Thứ ba 15/10/2024 23:40

Người đàn ông đánh mất tất cả bởi ham chơi bời vô lối

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đang yên ổn với gia đình ấm êm, hạnh phúc và công danh sự nghiệp trên đà phát triển thì Đào Văn Hiệu, SN 1978, trú tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc lại vướng vào thói chơi bời, buông thả, không biết đến ngày mai… đã dẫn dắt Hiệu từ sai lầm này đến sai lầm khác. Hậu quả của việc không biết điểm dừng là Hiệu đi lừa người lấy tiền ăn tiêu để rồi phải trả giá bằng bản án 13 năm tù giam.
Các phạm nhân trại giam Vĩnh Quang đang lao động cải tạo ở đội đan đồ mỹ nghệ
Các phạm nhân trại giam Vĩnh Quang đang lao động cải tạo ở đội đan đồ mỹ nghệ

Giá đắt

Theo tài liệu điều tra, do cần tiền tiêu xài cá nhân nên trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2016, Hiệu đưa thông tin gian dối rằng có nhiều mối quan hệ, quen biết, có khả năng lo chạy điểm trúng tuyển vào các trường học của ngành CA. Thậm chí các mối quan hệ của Hiệu còn có thể lo chạy huỷ bản án cho những người có nhu cầu. Chưa có dịp kiểm chứng mối quan hệ của Hiệu nhưng thời điểm ấy, vị trí công tác của anh ta khiến nhiều người lầm tưởng về khả năng của Hiệu, đưa tiền cho anh ta nhờ lo giúp.

Cụ thể: Hiệu đã cầm của bà Lê Thị T, số tiền 541 triệu đồng với lời hứa lo cho con gái bà T. đỗ vào Học viện An ninh nhân dân nhưng thực chất Hiệu không lo gì cả mà dùng số tiền này tiêu xài cá nhân. Khi thấy con mình không đỗ Học viện An ninh, bà T đã nhiều lần tìm Hiệu để đòi tiền nhưng Hiệu tìm cách khất lần và viết giấy ghi nợ. Ngày 24/4/2017, bà T đã làm đơn trình báo CQCA. Đến ngày 6/2/2018, Hiệu mới lo trả được cho bà T số tiền 271 triệu còn lại không có khả năng thanh toán.

Ngoài ra, Hiệu còn cầm của 2 bị hại khác số tiền 770 triệu đồng để lo huỷ bản án cho người thân và hứa đến đầu năm 2017 sẽ có kết quả huỷ bản án. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền xong, Hiệu không làm bất cứ điều gì tác động đến việc chạy án mà sử dụng số tiền của hai người này vào mục đích chi tiêu cá nhân. Sau khi bị các nạn nhân làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng, Hiệu đã trả cho họ 100 triệu đồng, còn nợ gần 700 triệu đồng chưa trả được.

Theo tài liệu điều tra, tổng số tiền mà Hiệu còn nợ của ba bị hại là gần 1 tỷ đồng. Hành vi trên cuả Đào Văn Hiệu đã bị TAND TP Hà Nội xét xử vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tuyên phạt mức án 13 năm tù giam.

Về trại giam Vĩnh Quang ( Bộ Công an) chấp hành án phạt tù, Đào Văn Hiệu cải tạo lao động ở đội trực sinh, phân trại số 2.

Quyết tâm làm lại cuộc đời

Cải tạo ở đội trực sinh, công việc của Hiệu là cùng anh em phạm nhân trong đội quyét dọn, làm vệ sinh, cắt tỉa cây cảnh trong khuôn viên phân trại. Công việc không nặng nề nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, chăm chỉ và ngăn nắp. Hiệu bảo làm công việc này, trông thì có vẻ đơn giản nhưng để ở một nơi đông người như trại giam thì những công việc dọn dẹp, làm vệ sinh đều không thể qua loa, đại khái được vì chỉ cần cẩu thả một ngày thôi là rất dễ nảy sinh bệnh tật, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của cán bộ và các phạm nhân trong phân trại.

Nói về cuộc sống của mình, Hiệu cho biết anh ta từng có tất cả nhưng chỉ vì chạy theo sống buông thả mà không biết quý trọng những thứ đang có nên Hiệu đã đánh mất tất cả. “Tôi chỉ biết nói rằng rất ân hận và nuối tiếc. Giờ thì chỉ biết cố gắng cải tạo để sửa chữa sai lầm thôi”, Hiệu chia sẻ.

Nhận xét về nam phạm nhân này, trung tá Lê Thị Huyền, đội trưởng đội giáo dục – hồ sơ trại giam Vĩnh Quang cho biết: “Hiệu là phạm nhân có trình độ văn hoá, có kiến thức và có hiểu biết về pháp luật, chỉ vì không biết giữ mình mà phạm tội. Ở trong trại, anh ta luôn chấp hành nội qui và hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc giúp các phạm nhân khác cùng tiến bộ”.

Theo trung tá Huyền, trong Hội thi “văn hoá giao tiếp, ứng xử” do trại giam Vĩnh Quang tổ chức đợt vừa qua, bài dự thi của Hiệu nằm trong số 2 bài viết hay, xúc tích và đủ ý.

“Trong phần thi viết, yêu cầu đặt ra là phải trình bày sự hiểu biết, nhận thức và suy nghĩ của mình về các chuẩn mực, giá trị của nếp sống, giao tiếp ứng xử có văn hoá trong quá trình chấp hành án của phạm nhân; liên hệ những câu chuyện, những tình huống xảy ra trong học tập, sinh hoạt, lao động cải tạo,… Bài thi của phạm nhân Hiệu kể về một trường hợp phạm nhân bị đau mắt đi BV về được anh em phạm nhân cùng buồng giam thăm hỏi, động viên và chia sẻ vật chất hết sức cảm động và thực tế”, nữ đội trưởng giáo dục – hồ sơ cho biết.

Hiệu bày tỏ sự xúc động của mình, trong bài viết: “Thật không ngờ rằng môi trường của chúng tôi đang phải chịu sự trừng phạt của pháp luật lại vẫn có những việc tốt. Phải chăng đó là tình yêu thương đồng loại, là những giá trị văn hoá dân tộc mà bất kể ai dù có tội lỗi như chúng tôi cũng không vì thế mà đánh mất”.

Cuối bài dự thi, Hiệu nhắn nhủ: “trại giam là nơi để phạm nhân có cơ hội để rèn luyện, sửa chữa để hoàn thiện bản thân nên mỗi chúng ta hãy có chí hướng phấn đấu vươn lên trong lao động cải tạo, có ý thức tự giác, tích cực thực hiện 10 điều nếp sống văn hoá, kỷ luật, trật tự văn minh trong trại giam. Phạm nhân chúng ta cần phải tuân thủ chấp hành nếp sống, sinh hoạt và các hoạt động ngoại khoá mà Ban giám hiệu và Hội đồng cán bộ yêu cầu đề ra. Chúng ta hãy phấn đấu đạt danh hiệu phạm nhân văn hoá tiêu biểu trong học tập, lao động cải tạo để cùng giúp đỡ nhau hướng thiện, hoàn lương, sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình, người thân và cộng đồng”.

Chắc hẳn lời nhắn nhủ cũng là quyết tâm của Hiệu trên bước đường cải tạo với mong ước sớm quay về với cuộc sống đời thường.

Nhói lòng lời tâm sự của một người cha có con mang trọng tội
Tự sự của người đàn ông đi tù vì “Lừa đảo”
Nữ phạm nhân coi tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ thứ hai của mình
Nguyễn Vũ - Hà My
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động