Nguy cơ nào đối với sức khỏe, tính mạng người dùng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQLTT và CA huyện Thạch Thất xử lý số lượng lớn thiết bị y tế nhập lậu |
Chiều 6-3, Cục Cảnh sát giao thông cho biết trong 2 ngày cuối tuần, 5 và 6-3, từ tin báo của người dân, lực lượng CSGT thuộc Phòng CSGT CA tỉnh Bắc Kạn đã bắt giữ 3 vụ việc vận chuyển gần 6.000 kit test nhanh Covid - 19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, vào khoảng 01g30 phút ngày 6-3, từ nguồn tin của người dân cung cấp, tổ công tác thuộc Phòng CSGT CA tỉnh Bắc Kạn đang làm nhiệm vụ trên tuyến tại Km160 Quốc lộ 13, đã tiến hành dừng, kiểm tra xe ô tô biển số 11C-058.86 do N.T.D, SN 1988, trú tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng điều khiển hướng Cao Bằng đi Hà Nội.
Chở trên xe lúc này còn có H.V.L, SN 1994 và P.TY, SN 1997, cùng trú tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe chở 8 thùng hàng hóa, bên trong là kit test nhanh Covid-19. Qua kiểm đếm, số lượng ước tính gần 4.000 kit test nhanh.
Cùng ngày, vào lúc 9h50 phút, từ tin báo của người dân, tổ TTKS thuộc Phòng CSGT đang làm nhiệm vụ tại Km 138+300, đã phối hợp với lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh Bắc Kạn dừng, kiểm tra xe ôtô biển số 29B-303.XX do tài xế P. M. S, SN 1984, trú tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái điều khiển.
Kiểm tra phương tiện, lực lượng CSGT phát hiện bên trong xe có chứa 4 thùng với 1.500 kit test nhanh Covid -19. Thời điểm kiểm tra, hai tài xế đều không xuất trình được giấy tờ hợp pháp của số kit test nhanh Covid - 19 nêu trên.
Trước đó, vào trưa ngày 5-3, lực lượng CSGT, Phòng CSGT CA tỉnh Bắc Kạn cũng đã bắt giữ vụ vận chuyển 100 que Test nhanh Covid-19, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên xe khách, do nam tài xế trú tại tỉnh Cao Bằng điều khiển.
Lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn thuốc điều trị và test xét nghiệm Covid-19 không có hóa đơn |
Tại Hà Nội, lực lượng Cảnh sát kinh tế, ma tuý CA huyện Thạch Thất và QLTT cũng phát hiện, xử lý số lượng lớn hàng hóa là khẩu trang, kit xét nghiệm Covid 19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, khoảng 10g ngày 3-3, tại thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy CA huyện Thạch Thất phối hợp với Đội QLTT số 19, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 29H-744.88 do anh Đ.Đ.K, SN 1993, ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, làm chủ đang dừng đỗ bán hàng trên địa bàn thị trấn Liên Quan.
Qua kiểm tra số hàng hóa trên xe, phát hiện 18 thùng nước muối sinh lý, 10 thùng khẩu trang do Việt Nam sản xuất có nhãn hàng hóa đầy đủ đúng quy định do Việt Nam sản xuất.
Đặc biệt, 400 kit test nhanh Covid-19 trị giá 18 triệu đồng do Trung Quốc sản xuất không có thông tin bằng tiếng Việt, không có số lưu hành. Chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số lô hàng này.
Đội QLTT số 19 đã lập biên bản về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là trang thiết bị y tế, tiêu hủy toàn bộ 400 kit test và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng.
CA huyện Thạch Thất cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ, đặc biệt là các trang thiết bị, vật tư y tế.
Trong 3 ngày đầu tháng 3-2022, đội Cảnh sát kinh tế CA quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phối hợp cùng lực lượng QLTT liên tiếp phát hiện 3 vụ mua bán, vận chuyển que test, thuốc điều trị Covid nhập lậu.
Cụ thể mới đây, khoảng 15g30 ngày 3-3, tại khu vực ngõ chùa Liên Phái, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, tổ công tác đội Cảnh sát kinh tế CA quận Hai Bà Trưng cùng Đội QLTT số 5 - Cục QLTT Hà Nội phát hiện quả tang Lê Mạnh Hoàng, SN 1988, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội đang giao dịch, mua bán 400 hộp thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn”, được giới thiệu công dụng điều trị Covid-19, do nước ngoài sản xuất. Bao bì sản phẩm có nhãn chữ nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Thời điểm kiểm tra, Hoàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thuốc trên và giải trình mua ngoài thị trường với giá gần 20 triệu đồng, mục đích bán kiếm lời.
Khoảng 14g cùng ngày, tại khu vực đê Trần Khát Chân, phường Thanh Lương, tổ công tác đội Cảnh sát kinh tế CA quận Hai Bà Trưng cùng đội QLTT số 5 phát hiện Nguyễn Thị Hà, SN 1991, đang vận chuyển 1.000 que test nhanh Covid-19.
Quá trình kiểm tra, Nguyễn Thị Hà không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số que test trên và khai vừa mua, thu gom ngoài trị trường trôi nổi, mục đích rao bán trên mạng Internet để kiếm lời.
Thiếu tá Vũ Thái Sơn - Đội trưởng đội Cảnh sát kinh tế CA quận Hai Bà Trưng cho biết, trước đó, ngày 1-3, đơn vị phối hơp với Đội QLTT số 5 kiểm tra đối tượng vận chuyển hàng hoá tại địa chỉ số 902 Bạch Đằng, phường Thanh Lương; phát hiện 900 bộ kit test Covid-19. Chủ số que test là Nguyễn Văn Hiếu, SN 2001, không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định.
Cùng với việc lập biên bản, thu giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên, cơ quan chức năng đã tiến hành thủ tục ra quyết định xử phạt hành chính tổng cộng hơn 40 triệu đồng đối với 3 cá nhân giao dịch mua bán hàng lậu; tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ trách nhiệm các đối tượng liên quan.
Ngày 22-02, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma - Cục Hải quan Lạng Sơn tuần tra, kiểm soát, phát hiện gần mốc biên giới có một lô hàng vô chủ, qua kiểm tra, hàng hóa gồm 1.600 bộ Kit test nhanh Covid xuất xứ Trung Quốc.
Ngày 17-2, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì và phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, khám xét một lô hàng test Covid-19 vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài. Kết quả khám xét phát hiện hơn 85.000 test nhanh Covid-19 các loại có xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng.
Ngày 20-01, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh – Cục Hải quan Khánh Hòa kiểm tra, kiểm soát hành lý của hành khách nhập cảnh về Việt Nam đã phát hiện 02 vụ/02 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép thuốc tân dược từ Nga về Việt nam là thuốc điều trị Covid-19 và thuốc ngừa Covid-19. Tang vật gồm 14.650 viên thuốc dạng vỉ bằng tiếng Nga (Arbidol; Areplivir).
Theo quy định, mặt hàng test Covid-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu. Tổng cục Hải quan cho biết vụ việc đang tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ theo quy định.
Với các loại thuốc chưa được sự cấp phép của cơ quan chức năng, các thánh bán hàng trên mạng đã tự thổi phồng công hiệu khiến người dùng trong lúc “có bệnh thì vái tứ phương” nhắm mắt vung tiền mong nhanh khỏi như các lời quảng cáo. Chỉ sợ tiền thì mất mà tật bệnh thêm sâu bởi, việc sử dụng hàng hóa nhập lậu sẽ dẫn đến nguy cơ lớn đối với sức khỏe, tính mạng người dùng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại