TP Hồ Chí Minh khó cắt đứt chuỗi lây nhiễm nếu không thực hiện nghiêm giãn cách xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo thống kê của Bộ Y tế, đến nay số ca mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã ở mức trên 8.300 trường hợp. Dịch bệnh tại đây vẫn rất phức tạp và có khả năng tăng nhanh trong những ngày tới. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng là điểm nóng dịch là Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang.
PGS-TS. Trần Đắc Phu cho biết, tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh rất phức tạp, đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chuỗi lây nhiễm. Từ vài ca chỉ điểm ban đầu đã phát hiện thêm các ổ dịch trong khu dân cư, khu nhà trọ, chợ, các khu công nghiệp… Đặc biệt, dịch từ đây đã lây lan ra một số tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên…
Theo TS. Trần Đắc Phu, có 2 lý do chính khiến dịch tại TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa có điểm dừng. Thứ nhất là do chủng virus. Biến chủng Delta được phát hiện đầu tiên Ấn Độ có tốc độ lây lan rất nhanh, có thể trong 2-3 ngày đã tạo thành chu kỳ dịch.
Thứ hai là việc thực hiện giãn cách vừa qua tại TP Hồ Chí Minh chưa thật nghiêm. Giãn cách ở đây là thực hiện nghiêm việc giãn cách nhà với nhà, người với người, khu phố với khu phố. Ngoài ra, việc hạn chế các đám đông cũng chưa được thực hiện như các chợ vẫn tụ tập đông người...
Khi dịch đã lây lan trong cộng đồng thì biện pháp quan trọng nhất vẫn là giãn cách và phong tỏa để hạn chế người mắc bệnh tiếp xúc, lây nhiễm cho người lành, từ đó sẽ giảm dần số ca mắc. Khi số ca mắc quá lớn thì sẽ không thể chỉ truy vết và cách ly.
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại TP Thủ Đức khu vực II (ảnh TTYT TP Thủ Đức) |
Vì vậy, TS. Trần Đắc Phu cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần rút kinh nghiệm đợt giãn cách trước thực hiện chưa nghiêm nên dịch còn gia tăng. Chúng ta phải mất rất nhiều tiền cũng như rất nhiều sự bất tiện trong cuộc sống để đổi lấy cách ly xã hội một cách thực sự. Vì thế, TP cần tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ ngày 9-7 là cơ hội để khống chế dịch.
Việc phong tỏa phải thực hiện nghiêm đến từng hộ gia đình, theo nguyên tắc mỗi nhà đều "cửa đóng, then cài". Về cơ bản đóng cửa các cửa hàng cửa hiệu trừ cửa hàng cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu… Người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và được chính quyền cho phép.
Đồng thời, các hoạt động lao động, sản xuất, giao thông cũng cần sắp xếp lại để hạn chế giao tiếp. TP cũng cần tính phương án đảm bảo lưu thông hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, không để giao thông liên tỉnh khi đi qua thành phố bị ách tắc. Có thể cấm hoặc hạn chế tối đa việc dừng, đỗ để đưa người lên xuống địa bàn thành phố, chỉ được dừng, đỗ khi có sự cho phép của chính quyền.
“Người dân phải thực hiện nghiêm nếu không sẽ rất khó cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Nếu làm không quyết liệt, dịch có thể bùng thêm nữa”, TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 kể từ 0g ngày 9-7 Ngày 8-7, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản về triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn TP. Theo đó, UBND TP yêu cầu thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 0g ngày 9-7 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố-tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố-tổ nhân dân; khu phố-ấp cách ly với khu phố-ấp; xã-phường-thị trấn cách ly với xã-phường-thị trấn, quận- huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận-huyện và TP Thủ Đức. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và TP Thủ Đức quán triệt nghiêm nguyên tắc trên trong việc cách ly xã hội trên địa bàn; tận dụng thời gian giãn cách xã hội để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch, để đạt kết quả cao nhất. Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, UBND TP yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; làm việc theo yêu cầu của cơ quan. UBND phường, xã, thị trấn tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục. Đồng thời, tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé sổ và bán vé số dạo trên địa bàn TP, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0g ngày 9-7... Đối với các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải tạm dừng hoạt động. Dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô; dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe mô tô, bao gồm xe có sử dụng công nghệ; tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách công cộng (trừ các bến cần Giờ - cần Giuộc, cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại