Thứ ba 26/11/2024 10:39

Người phụ nữ sinh con khỏe mạnh nhờ được truyền ối

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mang thai được đến 24 tuần tuổi, bỗng một ngày chị T.T.H ở Hà Nam không cảm nhận được sự quẫy đạp của con trong bụng. Đi khám, chị H. chết điếng khi bác sỹ kết luận thiếu ối trầm trọng và chỉ định đình chỉ thai hoặc chờ thai lưu thì vào viện lấy thai ra. Nhưng vận may đã mỉm cười…

Một ngày cuối năm 2019, sản phụ T.T.H ở Hà Nam được chỉ định đình chỉ thai khi đang mang thai được 24 tuần tuổi vì: thiếu ối trầm trọng, thai nhi đã bị tử cung bó chặt, nguy cơ thai lưu là rất cao. Nếu không đình chỉ thai nghén thì sản phụ chờ thai lưu thì vào viện lấy thai ra.

Đứng trước tình huống ấy, chị H. không nỡ từ bỏ đứa con đã gắn bó với mình suốt thời gian thai nghén và chị đã thử tìm cơ hội bằng cách tìm đến BV Phụ sản Hà Nội. Và vận may đã mỉm cười khi chị gặp được PGS-TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội và bác sỹ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Sim.

Các bác sỹ đã quyết tâm cùng chị giữ lại con bằng một kỹ thuật hoàn toàn mới tại Việt Nam: Kỹ thuật truyền ối. Thông qua một “khe ối” rất nhỏ để xuyên kim vào buồng ối và truyền dịch vô trùng vào buồng ối, tạo môi trường bồng bềnh cho em bé tiếp tục phát triển an toàn.

cai chi dinh dinh chi thai nguoi phu nu sinh con khoe manh nho duoc truyen oi
Chị H. đã sinh được bé trai khỏe mạnh sau khi được truyền ối. Chị thường xuyên gửi hình ảnh "khoe" con cho bác sỹ Sim như một lời cảm ơn sâu sắc nhất (ảnh T.L)

Trong suốt quá trình truyền ối, các bác sĩ phải rất khéo léo, tập trung cao độ để cố định kim và đưa được dịch vào buồng ối bỗng chị H. reo lên “Em thấy con em đạp rồi”. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của người mẹ khi cảm nhận được sinh linh bé nhỏ trong cơ thể mình hồi sinh, cựa quậy. Sau nhiều ngày bị bó cứng bất động do thiếu ối, giờ sinh linh này đã có thể quẫy đạp chân tay vào thành bụng.

Khi tình trạng mẹ và thai nhi tốt nên chị H. được cho về nhà tiếp tục chăm sóc thai sản. Sau đó, sản phụ đã duy trì được nước ối bình thường, giữ thai được thêm 2 tháng thì em bé chào đời khỏe mạnh, không có dị dạng chân tay, không khó khăn về hô hấp và trẻ cũng không có bất thường phổi.

“Đó là bước can thiệp truyền ối thành công giúp cả ê-kíp y, bác sĩ thêm phần tự hào. Mỗi khi H. gửi ảnh con cho tôi, tôi đều trào nước mắt hạnh phúc vì cảm thấy mình đã mang lại điều kỳ diệu cho bé”, bác sỹ Sim chia sẻ.

Không chỉ có chị H. mà với phương pháp này tại BV Phụ sản Hà Nội cũng có hơn 10 sản phụ được truyền ối vào buồng tử cung từ cuối năm 2019 đến nay. Trong đó, còn có 3 trường hợp vô sinh lâu năm, đã phải làm IVF nhiều lần mới có được con.

Bác sỹ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội cho biết, có khoảng 4%-5% sản phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối. Thiểu ối nặng khiến nhiều thai nhi bị tước đi sự sống. Hoặc nếu được sinh ra thì trẻ thai nhi thai chậm phát triển, ngôi thai bất thường hoặc bị biến dạng mặt, chân tay.

Ngoài nguyên nhân thiểu ối cho bệnh lý của mẹ, do bất thường thận thai nhi giảm sản xuất nước ối thì có tới 30% các ca thiểu ối không rõ nguyên nhân.

cai chi dinh dinh chi thai nguoi phu nu sinh con khoe manh nho duoc truyen oi
Bác sỹ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Sim là người đồng hành cùng TS. Nguyễn Duy Ánh trong việc nghiên cứu kỹ thuật truyền ối (ảnh T.L)

Trước đây, những ca này, các sản phụ được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc truyền dịch vào tĩnh mạch của mẹ. Nhưng biện pháp này hiệu quả thấp và chỉ kéo dài vài ngày. Vì thế, đa số các bác sĩ khuyên chủ động đình chỉ thai nghén trước khi đứa bé chết lưu trong cơ thể người mẹ. Điều này khiến nhiều gia đình chấp nhận mất con trong tuyệt vọng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của sản phụ và người thân trong gia đình.

Kỹ thuật truyền dịch ối được PGS-TS. Nguyễn Duy Ánh và bác sỹ Nguyễn Thị Sim nghiên cứu ứng dụng nhằm kéo dài thời gian mang thai, giúp tránh được những dị tật cho thai nhi không mong muốn do thiểu ối gây ra. Thủ thuật này được thực hiện trong một phòng can thiệp vô trùng tuyệt đối, đây là điều kiện quan trọng để bảo đảm thủ thuật an toàn.

Kỹ thuật này được chỉ định cho những sản phụ thiểu ối còn nguyên màng ối và tuổi thai từ 16-32 tuần. Các bác sĩ cũng chống chỉ định can thiệp kỹ thuật này cho các thai phụ dưới 16 tuần, tử cung ngắn có dấu hiệu dọa đẻ non, rỉ ối, vỡ ối, thai dị dạng, nhiễm trùng cấp-bác sỹ Nguyễn Thị Sim cho biết.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động