Thứ hai 25/11/2024 07:14

Nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành, đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam.
Một khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam 2023.
Một khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam 2023. Ảnh: internet

Nguồn gốc của Ngày Pháp luật Việt Nam

Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 4 Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2013), những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.

Tháng 6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013). Luật quy định: ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam

Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hành động của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Thứ nhất, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật: Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để tất cả các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.

Thứ hai, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật: Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

Thứ ba, đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước: Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân: Bản chất của nhà nước pháp quyền chính là tính thượng tôn của pháp luật trong tổ chức đời sống kinh tế, xã hội của một quốc gia. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện, bao gồm tính thống nhất, ổn định, minh bạch, công bằng và dân chủ. Tổ chức Ngày Pháp luật góp phần đáp ứng các yêu cầu trên và trở thành một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Thứ năm, hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý: Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, cần phải xây dựng lối sống tôn trọng pháp luật. Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các ứng xử theo pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời mà trở thành thói quen. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức như thế nào?

Chính phủ đã ban hành riêng một Nghị định quy định về vấn đề này. Cụ thể, tại Nghị định 28/2013/NĐ-CP, Chính phủ quy định ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức như: mít tinh; hội thảo; tọa đàm; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Như thông lệ, năm nay, ngày Pháp luật tiếp tục được tổ chức. Theo hướng dẫn của Bộ Tư Pháp, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tập trung vào phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2022 và năm 2023; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dự luận xã hội; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính thông tin về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường công tác truyền thông dự thảo chính sách đối với các dự án Luật có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Gắn việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ IV, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trọng tâm là triển khai các hoạt động hưởng ứng thiết thực tại cơ sở bằng những hình thức phù hợp.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung vào 2 tháng (tháng 10, 11/2023), cao điểm từ ngày 1/11 đến 9/11/2023.

Hòa giải viên là hạt nhân, gương mẫu trong triển khai, tổ chức hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Hà Nội hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 với 15 khẩu hiệu tuyên truyền
Tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong xã hội
HP (tổng hợp)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động