Người đã tiêm vắc xin sắp được bay “bình thường mới”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHai phương án triển khai với 4 giai đoạn cụ thể
Ngày 22-9, Bộ GTVT công bố dự thảo về Kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Mục đích là để khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng bước nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn.
Theo Kế hoạch, địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 không tổ chức hoạt động vận tải. Tuy nhiên, các cảng hàng không trên địa bàn địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị số 16.
Đối với các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 19, Bộ GTVT đưa ra hai phương án triển khai với 4 giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng Kế hoạch này). Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1). Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2) và giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới).
Phương án 1, trong giai đoạn 1, tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 2, tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 3, tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
Trong thời gian thực hiện 3 giai đoạn đầu, với các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày và thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1. Trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam quyết định áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn nêu trên.
Các chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu để khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ là cần thiết trong bối cảnh tỉ lệ người dân được tiêm vắc-xin từ 1-2 mũi ngày càng tăng |
Theo phương án 2 được Bộ GTVT đưa ra, giai đoạn 1 áp dụng giống phương án 1. Từ giai đoạn 2 trở đi hãng hàng không sẽ không phải thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay.
Trong giai đoạn 3, thay vì áp tần suất không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021, Bộ GTVT đề xuất áp dụng tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021 của hãng hàng không đó.
Về điều kiện đối với người điều khiển phương tiện (tổ bay) và nhân viên hàng không khác tham gia dây chuyền phục vụ chuyến bay, Bộ GTVT nêu rõ yêu cầu: Đã được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 ít nhất sau 14 ngày (tính từ ngày tiêm). Tổ bay có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực và bảo đảm duy trì năng định theo quy định về khai thác bay.
Đối với hành khách, có 2 phương án được đề xuất. Cụ thể, phương án 1, hành khách phải thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K” và quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Phương án 2, ngoài việc phải thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”, hành khách phải đáp ứng một trong các tiêu chí: Đã tiêm đủ liều vắc xin, trong đó liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện, có chứng nhận tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng.
Người đã mắc và khỏi bệnh Covid-19, có Giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện của ngành y tế theo quy định; người có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) hoặc theo thời hạn khác do Bộ Y tế quy định.
Việc nghiên cứu để khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ là cần thiết
Với vai trò của mình, Cục Hàng không Việt Nam cùng các hãng hàng không, cảng hàng không, quản lý bay đều đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực từ nhân viên hàng không, trang thiết bị tại cảng hàng không, quản lý bay cho tới tàu bay, tổ bay, năng lực bảo dưỡng, sửa chữa… để có thể triển khai ngay kế hoạch khai thác khi được Bộ GTVT ban hành, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an toàn, an ninh hàng không cũng như phòng, chống dịch theo các quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Bộ.
Đối với các chuyến bay, tần suất khai thác, số lượng chỗ được mở bán… sẽ được Cục Hàng không Việt Nam triển khai trực tiếp vào phép bay được cấp theo quy định tại Kế hoạch khi ban hành và các Cảng vụ hàng không sẽ là đơn vị giám sát việc thực hiện phép bay của các hãng hàng không. Việc vi phạm mở bán, khai thác không đúng với phép bay được cấp sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo ghi nhận, nhu cầu đi lại phục vụ cho công việc, thăm người thân, về quê, đặc biệt là đón con cái về sau thời gian “về quê rồi kẹt lại” của nhiều người tăng cao. Trên các nhóm, diễn đàn phụ huynh, nhiều người dân cho biết các con đang ở Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Bình Định, Quảng Ngãi... nhưng không thể về quê đón khi các phương tiện vận tải, trong đó có hàng không, chưa khai thác trở lại.
Các chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu để khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ là cần thiết trong bối cảnh tỉ lệ người dân được tiêm vắc-xin từ 1-2 mũi ngày càng tăng. Cần quy trình, tiêu chí cụ thể để các hãng hàng không hoạt động trở lại. Đặc biệt, việc khởi động lại hoạt động khai thác, vận chuyển hành khách sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp hàng không có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh đang bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại