếm được việc làm, anh Quyết sẵn sàng tạo điều kiện để các bạn đến học việc và có cơ hội trở thành nhân viên chính thức. Với sự nhiệt tình giúp đỡ của anh, nhiều người đã trở thành những kỹ sư không chuyên với trình độ cao, có khả năng xử lý các tình huống phức tạp trong lắp đặt và sửa chữa máy móc.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, anh Quyết còn có nhiều đóng góp trong xây dựng quê hương. Năm 2017, nhận thấy con đường từ trung tâm UBND xã Vạn Điểm đến ngã ba thôn Đỗ Xá bị xuống cấp trầm trọng, anh Quyết đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo xã và thôn Đỗ Xá xin ủng hộ toàn bộ tiền nguyên vật liệu để xây dựng 2 đoạn đường với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
Năm 2020, khi thấy hồ nước cạnh sân đình thôn Đỗ Xá bị ô nhiễm vì nước thải sinh hoạt của các hộ dân thải xuống nhiều năm làm mất cảnh quan đường làng, ngõ xóm, anh Quyết đã xin chủ trương của thôn và bỏ ra 2,2 tỷ đồng để nạo vét lòng hồ, đổ cát sạch theo từng nấc, xây hệ thống thoát nước – lan can. Hiện nay, hồ nước đã trở thành bể bơi công cộng của nhiều trẻ em và thanh niên trong và ngoài xã vào các buổi chiều tối trong tuần.
Anh Quyết tâm sự: Trước đây, số lượng trẻ em trong thôn Đỗ Xá biết bơi rất ít. Nhiều gia đình không có điều kiện cho con tham gia các khóa học bơi tại các trung tâm vì chi phí học khá cao so với thu nhập của người dân trong thôn. Gia đình có kinh tế thì không có thời gian đưa con đi học. Trong khi đó, tình trạng trẻ em bị đuối nước lại đáng lo ngại. Cho nên, khi nạo vét hồ nước, anh đã dự định xây thành nơi tập bơi cho trẻ nhỏ. Anh Quyết hy vọng trong vòng 2 – 3 năm nữa, trẻ em trong toàn xã Vạn Điểm sẽ biết bơi 100%.
Do thường phải nghe các thông tin thương tâm từ các vụ tai nạn giao thông tại ngã tư cầu chui Vạn Điểm - đường cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ, đặc biệt có một vụ tai nạn vào buổi tối khiến một thanh niên phải sống thực vật. Năm ngoái, anh Trần Văn Quyết đã đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng và đèn cảnh báo tại cầu chui hơn 60 triệu đồng. Từ ngày có đèn cảnh báo, không còn xảy ra vụ tai nạn nguy hiểm nào tại cầu chui nữa.
Với những việc làm tốt đẹp của mình, anh Trần Văn Quyết (thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) được người dân trong thôn, trong xã yêu mến. Ông Nguyễn Bá Dũng (70 tuổi), người dân thôn Đỗ Xá cho biết: “Quyết là người rất khiêm tốn, điềm đạm và nhiệt tình trong các hoạt động ủng hộ quê hương, làng xóm. Người dân trong thôn luôn ghi nhận những hành động thiện nguyện của Quyết và tin tưởng Quyết sẽ có thêm những phát minh sáng tạo và hành động ý nghĩa hơn góp sức giúp quê hương phát triển giàu mạnh”. |
Giao lưu trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt “Hành trình lan tỏa những điều tốt đẹp” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại