Người mua, bán dâm có bị xử lý hình sự?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCó dấu hiệu tổ chức mại dâm?
Ngày 7-9, CQCA quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang điều tra làm rõ vụ mua bán dâm tại khách sạn May Flower, số 11 Hàng Rươi, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Theo đó, CQCA quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Tiến Sơn, SN 1997, trú tại xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ và Hoàng Xuân Lộc, SN 1994, trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội về hành vi chứa mại dâm.
Hoàng Xuân Lộc (trái) và Hà Tiến Sơn tại CQCA |
Trước đó khoảng 23g ngày 19-8, CA quận Hoàn Kiếm ập vào kiểm tra phòng 301 khách sạn May Flower, bắt quả tang T.T.K.P, 32 tuổi, quê Nam Định đang có hành vi bán dâm cho anh L.Q.T, 29 tuổi, ở Hà Nội. CQCA xác định, Lộc và Sơn là quản lý và nhân viên của khách sạn May Flower.
Tại CQCA, P cho biết, trong thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, khách sạn May Flower vẫn mở cửa “chui” nên thuê phòng tại đây để thực hiện hành vi bán dâm. Đối tượng P chủ động đăng tải các hình ảnh, thông tin lên các trang web và mạng xã hội về việc mua bán dâm để thu hút khách. Một ngày, P tiếp xúc với nhiều lượt khách.
Dù địa điểm số 11 Hàng Rươi đã có chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở hai đầu, nhưng khách làng chơi khi đến sẽ được "phím" cách để vượt chốt, bằng cách để xe ở ngoài và đi bộ vào trong. Khi đến khách sạn May Flower thì bấm chuông để có người mở cửa.
Người mua dâm L.Q.T khai nhận, đã liên lạc với P qua điện thoại để hẹn ở khách sạn May Flower. Khi lấy phòng thì nhắn tin số phòng cho P để thực hiện mua bán dâm. Khi đang thực hiện hành vi mua bán dâm thì bị lực lượng chức năng kiểm tra hành chính, bắt quả tang. Có thể thấy, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của việc tổ chức mua, bán dâm ngay tại khách sạn May Flower?
Theo CQCA, trong thời điểm TP Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, khách sạn May Flower vẫn mở cửa “chui”. Hành vi mua bán dâm tại trung tâm Thủ đô không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng. Hiện, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Đối tượng mua, bán dâm có bị xử lý?
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, các đối tượng Hoàng Xuân Lộc và Hà Tiến Sơn đã có hành vi cho gái mại dâm thuê phòng khách sạn để thực hiện việc mua, bán dâm. Các đối tượng có dấu hiệu của sự bàn bạc, thống nhất với gái mại dâm từ phương thức, thời gian đón khách đến mua dâm. Hành vi của bọn chúng có đủ dấu hiệu cấu thành tội “Chứa mại dâm” quy định tại Điều 327, BLHS năm 2015.
“Tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và số tiền thu lợi bất chính từ việc chứa mại dâm thì người phạm tội sẽ chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tương ứng. Mức phạt cao nhất quy định trong tội danh này từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt quản chế từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, luật sư Thái nêu quan điểm.
Đối với hành vi mua dâm và hành vi bán dâm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể, tuỳ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người mua dâm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng và người bán dâm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Nghị định này.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Hà Nội và một số địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn… Như vậy, chủ khách sạn May Flower, gái bán dâm và khách mua dâm đã vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Chưa nói vi phạm liên quan đến hành vi chứa chấp, mua, bán dâm, căn cứ Điều 12 Nghị định 117/2020/CP, hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch của cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ, đối với cá nhân thì phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, với tổ chức vi phạm thì phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.
Đối với chủ cơ sở mà thực hiện kinh doanh gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý vì tội “Vi phạm quy định an toàn nơi đông người” theo Điều 295, BLHS năm 2015, bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.
Đặc biệt, nếu trường hợp làm lây lan dịch bệnh thì các đối tượng liên quan có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng theo Khoản 3 Điều 7, Nghị định 117/2020/CP. Ngoài ra, chủ khách sạn, quản lý, nhân viên khách sạn và người mua, bán dâm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” khác theo Điều 240 BLHS.
Luật sư Thái kiến nghị, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tiến hành thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở cố tình hoạt động trui, xử lý nghiêm những vi phạm; đồng thời tăng cường tuyên truyền về quy định phòng, chống dịch bệnh.
Ông Hoàng Mạnh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu UBND phường Hàng Mã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và chỉ đạo chấn chỉnh các chốt trực. Đồng thời yêu cầu Trưởng CA quận và Chủ tịch UBND 18 phường tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý các vi phạm và đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại