Người Hà Nội trồng bưởi sạch không lo giải cứu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Người Hà Nội trồng bưởi sạch không lo giải cứu |
Bưởi đạt tiêu chuẩn sao
Bưởi là 1 trong 4 cây ăn quả chủ lực, chiếm diện tích lớn nhất của thành phố. Hiện trên thị trường Hà Nội có rất nhiều giống bưởi như bưởi Diễn tôm vàng, bưởi đào đường, bưởi Diễn tôm xanh, Bưởi đỏ Đông Cao… Nông dân ở nhiều vùng trồng bưởi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội những năm qua không còn lo cảnh “được mùa dội chợ” bởi họ đã được HTX mà họ tham gia liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, gắn mã số và bao tiêu tại vườn nên bưởi không lo mất giá.
Bưởi Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được coi là một đặc sản của thủ đô Hà Nội. Đặc điểm của loại bưởi này là để càng lâu ăn càng ngọt, mỗi quả có trọng lượng khoảng 7 lạng đến hơn một cân. Nếu muốn nếm được chuẩn vị bưởi thì sau khi hái xuống chưa nên ăn ngay mà để vài ngày khi quả đã “xuống nước” và vỏ bắt đầu héo thì mới đem ra dùng. Điểm đặc sắc của loại quả này là sau khi hái xuống có thể để được 3 tháng không cần phải bảo quản vẫn không ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng của bưởi. Bưởi Diễn có vỏ quả mỏng khi chín có màu vàng nhạt, múi bưởi dày, mọng nước, tép quả màu hung vàng, ăn có vị ngọt thanh mát.
Người trồng bưởi diễn cho biết, thời tiết thuận nên dịp tết Quý Mão năm nay bưởi được mùa, trái bưởi to đẹp hơn mọi năm, ngọt, mọng nước. Mỗi cây cho thu hoạch hàng trăm trái, ước tính thu về hàng chục triệu đồng/ cây. Nơi đây có nhiều gốc bưởi cổ đều được trồng từ năm 1996, 1997 đến nay vẫn cho năng suất cao, chất lượng quả tốt nên giá bán từ 50- 90 nghìn đồng/ quả.
Chị Lan Anh ở Phú Diễn, chủ vườn bưởi chia sẻ: Bưởi ở đây thông thường các nhà vườn bán theo quả, được chia ra thành nhiều loại có giá dao động từ 30.000 đồng/quả đối với loại quả nhỏ, loại quả to nhất có giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng/quả. Giá bưởi gần như bình ổn theo các năm, khách hàng rất thích vì không bị đội giá nên họ rất tin tưởng, dễ mua bán.
Một vùng trồng bưởi tập trung của thành phố Hà Nội Xã thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, với nhiều giống bưởi đặc sản có từ 40-50 năm về trước, chất lượng cao như: Bưởi Diễn tôm vàng, bưởi đào đường, bưởi Diễn tôm xanh... Qua hàng chục năm phát triển, mỗi năm cho thu nhập từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng/1 sào.
Theo ông Trần Hữu Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Sở, huyện Hoài Đức cho biết: Bưởi bán tại vườn ở đây có giá khoảng 40.000-45.000 đồng/quả (loại 1), một sào sẽ cho thu nhập từ 45-50 triệu đồng. Trong xã, hộ trồng nhiều thường có 4-5 sào, trồng ít khoảng 1-2 sào. Trong đó có một số hộ gia đình trồng bưởi nổi tiếng như hộ gia đình ông Nguyễn Trí Kính ở thôn 8; ông Nguyễn Văn Lương, ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn 9… mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/sào.
Cùng với Yên Sở, Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cũng là miền đất trứ danh của quả bưởi ở đất Hà Thành. Nổi bật có HTX Bưởi đỏ Đông Cao đang lưu giữ giống bưởi đỏ quý hiếm từ những năm 50 của thế kỷ XX.
Bưởi đỏ Đông Cao rất lạ và đặc sắc, khi còn non thì có màu xanh, khi già quả có màu vàng, tới lúc chín sẽ chuyển sang một màu đỏ căng mịn trông rất đẹp mắt, tượng trưng cho Tài lộc - Thịnh vượng - May mắn. Bên trong quả bưởi, tép bưởi có màu hồng đào, vị chua nhẹ. Bưởi đỏ Đông Cao không chỉ đẹp về sắc, mà còn có hương thơm nồng nàn, thắm đượm quyến rũ đến nao lòng. Người dân xã Tráng Việt ví bưởi đỏ Đông Cao như "Quốc sản Việt Nam".
