Người mua cần có trách nhiệm gì?!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội sẽ tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu Nhà nước, đang bán dở dang theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các Nghị định liên quan |
Không là câu chuyện mới
Vào khoảng cuối những năm 1980 đầu 1990, Hà Nội có khoảng hơn 2.000 ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp. Đến nay, theo thống kê, hiện trên địa bàn TP có 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Các biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và ở các vị trí đẹp, chủ yếu nằm ở các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ; có kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông. Phần lớn các biệt thự ở Hà Nội có giá trị về kiến trúc - kinh tế, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội với kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông, mang đặc trưng riêng tạo nên diện mạo riêng của Thủ đô...
Trước đây (từ năm 1954 đến trước năm 2009), biệt thự cũ chỉ được coi là nhà ở, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách để bảo tồn, tôn tạo; chưa ban hành được danh mục và các văn bản quản lý Nhà nước về cải tạo, sửa chữa, phá dỡ, xây dựng và bảo tồn tôn tạo quỹ nhà biệt thự Pháp. Trong quá trình phân phối, bố trí, cho thuê và sử dụng nhà biệt thự, nhiều hộ dân đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép đã làm biến dạng biệt thự.
Bên cạnh đó, một bộ phận tổ chức, cá nhân sử dụng nhà biệt thự chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị của các nhà biệt thự cũ, chưa xác định được ý thức, trách nhiệm, chưa tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện, có trường hợp thắc mắc cho rằng nhà biệt thự đang sử dụng không có giá trị để bảo tồn.
Nên nhìn nhận ở góc độ “di sản”
Do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng biệt thự nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa rất khó khăn, các hộ gia đình vẫn trông chờ vào Nhà nước, tiền thuê nhà thu được không đủ để sửa sữa, bảo trì biệt thự. Việc quản lý, khai thác, cho thuê, bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước chưa thực sự hiệu quả.
Được biết, đến nay mới chỉ có Cty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội là khai thác hiệu quả 8 biệt thự được giao quản lý theo giá thị trường. Quỹ nhà biệt thự chuyên dùng (không dùng để ở) do Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý; Quỹ nhà biệt thự chuyên dùng do các cơ quan, đơn vị của Trung ương và TP quản lý, sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh... chưa được khai thác hiệu quả theo cơ chế thị trường, vì chưa có cơ chế, chính sách về đấu giá quyền thuê trả tiền 1 lần đối với 207 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không bán.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, mục tiêu thực hiện chuyên đề là đánh giá đúng thực trạng, phân tích chỉ ra các nguyên nhân, tồn tại, hạn chế từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của TP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Các nhóm giải pháp được TP đưa ra gồm: Sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với các nội dung về biệt thự cũ, nhà cổ và các công trình kiến trúc khác; ban hành cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác có giá trị trong khu vực nội đô lịch sử và nhóm giải pháp về kỹ thuật…
Là một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bản thân PV cũng từng chứng kiến nhiều biệt thự cũ được “đại gia” mua lại và san phẳng để xây một biệt thự mới tinh. Với một số đại gia BĐS, chỉ có mảnh đất kim cương mặt tiền phố trung tâm - nơi tòa nhà tọa lạc là có giá. Chính vì tư duy rất thực dụng đó, một số biệt thự còn khá đẹp ở Hà Nội đã biến mất sau khi đổi sang chủ nhân mới. Trở lại câu chuyện kế hoạch bán 600 biệt thự từ hơn 13 năm trước.
Cả trước và sau khi TP Hà Nội quyết việc bán biệt thự vào thời điểm đó, DN, người dân, chuyên gia đã có những cuộc tranh luận liên miên về số phận hơn 600 biệt thự. Luồng ý kiến cho rằng, nếu coi 600 biệt thự ấy là “di sản” thì không bao giờ nên bán. Bởi, nếu bán cho tư nhân, tuy TP thu được vài nghìn tỷ đồng song khi đã là chủ, họ hoàn toàn có quyền đập đi, san phẳng và xây mới thành các tòa nhà mới tinh. Như thế, cho phép bán nghĩa là mất... Một luồng ý kiến khác quan niệm, 600 biệt thự là “tài sản” thì cho rằng không phải tất cả các biệt thự đều có giá trị về lịch sử, kiến trúc. Vì vậy, không nên “bảo tồn” quá nhiều. Các biệt thự xuống cấp nếu để lại sẽ làm TP nhếch nhác.
Tuy nhiên, sau khi bán, trường hợp muốn cải tạo, nâng cấp, phải quản chặt giấy phép xây dựng. Giấy phép đó cần phải quy định rõ được xây thế nào, kiểu nào, cải tạo thế nào... để tránh nguy cơ “xóa sổ” không gian biệt thự Pháp cổ. Cùng với đó, không cho bán tiếp cũng không ổn bởi thực chất, hơn 600 biệt thự đó đã bán dang dở và cũng không tài nào quản nổi nếu người dân tự ý mua đi, bán lại.
Với những bản sắc rất riêng, biệt thự Hà Nội từ hàng trăm năm qua đã trở thành một nét văn hóa đặc thù của Thủ đô. Với nhiều người, biệt thự Hà Nội không chỉ đứng số một về mặt kinh tế mà còn hàm chứa những giá trị không thể đo đếm về lịch sử, văn hóa, kiến trúc... Như nhận định của KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên GĐ Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội: Sự tinh tế của người Pháp là đưa ra một cấu trúc quy hoạch hiện đại của châu Âu, trên cơ sở mang nét mới nhưng vẫn bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống của Hà Nội. Người Pháp đã khéo léo kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và truyền thống để tạo nên diện mạo Thủ đô đặc trưng, không phải đô thị nào cũng có được. |
Hà Nội bán 600 biệt thự cũ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại