Người đàn ông bị chém lìa tay: Dấu hiệu rõ ràng của tội cố ý gây thương tích
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ việc người đàn ông bị chém lìa cánh tay. Ảnh từ clip |
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện clip quay lại cảnh một nhóm người cầm hung khí truy sát một người đàn ông cầm xẻng. Hậu quả người đàn ông cầm xẻng bị chém đứt lìa cánh tay.
Sự việc xảy ra vào khoảng 17h30 ngày 3/4, tại ngõ 97, đường Hoa Thám, thôn Độc Lập, xã La Phù, huyện Hoài Đức. Theo clip, vào khoảng thời gian trên, một nhóm khoảng 4 người ăn mặc kín mít, cầm theo vật giống dao đến địa điểm trên và xô xát với một người đàn ông khác cầm xẻng.
Khi người đàn ông cầm xẻng lùi lại và bị ngã, 4 người trong nhóm còn lại xông vào chém tới tấp khiến nạn nhân bị đứt lìa cánh tay. Sau đó, nhóm 4 người nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Còn nạn nhân được những người xung quanh đưa đi cấp cứu.
Ông Nguyễn Hữu Khoa - Chủ tịch UBND xã La Phù đã xác nhận sự việc trên và cho biết, người bị chém lìa tay là ông N.H.M., trú tại thôn Độc Lập, xã La Phù.
Trong khi đó, bà N.T.H., vợ ông M. cho biết, ông M. đang được điều trị tại Bệnh viện 108. Các bác sĩ đã tiến hành nối cánh tay cho ông M., tuy nhiên, cơ hội để tay hoạt động lại bình thường chỉ khoảng 15 đến 30%.
Bà H. cũng cho hay, trước đó vào đêm 2/4, đã có khoảng 20 đối tượng cầm theo hung khí đi trên nhiều xe máy đến đập cửa tìm chồng mình. Thấy vậy, bà H., khóa trái cửa không cho chồng ra ngoài nên các đối tượng đã rời đi. Đến chiều ngày hôm sau, các đối tượng lại tìm đến và xảy ra sự việc.
"Tôi mong cơ quan chức năng nhanh chóng bắt được các đối tượng và xử lý nghiêm hành vi chém lìa cánh tay của chồng tôi" - bà H. nói.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng là cực kỳ mạnh động, côn đồ, liều lĩnh, cố ý thực hiện tội phạm tới cùng.
Hành vi này gây ảnh hướng xấu tới dư luận xã hội, gây mất an ninh trật tự, khiến nhiều người dân hoang mang và bức xúc, vì vậy cơ quan chức năng có thể sớm khởi tố vụ án để điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
CQĐT sẽ khám nghiệm hiện trường, giám định thương tích nạn nhân, lấy lời khai của những người làm chứng và người liên quan, trích xuất camera tại hiện trường, thu thập vật chứng… để củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng.
Theo luật sư Nguyên, pháp luật quy định hành vi đánh nhau nơi công cộng, cố ý xâm phạm sức khỏe và tính mạng của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi này tùy tính chất, mức độ và hậu quả sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định. Với tính chất vụ việc trên các đối tượng chắc chắn khó thoát trách nhiệm hình sự và phải bồi thường dân sự cho nạn nhân.
“Theo diễn biến của camera an ninh quay lại và hậu quả thương tích của nạn nhân cho thấy rõ hành vi này là hành vi cố ý gây thương tích. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134, BLHS năm 2015. Nếu tỷ lệ thương tích của nạn nhân càng cao, hình phạt đối với các đối tượng sẽ càng nặng” - luật sư Nguyên nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo vị luật sư, trong vụ việc này, đối tượng cầm đầu sẽ chịu trách nhiệm chính và các đối tượng khác là đồng phạm giúp sức đều bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích”.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường do đã xâm phạm sức khỏe của nạn nhân theo quy định tại Điều 590, BLDS năm 2015.
Theo quy định hiện hành, nếu thương tật từ 61% trở lên, các nghi phạm sẽ bị xử lý theo điểm d khoản 4 Điều 134, BLHS năm 2015 với mức phạt tù 7 - 14 năm tù. Còn nếu kết quả giám định thương tật của nạn nhân trong khoảng 31 - 60%, nghi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 Điều 134, BLHS 2015 có mức phạt tù 5 - 10 năm tù.
Luật sư cho rằng, CQCA nên nhanh chóng khởi tố vụ án và truy bắt các đối tượng để xử lý. Đối với tội danh này, mức độ thương tật của nạn nhân sẽ là yếu tố quan trọng quyết định tình tiết định khung đối với các nghi phạm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại