Thứ hai 09/09/2024 06:45

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Cá tháng Tư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vì sao ngày Cá tháng Tư 1/4 lại được coi là ngày nói dối? Cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Cá tháng Tư.
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Cá tháng Tư

Vua Charles IX của Pháp - Ảnh: FAMOUS PEOPLE

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư

Nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều thống nhất, nguồn gốc của ngày nói dối là từ nước Pháp.

Năm 1564, vua Charles IX quyết định cải cách niên lịch, đưa ngày Tết của nước Pháp từ cuối tháng 3 trở về ngày 1/1.

Trước đó, người dân Pháp thường đón mừng năm mới trong khoảng thời gian từ 25/3 đến 1/4, thời điểm bắt đầu mùa xuân vì 21/3 là ngày Xuân phân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận hệ thống lịch mới của vua Charles. Thời điểm đó chưa có nhiều phương tiện truyền tin nên một bộ phận những người dân thôn quê Pháp vẫn ăn mừng năm mới theo hệ thống lịch cũ.

Điều này khiến những người cấp tiến không hài lòng và khái niệm "ngớ ngẩn" được đặt ra dành cho những kẻ vẫn ăn Tết ngày 1/4.

Ngoài ra, tháng Tư cũng được xem là tháng của cung Song ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào nhau.

Thêm nữa, tháng Tư cũng là thời điểm những loài cá sống trong vùng nhiệt độ ôn hòa, ví dụ như cá thu, dễ bị đánh bắt nhất do đi riêng lẻ. Vì vậy, Cá tháng Tư trở thành khái niệm ám chỉ sự khù khờ.

Cùng với thời gian, trò đùa vào ngày 1/4 trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18). Người Anh và người Pháp đưa tục lệ nói dối sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá tháng Tư trở thành một lễ hội quốc tế được chấp nhận ở nhiều nước khác nhau.

Ý nghĩa ngày Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư có ý nghĩa tốt đẹp bởi đây là ngày mọi người cùng đem lại niềm vui cho nhau thông qua những lời nói dối vô hại. Những lời nói dối sẽ được thoải mái nói ra, miễn là trò đùa không đi quá xa, chủ nhân của những câu nói dối này sẽ không bị trách phạt.

Thế giới kỷ niệm ngày Cá tháng Tư

Người dân ở mỗi quốc gia tiếp nhận truyền thống này theo những cách riêng để trêu gia đình và bạn bè.

Trẻ em châu Âu thường chọc ghẹo người khác trong ngày Cá tháng Tư bằng cách viết vài dòng chữ trêu chọc lên một con cá bằng giấy rồi tìm cách dán nó lên lưng đối tượng.

Ở Scotland có tới 2 ngày Cá tháng Tư. Ngày thứ hai đặc biệt dành để trêu ghẹo phần sau lưng của mỗi người nên được gọi là “Ngày vuốt đuôi”. Đây được coi là ngày phát sinh của trò đùa “Hãy đá tôi một phát”, và những người bị lừa được gọi là “gowk” (kẻ ngốc).

Ngày nay, ở Anh, những người bị lừa trong dịp 1/4 được gọi là “April Fools” - những kẻ ngốc tháng Tư. Theo nghiên cứu được nhà văn hóa dân gian Iona và Peter Opie thực hiện những năm 1950, ở Anh và các quốc gia có truyền thống bắt nguồn từ Vương quốc Anh (bao gồm Australia), các trò đùa chấm dứt vào buổi trưa. Những người đùa giỡn sau buổi trưa thì cũng tự mình thành "kẻ ngốc".

Còn tại Scotland, ngày 1/4 có tên gọi trùng với tên một loài chim cúc cu - April "Gowks" . Tên gọi ngày Cá tháng Tư dựa theo trò đùa cố gắng lén dán một con cá bằng giấy vào lưng "nạn nhân".

Người La Mã cổ đại đã từng có ngày lễ mang tên Hilaria để tôn vinh vị thần của sự phục sinh Attis. Cái tên Hilaria nghe rất giống từ hilarity (vui nhộn) của tiếng Anh. Lễ Hilaria hiện nay vẫn được lưu giữ phần nào dưới tên "Ngày Cười của La Mã".

Ở Ba Tư cũng có một ngày nghỉ với chủ đề tương tự, được biết đến với tên gọi Sizdahbedar. Vào ngày này (thường trúng vào 1/4), người Iran cũng trêu chọc nhau bằng các trò chơi khăm vui nhộn.

Lịch sử và ý nghĩa Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3
HP (tổng hợp)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động