Ông Nguyễn Xuân Tình, thành viên HTX Bưởi đỏ Đông Cao cho hay: Với một vườn trồng 200 cây sẽ cho sản lượng trên dưới 15.000 quả, người trồng thu về 300 - 400 triệu đồng. Nếu tuân thủ khoa học kỹ thuật, thời tiết thuận lợi, thị trường không quá biến động, người trồng bưởi ở Đông Cao hoàn toàn tự tin làm giàu.
Có thể thấy, việc tập trung phát triển nông nghiệp, phát huy và khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân mà còn giúp hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Trồng khoa học, không tăng diện tích trồng
Mặc dù trái bưởi hàng năm vẫn được người dân trong thành và lái buôn đều phải đặt mua tại gốc, tại vườn. Một trong 4 loại trái cây cho người nông dân Hà Nội thu nhập cao nhưng gần như người dân Thủ đô không tăng diện tích cây trồng mà chỉ đầu tư công nghệ, phương pháp kỹ thuật tiên tiến tập chung chăm bón cây bằng phân hữu cơ để tăng năng suất, trẻ hóa cây, chất lượng quả to, ngon hơn.
Trước đây, bưởi chỉ được người dân canh tác nhỏ lẻ trong các khu vườn của gia đình. Nhưng những năm qua, với chủ trương của địa phương, sự dẫn dắt của HTX, người dân chuyển sang trồng tập trung, ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất hữu cơ giúp nâng cao giá trị.
Ông Trần Hữu Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Sở cho hay, mỗi hộ dân muốn tham gia HTX hoặc mô hình thâm canh bưởi của xã đều phải tuân thủ một quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Mỗi hộ phải có sổ tay ghi chép, theo dõi từ cách chăm bón cho đến khi cho ra thành phẩm. Phân bón chỉ dùng phân vi sinh hữu cơ HK, phun các loại thuốc có tiêu chuẩn an toàn theo quy định. Sau 7 ngày cách ly quả thì bưởi hoàn toàn sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, nhất là được sự quan tâm của Sở NN&PTNT Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức và xã Yên Sở, nên các gia đình thành viên HTX đã được hỗ trợ phân vi sinh, đậu tương và tham gia các lớp tập huấn trồng bưởi hữu cơ, nâng cao hiệu quả.
Ông Lương Văn Phương, Giám đốc HTX Bưởi đỏ Đông Cao cho biết, cây bưởi đỏ đã được trồng trên địa bàn thôn Đông Cao từ lâu, trở thành cây trồng đặc sản của địa phương; về chất lượng thời gian qua đã được người tiêu dùng đánh giá cao. Những cây bưởi ở đây được trồng theo mô hình VietGAP nên múi bưởi mọng nước, tép không nát, có vị ngọt tự nhiên, giá bán vì thế cũng cao hơn bưởi trồng đại trà.
Năm 2021, sản phẩm bưởi đỏ của HTX Bưởi đỏ Đông Cao đã được UBND TP.Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 100% sản phẩm của HTX đều được dán tem truy xuất nguồn gốc giúp người mua hàng có thể dùng điện thoại thông minh quét mã tra thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình trồng bưởi đỏ...
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, trong những năm qua, diện tích bưởi của Hà Nội không tăng nhiều về diện tích nhưng năng suất, sản lượng, chất lượng ngày một tăng. Các nhà vườn đã và đang đầu tư chuyên sâu theo hướng hữu cơ, VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu. Có thể khẳng định, bưởi vẫn là cây trồng thế mạnh của Hà Nội, mang đến ấm no, trù phú, đặc biệt là tạo vẻ đẹp đặc trưng mùa quả chín - mùa vàng cho các miền quê và được kỳ vọng là điểm du lịch trải nghiệm thú vị cho nhiều người...
Có thể thấy, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường khốc liệt, các sản phẩm ngoại tràn vào thị trường nội địa, sản xuất sạch, an toàn, chất lượng cao chính là “chìa khóa” để các vùng trồng bưởi ở Hà Nội duy trì sức hút. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ HTX, nông dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó liên tục nâng cao giá trị sản xuất.
Hà Nội: Tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề | |
Hà Nội thu ngân sách vượt dự toán, đẩy mạnh chuyển đổi số | |
Hà Nội kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát triển nguồn thu ngân sách |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại