Nguy cơ mất trắng nhà đất vì dính “cạm bẫy” tín dụng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVi phạm cam kết
Trong đơn tố cáo gửi CQCSĐT CA quận Đống Đa, Hà Nội chị Trương Thị Thắng, SN 1977, trú tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội trình bày: Cuối năm 2014, chị Thắng muốn vay 150 triệu đồng để phục vụ công việc kinh doanh. Qua giới thiệu, chị Thắng gặp bà Nguyễn Thị Linh. Bà Linh tự giới thiệu là cán bộ ngân hàng, ai có nhu cầu vay vốn thì bà Linh sẽ giúp với điều kiện phải có tài sản đảm bảo.
Chị Thắng đã mượn bố mẹ là ông Trương Văn Nuôi và bà Nguyễn Thị Lộc giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất có diện tích 70m2 ở thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh để làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Theo lịch hẹn, ngày 21-11-2014, chị Thắng và ông Nuôi đến Văn phòng công chứng trên phố Thái Hà, quận Đống Đa để ký một số giấy tờ vay tiền.
Thửa đất và ngôi nhà của gia đình ông Nuôi đã bị kê biên và bán đấu giá tài sản |
Tại đây, bà Linh giới thiệu ông Phạm Hà Nam, trú tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì và ông Phạm Ngọc Anh là anh trai của ông Nam sẽ là người làm thủ tục cho bà Thắng vay tiền. Sau đó, ông Nuôi đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất trên cho ông Phạm Hà Nam với giá 150 triệu đồng, đồng thời ký bản cam kết và thoả thuận về việc vay vốn có liên quan đến tài sản quyền sử dụng đất và nhà.
Bản cam kết và thoả thuận xác lập ngày 21-11-2014 thể hiện: Ông Nam cho ông Nuôi vay 150 triệu đồng; ông Nam và ông Nuôi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua công chứng chỉ nhằm mục đích vay vốn có thời hạn là 5 năm; trong thời hạn vay, ông Nam không được mua bán, chuyển nhượng, giao nhận quyền sử dụng đất hoặc cho tặng dưới bất kỳ hình thức nào với bên thứ ba.
Ông Phạm Hà Nam đã cam kết không được mua bán, chuyển nhượng, giao nhận quyền sử dụng đất hoặc cho tặng dưới bất kỳ hình thức nào nhưng vẫn mang đi thế chấp ngân hàng |
Theo thoả thuận, ông Nam cam kết số tiền cho ông Nuôi vay được tính bằng lãi suất ngân hàng là 12%. Trong thời hạn vay tiền, ông Nuôi vẫn được toàn quyền sử dụng và tự bảo quản tài sản là ngôi nhà và thửa đất đã thế chấp cho ông Nam. Khi ông Nuôi trả hết số tiền vay gốc và lãi đúng kỳ hạn cho ông Nam thì ông Nam phải làm thủ tục trả lại quyền sử dụng đất cho ông Nuôi.
Ngày 9-12-2014, thửa đất trên của ông Nuôi đã được chuyển quyền sử dụng cho ông Nam. Mặc dù đã ký cam kết không được mua bán, chuyển nhượng, giao nhận quyền sử dụng đất hoặc cho tặng dưới bất kỳ hình thức nào với bên thứ ba nhưng sau khi được sang tên “sổ đỏ” ông Nam đã vi phạm cam kết, thế chấp “sổ đỏ” cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á để vay tiền.
Có dấu hiệu tội phạm?
Chị Thắng trình bày, trong thời hạn vay, hàng tháng chị này vẫn thanh toán tiền lãi theo thoả thuận. Năm 2015 và năm 2017, chị Thắng đã trả cho ông Nam 110 triệu đồng tiền gốc. “Tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Nam và ông Ngọc Anh để trả nốt 40 triệu đồng còn lại để lấy lại tài sản nhưng hai ông này liên tục khất lần không chịu gặp. Đến năm 2018, tôi mới được cán bộ ngân hàng thông báo “sổ đỏ” của gia đình tôi đã được ông Nam đã “cắm” ngân hàng để vay 450 triệu đồng từ nhiều năm trước”, chị Thắng cho biết.
Đến khi Chi cục THADS huyện Thanh Trì kê biên tài sản và bán đấu giá thửa đất của gia đình ông Nuôi thì chị Thắng mới phát hiện mình bị “mắc bẫy” tín dụng. Chị Thắng cho rằng: “Lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của tôi, nhóm của ông Nam đã đưa ra những thông tin gian dối để lừa bố tôi ký hợp đồng chuyển nhượng và làm thủ tục sang tên “sổ đỏ” cho ông Nam. Mục đích của họ là mang tài sản của gia đình tôi đi thế chấp ngân hàng để vay tiền. Sau đó, ông Nam không trả tiền ngân hàng nên tài sản của gia đình tôi đã bị đem ra bán đấu giá”.
Luật sư Phạm Quang Xá, Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá: “Qua nghiên cứu hồ sơ có thể thấy, nhóm của ông Nam đã lên sẵn kế hoạch từ đầu để lừa gia đình ông Nuôi. Lấy lý do là muốn vay được tiền thì phải có tài sản đảm bảo, đồng thời ông Nam đưa ra cam kết vay vốn để gia đình ông Nuôi tin rằng việc ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất chỉ để đảm bảo cho việc vay tiền nhưng thực chất là để họ dễ dàng làm thủ tục sang tên “sổ đỏ” cho ông Nam. Sau đó, ông Nam lại dùng chính tài sản đó đi vay vốn ở ngân hàng rồi… xù nợ.
Được biết, CQCSĐT CA quận Đống Đa đang xem xét, giải quyết đơn tố cáo của chị Thắng theo quy định của pháp luật. Còn CQCSĐT CA huyện Thanh Trì đã mời chị Thắng lên làm việc để làm rõ nội dung chị này tố cáo với hành vi tương tự như trên, năm 2015, nhóm của ông Nam đã thế chấp một mảnh đất khác của bố mẹ chồng chị Thắng để vay ngân hàng 1,6 tỷ đồng nhưng đến nay chưa trả được.
Hiện tại, tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất có diện tích 70m2 ở thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh đã được bán đấu giá nhưng gia đình ông Nuôi vẫn quản lý và sử dụng thửa đất. Tuy nhiên, trong quá trình Chi cục THADS huyện Thanh Trì kê biên và bán đấu giá tài sản này đã xảy ra một số sai sót. Báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại