Nguyên tắc xử lý thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Hỏi: Tôi được biết, Bộ Tư pháp vừa có quy định mới liên quan đến Nguyên tắc xử lý thông tin trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử. Vậy, xin quý báo cho biết đối tượng áp dụng và chi tiết về nguyên tắc này?
(Phan Hải Nam, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Trả lời:
Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:
Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 4-1-2022 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2022/NĐ-CP ngày 28-7-2022 của Chính phủ quy định về CSDL hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Tại Điều 2 quy định về đối tượng áp dụng:
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Nhà nước khác thực hiện kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng CSDL hộ tịch điện tử.
2. UBND các cấp, cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trong nước và Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện).
3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng CSDL hộ tịch điện tử; đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Về nguyên tắc xử lý thông tin trong CSDL hộ tịch điện tử, Điều 4 nêu:
1. Trường hợp cá nhân đăng ký khai sinh từ sau ngày 1-1-2016, được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, thông tin của người được đăng ký khai sinh trong CSDL hộ tịch điện tử là thông tin đầu vào của CSDL quốc gia về dân cư, thì thông tin cá nhân chỉ được điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này.
Trường hợp sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ giá trị pháp lý đối với thông tin khai sinh mà phải xác lập lại hoặc huỷ bỏ số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý CSDL hộ tịch điện tử và cơ quan quản lý CSDL quốc gia về dân cư phối hợp xử lý; cập nhật, lưu vết kết quả xử lý trong CSDL hộ tịch điện tử; kết nối, chia sẻ, bảo đảm đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư.
2. Trường hợp đăng ký hộ tịch, số hoá sổ hộ tịch không thuộc Khoản 1 Điều này mà thông tin của cá nhân trong CSDL hộ tịch điện tử khác với thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư, thì cơ quan đăng ký hộ tịch nơi đã thực hiện việc đăng ký hộ tịch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an cùng cấp kiểm tra, xác minh, xác định thông tin đúng, chính xác; căn cứ kết quả xác minh để điều chỉnh thông tin trong CSDL theo quy định, bảo đảm thống nhất giữa hai CSDL. Việc điều chỉnh thông tin phải được lưu vết về căn cứ, người quyết định cho phép điều chỉnh, người thực hiện, thời gian, nội dung điều chỉnh.
3. Trường hợp thông tin của công dân trong các CSDL khác (nếu có) không thống nhất với thông tin trong CSDL hộ tịch điện tử, CSDL quốc gia về dân cư thì xác định thông tin trong CSDL hộ tịch điện tử, CSDL quốc gia về dân cư là căn cứ để điều chỉnh thông tin công dân trong các CSDL khác.
Trường hợp có giấy tờ, tài liệu chứng minh thông tin trong CSDL khác có trước, thì cơ quan quản lý CSDL có trách nhiệm trao đổi với cơ quan quản lý CSDL hộ tịch điện tử để xác minh, làm rõ. Nếu có cơ sở pháp lý xác định thông tin trong CSDL hộ tịch điện tử có sai sót thì hướng dẫn người có thông tin không thống nhất thực hiện việc cải chính hộ tịch theo quy định pháp luật.
Mức độ đăng ký hộ tịch trực tuyến được quy định trong Điều 5:
1. Cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến phù hợp với mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương ở trong nước, Cơ quan đại diện.
2. Danh sách các cơ quan đăng ký hộ tịch chưa có điều kiện tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến phải được thông báo công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao và Cổng thông tin điện tử một cửa cấp tỉnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại