Người mua giấy khám sức khỏe giả cũng có thể vướng vòng lao lý
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiấy khám sức khỏe để trống thông tin người có nhu cầu được một đối tượng chào bán với giá 120.000 đồng/tờ. Ảnh: Thái An |
Mua bán giấy khám sức khỏe trên mạng
Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi người dân thực hiện các thủ tục từ xin việc đến các thủ tục hành chính hay để hoàn thiện các hồ sơ đều luôn yêu cầu bắt buộc phải có giấy khám sức khỏe.
Điều này sẽ giúp chứng minh các cá nhân có đủ điều kiện để được xét duyệt vào công việc, vị trí hay yêu cầu của hoạt động đó hay không. Điều này cũng giúp các nhà tuyển dụng loại bỏ những ứng viên, lao động không đủ sức khỏe làm việc, đặc biệt là những công việc có nguy cơ lây bệnh từ lao động có bệnh dễ truyền nhiễm.
Chính vì lý do này, hiện nay nhu cầu cấp giấy khám sức khỏe của người dân là rất lớn. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau như lo ngại thủ tục, chi phí hay vì sợ mất thời gian khi qua bệnh viện, phòng khám, nhiều người dân đã chọn phương án tìm mua giấy khám sức khỏe. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều đối tượng đã chào bán giấy khám sức khỏe trên các nền tảng mạng xã hội, các trang web với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Theo đó, chỉ cần lên công cụ tìm kiếm google gõ từ khóa “giấy khám sức khỏe”, trong vòng 0,29 giây sẽ cho ra 68.300.000 kết quả liên quan. Tìm hiều thông tin trong một trang web ngẫu nhiên, PV không khỏi bất ngờ trước sự tiện lợi, nhanh chóng, đầy đủ thông tin và sự chuyên nghiệp của những đối tượng bán loại giấy này.
Những trang web này giới thiệu, mẫu giấy khám sức khỏe theo thông tư 14/2013/BYT, có ảnh giáp lai và bỏ trống thông tin cá nhân để người mua tự điền. Và quan trọng nhất, các giấy khám sức khỏe được bán ra sẽ đều cho kết quả sức khỏe “tốt”, người có nhu cầu không có gì bất thường
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện nay, các đối tượng công khai rao bán theo kiểu từ A-Z, làm giấy khám sức khỏe siêu nhanh, siêu thuận lợi, siêu rẻ, bao kiểm tra, và có đủ của các Bệnh viện E, Bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh viện Bạch Mai, ...
Quyết định mục sở thị vấn đề này, trong vai người cần mua giấy khám sức khỏe đi làm, PV đã liên lạc được một đầu mối được cho là chuyên cung cấp các loại giấy tờ bệnh viện trong đó chủ yếu là giấy khám sức khỏe ở trên mạng xã hội.
Khi thấy PV có nhu cầu, người này tư vấn về nhiều mẫu giấy khám sức khỏe với giá dao động từ 100.000 - 150.000 đồng, tùy từng loại có ảnh hay không có ảnh. Theo người này, giấy chỉ có dấu và các thông tin về sức khỏe còn thông tin về người khám, PV phải tự điền. Người này không quên tư vấn cho PV nếu đặt mua số lượng lớn sẽ được giảm giá và có bảo hành. Nghĩa là nếu giấy khám này không hợp lệ thì có thể được đổi sang loại giấy khác
Điều đáng nói, người có nhu cầu đặt giấy không cần cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho các đối tượng này bởi lẽ những tờ giấy khám sức khỏe được giao này hoàn toàn để trống thông tin cho người mua tự điền. Còn nếu muốn có ảnh giáp lai, khách hàng chỉ cần cung cấp file ảnh, đối tượng sẵn sàng làm ảnh và cung cấp giấy đã có đủ dấu đỏ và chữ ký.
"Anh mua loại giấy nào bên em cũng có, đủ các loại từ A4 đến A3, có ảnh hay không có ảnh. Nếu mua giấy khám sức khỏe đi làm ở các công ty thì em lấy 12.000 đồng/tờ" - một đối tượng bán cho biết.
Thực tế đã có không ít các đối tượng bị bắt về tội làm giả giấy tờ bệnh viện, thế nhưng trên thực tế hoạt động này vẫn diễn ra khó kiểm soát. Cơ sở bị làm giả đã tỏ ra bất lực với thực tế này bởi bắt được đối tượng này thì đối tượng khác lại xuất hiện. Hành vi mua bán này được sự chấp thuận của người mua thế nên các cơ quan chức năng cũng khó quản lý. Người mua thì vẫn mua, với người bán thì giao dịch này là siêu lợi nhuận.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trước tiên cần phải đánh giá, việc các loại hồ sơ xin việc, thủ tục hành chính,… cần có giấy khám sức khỏe là những quy định vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng, thực hiện các quy định này rõ ràng phục thuộc nhiều vào ý thức của người dân.
“Chính vì vậy chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến để người dân có thể thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Từ đó, nâng cao hiệu quả của hoạt động khám sức khỏe, hoạt động tuyển dụng tại các cơ quan, ban ngành hay doanh nghiệp. Và cũng giúp người dân tránh được các hành vi vi phạm pháp luật về hành chính và hình sự, giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc dù hành vi người dân cho là lỗi rất nhỏ nhưng không hề dơn giản” - Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho hay, người thực hiện hành vi làm giả giấy khám chữa bệnh là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” hoặc tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
"Đối với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, người phạm tội có thể đối diện với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm, mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng" - Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, không chỉ các đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà những người sử dụng tài liệu, giấy tờ giả cũng có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi.
Đối với xử phạt hành chính, tùy thuộc vào loại giấy tờ giả người đó sử dụng để xác định hành vi của họ vi phạm quy định trong lĩnh vực nào, từ đó có căn cứ xác định hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với họ. Ví dụ, đối với hành vi sử dụng CCCD, vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân giả thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trong trường hợp người đó sử dụng giấy tờ, tài liệu giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341, BLHS hiện hành. Theo đó, người sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 341, BLHS năm 2015. Đối với người sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 341, BLHS năm 2015.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại