Thứ bảy 20/04/2024 07:19

Người gác bình yên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đêm đến, mỗi lần tiếng chuông reng reng báo hiệu có đoàn tàu đến là những công nhân gác chắn đường tàu lại hối hả bước vào công việc. Mỗi người một nhiệm vụ, người nhanh chóng xách đèn đứng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho người dân đi qua, người ra hiệu cho các phương tiện giao thông dừng lại,… Mỗi lần có đoàn tàu đến là gương mặt họ lại trở nên căng thẳng bởi cần sự tập trung hết mình vào công việc, chỉ một chút lơ là cũng khiến cho người dân gặp nguy hiểm.
Công nhân gác tàu miệt mài với công việc
Công nhân gác tàu miệt mài với công việc.

Công việc gác chắn đường tàu tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất vất vả. Mỗi ca trực của họ khoảng 12 tiếng, sau đó sẽ được nghỉ 24 tiếng, rồi lại tiếp tục công việc của mình. Không làm chuyên ca ngày hay ca đêm nên nhịp sinh học của họ cũng bị ảnh hưởng. Họ còn phải luôn giữ tinh thần tỉnh táo, không được chợp mắt dù chỉ là vài phút ngắn ngủi, cũng không có ngày lễ hay chủ nhật vì đặc thù công việc.

Đặc biệt, tất cả nhân viên gác tàu đều tuyệt đối không được uống rượu, bia trước và trong ca trực để tránh những sai sót trong công việc. Đó là chưa kể những ngày thời tiết “khó chịu”, nóng nực về mùa hè, lạnh buốt về mùa đông, người người được ngủ ngon trong máy lạnh hay chăn ấm thì họ vẫn miệt mài đứng dưới trời để gác bình yên.

Chị Nguyễn Thị Dung - công nhân gác tàu tại trạm gác chắn tàu giữa đường Giải Phóng và phố Nguyễn Hữu Thọ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) chia sẻ, ca đêm, chị và đồng nghiệp thường đón khoảng 20 lượt tàu, mỗi giờ có khoảng 1 - 2 lượt. Công việc đòi hỏi người gác chắn phải tập trung cao độ để đảm bảo an toàn. Mới làm, công nhân gác chắn thường cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi nhưng sau dần cũng thành quen. Nhiều nữ công nhân gác chắn gặp khó khăn vì làm việc ban đêm trong khi còn con nhỏ. Gia đình khi đó lại trở thành điểm tựa để các chị em tiếp tục gắn bó với nghề.

Áp lực lớn với những công nhân gác chắn có lẽ là thái độ tiêu cực của nhiều người đi đường. Họ làm công việc đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông nên nguyên tắc làm việc bất di bất dịch, nói không với chế độ “ưu tiên” cho bất cứ ai. Thế nhưng, vẫn có nhiều người không hiểu, quay sang chỉ trích, mắng mỏ công nhân gác chắn đường tàu không thương tiếc. Những lúc đó, dù có chạnh lòng nhưng điều mà những người gác tàu quan tâm nhất vẫn là sự an toàn của người dân.

Đi qua những con đường, có thể âm thanh của tiếng chuông báo hiệu đoàn tàu đến dễ khiến chúng ta cảm thấy khó chịu vì phải chờ đợi. Nhưng, lúc đó, chúng ta hãy nghĩ đến những người vẫn đang cần mẫn gắc chắn đường tàu với mong muốn không một ai gặp bất trắc. Và biết đâu, chúng ta sẽ thêm yêu tiếng chuông reng reng báo hiệu tàu về, nhân lên ý thức chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, cũng như càng thêm trân trọng những người gác bình yên trong đêm.

Để những góc phố bình yên
Phút bình yên của người lính lửa bên nồi bánh chưng cuối năm
Hà Nội - mùa hoa bình yên
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động