Người dân hồ hởi khi nhà hàng, dịch vụ ăn uống tại chỗ được hoạt động
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội mở cửa các cửa hàng ăn uống tại chỗ từ 14 - 10. |
Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ký ban hành công điện số 21/CĐ-UBND về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Áp dụng từ 6g ngày 14 – 10.
Trong công điện, lãnh đạo thành phố đã đồng ý để các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn; các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách với số lượng không quá 10 người/đoàn; các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú cũng được hoạt động trở lại không quá 50% công suất…
Đáng chú ý, Hà Nội đồng ý để các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi… Thông tin này khiến nhiều người dân rất vui vẻ.
Chị N.H.G (Đống Đa) cho biết, 14 – 10 là đúng 1 năm kỷ niệm ngày cưới của chị. Vốn ban đầu hai vợ chồng định tổ chức ở nhà, nhưng nghe thông tin thành phố cho mở lại các cửa hàng, dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ, chị liền chuyển phương án và lên mạng kiếm tìm nhà hàng.
“Em không ngại việc nấu ăn, thậm chí còn khá tự tin vào tay nghề nấu nướng của mình. Nhưng quả thực việc đổi không khí bằng một bữa ăn nhẹ nhàng với không gian lãng mạn ở một nhà hàng nào đó cũng không phải là điều xấu. Bởi em cho rằng, việc ăn ở nhà hàng sẽ tránh được việc mất nhiều thời gian vào việc nấu nướng, bọn em có thêm thời gian để dành cho những hoạt động lãng mạn khác"– chị G nói. Chị vui vẻ nói đùa: “Bạn bè em trêu việc mở cửa hàng ăn đúng ngày cưới là khiến niềm vui của bọn em được nhân đôi.”
Còn chị T.T.H (Bắc Từ Liêm) cho biết, ngay ngày 14 – 10 chắc chị sẽ vẫn mang theo đồ ăn như mọi lần. Bởi chị cho rằng, ngay sau khi có quyết định, các hàng ăn cũng sẽ cần thời gian để chuẩn bị cả thực phẩm lẫn nhân sự. “Ngày đầu tiên mở cửa cũng có thể số lượng người ăn sẽ rất đông thế nên có lẽ một hai ngày nữa tôi sẽ đến nhà hàng yêu thích để cảm nhận lại cái không khí ồn ào đã vài tháng nay không có.” – chị H. nói.
Theo chị, việc ăn bên ngoài không hẳn là thói quen, nhưng nó là một hoạt động hầu hết các nhân viên văn phòng như chị thực hiện mỗi khi có dịp. Việc ăn ở các nhà hàng, quán ăn chưa hẳn là bởi món ăn ở đó ngon hơn, vừa miệng hơn ở nhà, mà nó là không khí, là nơi để thoải mái, vui vẻ với bạn bè. Cũng đôi khi, nó là những khoảng thời gian chị tự chiều chuộng bản thân mình ngoài thời gian dành cho chồng, con và bếp núc.
Cảm thán trên facebook, anh V.T.T (Hai Bà Trưng) chỉ viết đúng một câu: “Sáng mai ngồi ăn phở nói gì cho ngầu nhỉ”. Bởi cái cảm giác được ngồi ở một góc quán quen, thưởng thức bát phở nóng hổi với chút tương ớt, vài giọt chanh là cái thú của rất nhiều người Hà Nội. Mặc dù Hà Nội đã cho mở cửa hàng bán mang về, nhưng cái cảm giác được ngồi tại chỗ nhìn chủ cửa hàng tay thoăn thoắt thái thịt, nước dùng bốc hơi nghi ngút, nóng rẫy vẫn luôn hấp dẫn.
Và có lẽ, vui mừng nhất vẫn là các doanh nghiệp, chủ cửa hàng ăn uống. Anh H.N.H, chủ một cửa hàng mỳ vằn thắn trên đường Trần Nhật Duật cho biết, thông tin đó gia đình anh đã chờ từ khá lâu rồi. “Mặc dù Hà Nội cho bán hàng mang về, lượng thực khách quen của quán vẫn duy trì mặc dù thêm tiền ship. Thậm chí có nhiều khách đi qua cửa hàng, dừng xe chạy vội vào mua mỳ rồi đem ra xe ngồi xì xụp ăn uống, những khi ấy tôi thấy thương khách…
Việc Thành phố cho mở cửa phục vụ khách tại chỗ giải quyết không chỉ niềm vui ăn, uống của thực khách, mà nó còn là mệnh đề để những hộ kinh doanh như gia đình tôi tiếp tục ổn định kinh tế. Hơn nữa, việc mở cửa nhiều dịch vụ, hàng quán còn thể hiện một điều, Hà Nội đã và đang ứng phó rất tốt với dịch Covid-19, tiếp tục mở cửa trong trạng thái bình thường mới cũng là Hà Nội mở cửa hy vọng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh chúng tôi.”
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại