e magazine
13:51 | 11/11/2021
"Không phải sống chung với dịch là buông xuôi, thả lỏng"

13:51 | 11/11/2021

Chúng ta đã chấp nhận F0 trong cộng đồng thì sẽ có ca bệnh. Nhưng nếu số ca nhiều quá thì cũng thực sự đáng lo ngại vì khi số ca đã nhiều thì số ca nặng sẽ tăng lên, sẽ có tử vong.

"Không phải sống chung với dịch là buông xuôi, thả lỏng"

Sau một thời gian số ca mắc Covid-19 trên cả nước nói riêng và tại Hà Nội nói chung có dấu hiệu chững thì những ngày gần đây đã có sự gia tăng trở lại. Đặc biệt là xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng không rõ nguồn lây, có tốc độ lây lan nhanh một phần do người bệnh có hành trình đi lại, tiếp xúc phức tạp.

Trước diễn biến này, nhiều vấn đề đặt ra về cách hiểu “chung sống an toàn” với dịch cũng như ý thức của cộng đồng để góp phần đảm bảo an toàn trong phòng dịch. PV PL&XH đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế để làm rõ hơn về những vấn đề này.

“Số ca nhiễm quá nhiều cũng thực sự đáng lo ngại”

- Hiện nay nhiều người hiểu khái niệm “chung sống” với Covid-19 theo nhiều cách khác nhau, vậy PGS cho biết theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về “chung sống an toàn, thích ứng linh hoạt” với đại dịch thì “chung sống an toàn” là như thế nào?

- Trước chủng Delta lây lan nhanh nhưng Chính phủ đặt ra mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả mà vẫn phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội thì quan điểm chống dịch không thể “Zero F0”, chấp nhận có Covid-19 ở tại cộng đồng. Tuy nhiên vẫn phải thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả, làm sao để không có số người mắc nhiều-đặc biệt là giảm số người mắc nặng, giảm ca tử vong, không bị “vỡ trận” hệ thống y tế. Như vậy chúng ta vẫn kiểm soát được dịch hiệu quả mà vẫn phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả. Không phải sống chung với dịch là buông xuôi, là thả lỏng.

Trên tinh thần đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 mấu chốt là phải đánh giá được nguy cơ và đưa ra những đáp ứng một cách phù hợp theo từng cấp độ dịch. Cấp độ dịch đó phải đánh giá được nguy cơ từ cấp xã, thậm chí nhỏ hơn cả cấp độ xã. Có 4 cấp độ dịch tương ứng với nó là các các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo số mắc/100.000 dân trong vòng 2 tuần không lớn quá tránh gây quá tải hệ thống y tế; phải tiêm chủng được cho người trên 18 tuổi tỉ lệ cao, trong đó chú ý tiêm chủng cho người trên 50 tuổi, người già; đảm bảo phủ kín giường bệnh, cơ sở điều trị để người phải can thiệp được vào điều trị, bao gồm: Giường từ tuyến cơ sở cũng như hồi sức tích cực (ICU) đảm bảo tư vấn, điều trị không để bệnh chuyển nặng, không để tử vong.

Sống chung với Covid-19 là chấp nhận có ca bệnh nhưng không được buông xuôi, không được thả lỏng, vẫn phải đảm bảo an toàn.

- Như PGS vừa nói, một trong các tiêu chí để chung sống an toàn với dịch là tiêm vắc-xin phòng Covid-19, với các địa phương được tiêm vắc-xin với số lượng lớn (trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam) thì người dân có tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng tiêm rồi có mắc cũng chỉ bị nhẹ chứ ông nhận định như thế nào về điều này?

- Quan điểm cho rằng người tiêm vắc-xin rồi có thể không bị nhiễm Covid-19 là không đúng hoàn toàn vì thời gian qua có những ổ dịch có tới 50% người tiêm rồi vẫn nhiễm; ở miền Nam thống kê 80% bệnh nhân tiêm rồi vẫn nhiễm. Thống kê trên thế giới cũng như tại Việt Nam cho thấy người tiêm vắc-xin rồi cũng có nặng, cũng có tử vong nhưng ít hơn nhiều so với người chưa tiêm vắc-xin.

