Thứ bảy 21/09/2024 00:06
Gìn giữ văn hoá người Hà Nội từ hoạt động hoà giải ở cơ sở

Kỳ 1: Những câu chuyện hàn gắn tình cảm xúc động…

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hòa giải ở Việt Nam không chỉ là một phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, mà còn là nét văn hóa truyền thống, phản ánh tâm lý dân tộc, trở thành thuần phong mỹ tục bén rễ sâu trong đời sống của người Việt Nam qua thời gian.
LTS: Trong cuộc sống hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan điểm, nhận thức, lối sống, tính cách, kinh nghiệm… nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình, giữa cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều tất yếu, không thể tránh khỏi. Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để thì “chuyện bé xé ra to”, từ tranh chấp thuần tuý dân sự có thể bùng phát nghiêm trọng thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Xuất phát từ truyền thống văn hóa của dân tộc, cọi trọng tình cảm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái nên hòa giải ở cơ sở được hình thành từ rất sớm, là phương thức giải quyết mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp ở cộng đồng dân cư được củng cố và phát triển từ thời kỳ phong kiến đến ngày nay. Đây cũng là lý do, chuyên trang điện tử Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế & Đô thị có loạt bài hoà giải ở cơ sở qua góc nhìn văn hoá tại Hà Nội.
Kỳ 1: Những câu chuyện hàn gắn tình cảm xúc động…
Hoà giải viên Nguyễn Văn Toàn thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật từ sách, báo. Ảnh: N.P

Cựu chiến binh kể chuyện hoà giải

Vốn là bộ đội từng chiến đấu ở mặt trận Biên giới phía Bắc, tới năm 2012 về địa phương, ông Nguyễn Văn Toàn, SN 1960, tiếp tục công tác ở Hội Cựu chiến binh phường Minh Khai và tham gia công tác hòa giải. Sau đó, được Nhân dân tín nhiệm bầu ông làm Tổ trưởng tổ dân phố Nguyên Xá 1 từ năm 2015. Là địa bàn dân cư có 443 hộ dân với khoảng 1.370 nhân khẩu là người địa phương, gần 4.500 sinh viên, người lao động đến thuê trọ, người dân sống chủ yếu bằng việc cho thuê nhà trọ. Ông Toàn cho biết, mỗi khi có vụ việc va chạm phát sinh, nếu là người già thì cử thành viên cao tuổi đi hòa giải, nếu là cán bộ thì phân công thành viên của mặt trận, cựu chiến binh tham gia…

Một trong những câu chuyện ông nhớ như in là việc tranh chấp lối đi chung trong một con ngõ giữa nhà bà B và ông H. Cả ngõ có khoảng hơn chục gia đình, nhà bà B nằm phía ngoài gần đường cái chính. Còn nhà ông H nằm phía trong, do diện tích rộng nên ông xây liền một dãy nhà 5 tầng gồm 30 phòng trọ để cho thuê từ mấy năm nay. Thời gian gần đây, bà B phản ánh nhà ông H thường ném rác xuống trước cửa nhà bà B, dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn đâu vào đấy dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại. Tối đến, trong dãy nhà trọ của ông H còn tình trạng hát karaoke thâu đêm tới tận 1g hôm sau, gây mất trật tự và ảnh hưởng tiếng ồn đến bà con.

Thời điểm đó, con ngõ đi chung bị xuống cấp và cả ngõ kiến nghị chính quyền cần sửa sang lại rồi huy động thêm sự đóng góp của các gia đình. Khi bà B sang nhà đặt vấn đề như vậy, ông H cương quyết không chịu đóng. Ngày hôm sau, hai bên xảy ra mâu thuẫn, bà B cũng nhất quyết không cho nhà ông H đi qua ngõ chung qua nhà bà. Các con của ông H thậm chí còn dọa đánh cả bà B khiến tình hình trở nên khá căng thẳng.

Nhận được tin báo, ông Toàn đã cùng thành viên Tổ hòa giải đã đến gặp gỡ hai gia đình để tìm hiểu sự việc. Ban đầu, các bên nhất quyết không chịu ngồi lại với nhau. Phải mất đến vài lần, tổ hòa giải mới tiếp cận được. Gặp ông H, tổ hòa giải phân tích: Một khi đã sống cùng hàng xóm với nhau thì nên tôn trọng nhau, dĩ hòa vi quý. Việc ông H ném xuống rác trước cửa nhà bà B là hoàn toàn sai, ông phải để ở cửa nhà mình dưới tầng 1 hoặc ra hẳn ngoài đầu ngõ chỗ cột điện để nhân viên vệ sinh môi trường hàng sáng tới người ta đưa đi.

Hơn nữa, cả ngõ đều thống nhất ý kiến sẽ nâng cấp mặt ngõ đi chung cho cao hơn vì đã xuống cấp, huy động sự đóng góp xã hội hóa từ các gia đình cộng với kinh phí của nhà nước để tu sửa đường là việc làm đương nhiên. Ông H sống trong ngõ đó, đi chung con ngõ đó lại cộng thêm 30 phòng trọ cho thuê với gần 100 con người nữa thì việc đóng góp lại càng cần thiết. Nếu ông không đóng là tự cô lập mình trong một tập thể vốn đoàn kết từ trước đến nay.

