Thứ sáu 08/11/2024 16:23
Nới lỏng một số dịch vụ, biện pháp phòng dịch:

Người dân Hà Nội chưa nên đi siêu thị để ăn uống, vui chơi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong mấy ngày gần đây, Hà Nội đã bắt đầu nới lỏng các dịch vụ không thiết yếu như cho phép hoạt động trở lại quán ăn, dịch vụ cắt tóc, gội đầu, dịch vụ ăn uống trong nhà... Tuy nhiên, chuyên gia dịch tễ cảnh báo: Hà Nội vẫn còn nguy cơ dịch xâm nhập từ các tỉnh, TP xung quanh. Vì thế, người dân không nên có tâm lý chủ quan; chỉ đi siêu thị khi thật cần thiết, không đến để chơi bời, ăn uống.

Trong các ngày 22 và 26-6, Hà Nội đã nới lỏng một số biện pháp trong phòng dịch Covid-19 như: Từ 0g ngày 22-6, UBND TP cho phép mở cửa trở lại: dịch vụ cắt tóc, gội đầu, dịch vụ ăn, uống trong nhà; từ 0g ngày 26-6 Hà Nội cho phép hoạt động trở lại sân gofl, sân tập gofl, hoạt động thể dục ngoài trời như ở vườn hoa, công viên...

Kèm theo việc nới lỏng đó, TP Hà Nội cũng yêu cầu các quán ăn đảm bảo: khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21g hàng ngày (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về); các điểm tập thể dục không tập trung quá 20 người/khu vực.

TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp khuyến cáo: Hà Nội dù trở về trạng thái bình thường mới, cho mở lại một số dịch vụ để duy trì mục tiêu kép nhưng người dân không vì thế mà chủ quan bởi “nguy cơ dịch vẫn rất cao”. Các tỉnh xung quanh dịch vẫn còn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Mỗi ngày vẫn có những chuyến bay từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam và ngược lại, Bắc Giang, Bắc Ninh dịch cũng chưa hết hẳn.

“Ngay cả nội đô Hà Nội cũng chưa ai dám khẳng định đã hết các ca nhiễm cộng đồng chưa. Như tôi từng nói có thể vẫn còn ca bệnh lẩn khuất. Vì thế dù đã nới lỏng nhưng Hà Nội cũng có những quy định rất cụ thể: Giảm mật độ người tập trung trong các quán (không quá 20 người), các bàn ăn có vách ngăn, 21h đóng cửa, tập thể thao ngoài trời cũng không quá 20 người… Người dân nên tuân thủ những quy định này”, TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Nới lỏng một số dịch vụ, biện pháp  phòng dịch: Người dân Hà Nội không nên đi siêu thị để ăn uống, vui chơi
Người dân không nên vào siêu thị để ăn uống, vui chơi mà chỉ đi khi thực sự cần thiết (ảnh minh họa)

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý, ngay cả siêu thị cũng nên áp dụng quy định (khử khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo y tế và hạn chế lượt người vào). Người dân chỉ đi siêu thị khi thật cần thiết- mua thực phẩm thiết yếu mà không nên “lượn lờ, chơi bời” như ngày xưa nữa. “Ngày xưa nhiều người đi siêu thị là lượn lờ, chơi bời, ăn uống trong các quầy bán ngay trong không gian siêu thị… Nhưng bây giờ, dịch vẫn có những diễn biến phức tạp việc hạn chế đông người, môi trường kín, không đeo khẩu trang đều nguy cơ lây nhiễm rất cao”.

TS. Trần Đắc Phu nêu, chúng ta thường hay bị tình trạng chủ quan khi trở về bình thường mới, nên thường lơi lỏng các biện pháp phòng dịch. Nhưng trên thực tế, nếu cứ tuân thủ đúng 5K sẽ cắt bớt chuỗi lây nhiễm. Dẫn chứng điều này ở ổ dịch Đông Anh, BV Đức Giang dù mất dấu F0 nhưng cũng chỉ xác định một vài F1 là hết. Hoặc ca từ TP Hồ Chí Minh lây từ chuỗi tôn giáo về bệnh nhân tự cách ly tại nhà, áp dụng các biện pháp phòng dịch thì cũng chỉ xác định được vài ca F1. Do đó, ý thức của người dân vô cùng quan trọng. Việc tuân thủ các khuyến cáo 5K trong phòng chống dịch của người dân sẽ vừa nhằm bảo vệ chính bản thân, gia đình vừa bảo vệ cộng đồng.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động