Bên cạnh đó, người tiêm rồi vẫn có thể nhiễm virus rồi lây cho người khác. Nguy hiểm hơn là khi lây cho người già, người có bệnh nền, trẻ em chưa được tiêm chủng. Đặc biệt lây cho những người ở vùng tiêm chủng thấp sẽ dẫn đến bùng phát ở khu vực đó. Điển hình như vừa qua ở các tỉnh miền Tây, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên bùng phát do những người trở về từ vùng dịch đã tiêm chủng rồi nhưng lại lây lan cho người dân ở vùng chưa tiêm.

Tiêm rồi thì chỉ là làm cho không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ khi nhiễm, không chuyển biến nặng, không gây quá tải hệ thống y tế và hạn chế tử vong. Tuy nhiên, nguy hiểm là có thể lây lan cho những người khác, ở vùng khác chưa được tiêm vắc-xin. Vì thế, tôi khuyến cáo người dân không được dựa vào tiêm vắc-xin rồi mà buông xuôi, thả lỏng, gây ảnh hưởng tới gia đình, cộng đồng, đặc biệt lây cho những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp dẫn đến dịch bùng lên.

“Số ca nhiễm quá nhiều cũng thực sự đáng lo ngại”

PGS-TS. Trần Đắc Phu: Người dân không dựa vào tiêm vắc-xin rồi mà buông xuôi, thả lỏng, gây ảnh hưởng tới gia đình, cộng đồng đặc biệt lây cho những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp dẫn đến dịch bùng lên

Số ca bệnh mỗi ngày nhiều hơn cả thời điểm giãn cách

- Trái ngược với tâm lý chủ quan thì ở những vùng có tỉ lệ tiêm vắc-xin cao (như Hà Nội) lại có nhiều người lo lắng, hoang mang khi xuất hiện trở lại các chùm ca bệnh trong cộng đồng không rõ nguồn lây, vậy điều này có cần thiết không thưa PGS?

- Người dân không nên lo lắng thái quá vì chúng ta đã chấp nhận F0 trong cộng đồng thì sẽ có ca bệnh như vậy, nhưng nếu số ca nhiều quá thì cũng thực sự đáng lo ngại vì khi số ca đã nhiều thì chắc chắn số ca nặng sẽ tăng lên, sẽ có tử vong. Nhiều ca bệnh quá thì có thể bị quá tải hệ thống y tế-đặc biệt như Hà Nội có những người chưa tiêm vắc-xin như trẻ em, người nhập cư tới làm ăn…

Tuy nhiên, lo lắng là một chuyện nhưng vấn đề thực hiện phòng bệnh là quan trọng. Chúng ta cứ lo mà không hành động thì không mang lại kết quả gì. Ví dụ trước tiên chúng ta vẫn phải thực hiện tốt 5K để không nhiễm. Không nhiễm bệnh thì sẽ không lây cho người khác.

Đặc biệt lưu ý những người từ vùng dịch về phải thực hiện đầy đủ 5K. Quy định của chính quyền yêu cầu theo dõi sức khỏe tại nhà, cách ly tại nhà thì phải ở trong nhà chứ không phải đi ra ngoài cộng đồng. Nếu anh không thực hiện thì lây cho chính người nhà, lây ra cộng đồng. Vừa qua nhiều ổ dịch của Hà Nội đều xuất phát từ người đi về từ miền Nam, từ các tỉnh có dịch.

- Thời gian này các ca bệnh trong cộng đồng tại Hà Nội có quá trình di chuyển, tiếp xúc khá rộng như ăn, uống nhiều hàng quán. Vậy trong giai đoạn thích ứng an toàn thì có cần hạn chế các hoạt động tập trung đông người, vui chơi ăn uống hay không?