Mặt khác, ông Toàn cũng phân tích và khuyên giải ông H nên yêu cầu các thành viên đến thuê trọ phải ra trụ sở phường khai báo tạm trú theo quy định. Ký cam kết giữ vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu phố. Tuyệt đối tránh tình trạng hát hò ầm ĩ từ tối đến quá 23g hàng ngày, không gây tiếng ồn trong ngõ xóm. Hàng tháng phải đóng đầy đủ phí vệ sinh môi trường, đóng tiền để lắp đèn chiếu sáng, chống trộm cắp. Sau rất nhiều nỗ lực hòa giải, sử dụng kết hợp cả tình và lý, gia đình ông H và bà B đã thống nhất thực hiện theo phương án mà tổ hòa giải đưa ra. Từ đó đến nay, mâu thuẫn giữa hai gia đình đã được tháo nút thắt và chung sống hòa thuận.

Hoà giải viên giàu kinh nghiệm

Là thành viên cao tuổi nhất của tổ hòa giải Hồng Ngự, hòa giải viên Đặng Khắc Kiêm có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp xúc, tìm hiểu nguyên do và cách giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Có những vụ việc, vợ chồng cãi nhau nảy lửa và đứng trước bờ vực ly hôn, nhưng khi sự việc đến tai của tổ hòa giải thì lập tức, sự việc được giải quyết một cách êm thấm.

Tuy nhiên, để có thể hòa giải thành công thì không ít lần, chính thành viên của tổ hòa giải phải bền bỉ thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Nếu chỉ vì sĩ diện hoặc cái tôi của mình thì không thể hòa giải nổi. Trò chuyện với chúng tôi, ông Kiêm kể về trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Văn P và chị Trần Hồng D để thấy rằng, công việc hòa giải nói dễ thì rất dễ nhưng nghĩ khó thì nó sẽ là khó.

Kỳ 1: Những câu chuyện hàn gắn tình cảm xúc động…

Hòa giải viên Đặng Khắc Kiêm, tổ hòa giải tổ dân phố Hồng Ngự, phường Thụy Phương dù tuổi cao nhưng vẫn luôn hết mình với công tác hòa giải. Ảnh: N.P

Chị D vốn là cô giáo dạy trẻ mầm non ở một cơ sở tư thục, còn anh P thì "chạy" xe ôm hàng ngày. Hai vợ chồng ở riêng và có một gian nhà trọ cho thuê, đây cũng là một nguồn thu hàng tháng tuy nhỏ nhưng cũng giúp cho gia đình anh P có thể trang trải thêm cho cuộc sống.

Một lần, trong lúc đi làm anh P lại nghe một người bạn nói rằng, vợ anh sao đợt này hay đi làm về muộn, hay là lại có bồ. Thế rồi, câu nói nửa đùa nửa thật ấy lại khiến cho anh P có suy nghĩ rằng, nhỡ đâu vợ mình có bồ thật. Ngay hôm đó, về tới nhà anh đã tra hỏi vợ xem có đúng là như thế hay không.

Chị D lập tức phủ nhận, nhưng với bản tính hay ghen nên nhiều ngày sau đó, anh P vin vào cớ đó để chửi mắng, nhiếc móc vợ hay về muộn mà lương tháng không được bao nhiêu. Dù vợ có giải thích thế nào anh cũng không chịu lắng nghe. Đỉnh điểm của mâu thuẫn cho tới một ngày, mẹ của chị D lâm bệnh qua đời. Do bà cụ không có con trai, sợ không có ai hương khói nên chị D đã mang theo di ảnh của mẹ mình về thờ tại bàn thờ gia tiên ở nhà chồng. Biết chuyện, anh P không đồng ý và còn đánh chửi vợ mình thậm tệ, muốn ly hôn với vợ.

Sự việc ầm ĩ khiến hàng xóm láng giềng cũng không được yên giấc cho tới tận đêm khuya. Biết chuyện, tổ hòa giải của ông Kiêm đã lên phương án tháo gỡ cho trường hợp này. Một mặt, khi gặp anh P, ông phân tích rằng, dù vợ chồng có mâu thuẫn gì đi chăng nữa thì cũng cần phải bình tĩnh ngồi lại với nhau trao đổi, chia sẻ để tìm cách giải quyết.

Nếu anh nghi ngờ vợ có bồ thì có bằng chứng nào không hay chỉ nghe người này người kia nói thôi? Là giáo viên mầm non vốn rất vất vả vì phải đi sớm về tối, phục vụ các cháu học sinh, rồi vệ sinh lớp học tới tận tối mới về âu cũng là lẽ thường và ai cũng biết. Nếu anh chỉ vì lời nói bóng gió mà ghen tuông thì liệu có đáng.

Ông Kiêm cũng cho rằng, việc chị D đưa di ảnh của mẹ mình về thờ tại bàn thờ gia tiên nhà mình cũng là điều không nên. Đành rằng nghĩa tử là nghĩa tận, con cái muốn tận hiếu với cha mẹ mình dù còn sống hay đã mất, nếu chị bàn với chồng để thống nhất lập hẳn một bàn thờ riêng thì sẽ tốt hơn. Nếu cả hai vẫn nhất quyết đòi ly hôn thì chi bằng tạm thời cả hai hãy ly thân một thời gian để bình tĩnh suy nghĩ lại. Quả nhiên, chưa đầy 20 ngày sau, anh P đã chủ động rút đơn và làm lành với vợ để tiếp tục cuộc sống gia đình hạnh phúc như trước đây.

Hiện, TP Hà Nội có 3.001/4.994 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”, đây là một trong những mô hình hay, nổi bật trên địa bàn sau 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

(Còn nữa)

Nhật Nam - Nguyễn Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động