- Theo tôi thì bao giờ cũng phải hạn chế nhưng thời điểm này số ca bệnh rất nhiều, có thể nói còn nhiều hơn trước giãn cách, chỉ khác là số ca nặng ít hơn. Nhưng điều quan trọng tôi vẫn nói là chúng ta phải thực hiện dự phòng. Mỗi ngành, mỗi hoạt động đều phải có phương án hoạt động có điều kiện. Hoạt động nào cấm vẫn phải cấm, như: Hà Nội cấm quán bar, karaoke. Cho hoạt động những gì thì phải có điều kiện, bán hàng ăn có điều kiện, đi xe bus có điều kiện… quy định 5K thì phải thực hiện.

Thực tế hiện nay người dân còn chủ quan trong sinh hoạt cộng đồng như đi ăn hàng, ăn quán không thực hiện 5K theo quy định. Bản thân các nhà hàng, quán ăn không thực hiện quy định, khách sạn cũng không thực hiện. Vừa qua sự kiện khai trương tàu điện trên cao là điển hình của việc người dân chủ quan lơ là. Cái đấy tôi cho là việc nguy hiểm-nhất là người già có bệnh nền, người chưa tiêm chủng khi đến chỗ đông người sẽ có nguy cơ lây nhiễm đi viện dễ dẫn đến tử vong.

Tôi cho rằng chính quyền phải quyết liệt, từ quan điểm, hiểu biết chúng ta phải nhận thức rõ những trách nhiệm và thực hiện nghiêm thì mới chống được dịch. Chúng ta tiêm vắc-xin để chấp nhận có ca bệnh nhưng không phải buông xuôi thả lỏng để làm ăn kinh tế. Tiêm vắc-xin để không phải giãn cách. Tuy vậy, vẫn cần thực hiện tiêm vắc-xin + 5K để đảm bảo chung sống an toàn với dịch.

“Số ca nhiễm quá nhiều cũng thực sự đáng lo ngại”

Chúng ta tiêm vắc-xin để chấp nhận có ca bệnh nhưng không phải buông xuôi thả lỏng để làm ăn kinh tế. Tiêm vắc-xin vẫn cần thực hiện nghiêm 5K để đảm bảo chung sống an toàn với dịch.

- Vậy với các địa phương có tỉ lệ tiêm vắc-xin thấp, theo PGS việc áp dụng các biện pháp phòng dịch để “chung sống an toàn” theo Nghị quyết 128 sẽ thực hiện ra sao để đảm bảo được phòng dịch hiệu quả cũng như phát triển kinh tế?

- Nghị quyết 128 có 3 vấn đề, đưa ra các tiêu chí về kiểm dịch bệnh, tiêm chủng và đáp ứng giường điều trị để người bệnh được can thiệp y tế kịp thời; cho phép đánh giá quy mô nhỏ nhất từ cấp xã, dưới cấp xã, phường-có thể là một khu phố, 1 thôn hay 1 xã, huyện hoặc lớn hơn.

Quan trọng là đánh giá nguy cơ đến đâu thì cấm đến đó hoặc hoạt động có điều kiện đến đó, tránh trường hợp rộng quá. Như 1 thôn có nguy cơ mà bắt cả xã dừng hoạt động hoặc 1 khu phố lại bắt cả phường đó thực hiện như trước đây, cấm đoán giảm hoạt động nên giờ đánh giá nguy cơ đến đâu giảm hoạt động đến đó, tránh giảm thái quá ảnh hưởng đến hoạt động của người dân. Nên tùy theo cấp độ thì có biện pháp phù hợp, tránh việc không đưa được giải pháp tốt để kiểm soát có hiệu quả nhưng cũng tránh thái quá đáp ứng không theo nguy cơ, ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội của người dân.

- Xin cám ơn PGS về cuộc trao đổi này!

Thịnh An (thực hiện)