Tìm kiếm giải pháp chung tay phục hồi bền vững du lịch Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgành du lịch đang từng bước mở cửa, đón khách du lịch quốc tế |
Cần chiến lược thích ứng linh hoạt
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, sự thay đổi đó mang tính lâu dài, đưa hoạt động của toàn xã hội sang một trạng thái mới. Ngành Du lịch phải thích ứng, làm quen với khái niệm "bình thường mới" thì mới có thể phục hồi và phát triển.
Trong điều kiện bình thường mới, an toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu được quy định bắt buộc ở mọi hoạt động du lịch. Các hoạt động chủ yếu trong du lịch đang và sẽ tiếp tục thay đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo an toàn và ứng dụng công nghệ, nhất là việc đổi mới xúc tiến du lịch; công tác xây dựng sản phẩm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; quản lý và kinh doanh của các DN du lịch…
“Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, hiệp hội cũng như các DN lữ hành, người làm du lịch phải có sự điều chỉnh, nhanh chóng thích ứng với tình trạng bình thường mới, góp phần khôi phục và phát triển một cách bền vững” - Ông Vũ Thế Bình nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Năm 2020, với 2 đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, cả nước chỉ đón được 3,8 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, toàn ngành thiệt hại khoảng 530 nghìn tỷ đồng.
Sang năm 2021, các chỉ tiêu du lịch tiếp tục giảm sâu do tác động của đại dịch. Việt Nam chưa mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa 10 tháng đầu năm 2021 đạt 32,3 triệu lượt (chỉ bằng 44,7% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, khách lưu trú chỉ đạt 16,2 triệu lượt (bằng 44% so với năm 2019); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 138.150 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có. Để phục hồi du lịch, cần có cơ chế, chính sách phù hợp và chiến lược thích ứng linh hoạt.
Về giải pháp lâu dài, ông Tuấn đề nghị cần phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao: du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch đô thị, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch chăm sóc sức khỏe; thí điểm phát triển sản phẩm du lịch tới các đảo xa bờ.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, mỗi vùng, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch, đảm bảo kết nối với hệ thống sản phẩm du lịch của vùng và quốc gia. Ưu tiên khai thác có hiệu quả các giá trị văn hoá đặc trưng, nổi trội của mỗi địa phương gắn với phát triển du lịch bền vững; chú trọng khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của từng địa phương, vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh
Tạo cảm giác yên tâm cho du khách
Ở góc độ DN, theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng GĐ Flamingo Redtours, du lịch sau đại dịch tập trung vào một số xu hướng như du lịch sức khỏe, thiên nhiên, khách theo nhóm nhỏ với hành trình khép kín. Chính bởi vậy, khi xây dựng sản phẩm cần tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt, đưa thêm những điều kiện thay đổi cho khách hàng. Sản phẩm được cá biệt hóa tới từng đối tượng khách hàng để tạo cảm giác yên tâm cho khách.
Bên cạnh đó, để nắm bắt cơ hội phục hồi ngành du lịch đạt kết quả như kỳ vọng, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều ý kiến khuyến nghị, các DN, thành phần kinh tế khác cũng cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp chung để chung tay vượt qua khó khăn của đại dịch.
Trong đó, theo ông Nguyễn Công Hoan, các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch cần phải theo phương châm “du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” với các giải pháp và lộ trình cụ thể.
Nêu đề xuất các giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam, đảm bảo an toàn, hấp dẫn, ông Phùng Quang Thắng, GĐ Cty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ, đơn vị cần tập trung xây dựng các sản phẩm bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn. Lúc này, sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố bền vững, trong đó có một số loại hình sẽ lên ngôi như: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch miền núi… Ngoài ra, du khách sẽ có xu hướng trải nghiệm du lịch “không chạm”, hạn chế tiếp xúc.
Ông Thắng nhấn mạnh, DN du lịch, lữ hành thể hiện vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm du lịch tại mỗi địa phương vừa đảm bảo an toàn trong dịch bệnh vừa mang tính hấp dẫn. Dựa vào thế mạnh của sản phẩm du lịch, việc khơi thông cũng như tăng cường mở rộng luồng khách du lịch, thị trường khách du lịch trong giai đoạn hậu Covid-19 sẽ giúp cho ngành du lịch phục hồi và phát triển nhanh chóng.
Theo số liệu thống kê trong tháng 11, Quảng Nam đã đón 3 chuyến bay với hơn 159 khách từ ngày 17-18-11; Phú Quốc (Kiên Giang) đón 202 khách Hàn Quốc ngày 20-11; Khánh Hòa đã đón 617 khách. Tổng số khách quốc tế đã đón là 978 người. Dự kiến, đến hết năm 2021, Khánh Hòa sẽ đón khoảng 9.400 lượt khách quốc tế; Đà Nẵng dự kiến đón 11.500 lượt… Đối với thị trường nội địa, trong tháng 11-2021, một số địa phương có số lượng khách du lịch nội địa tăng hơn so với tháng trước như Khánh Hòa 522.000 lượt người; Hà Nội 300.000 lượt người; Lạng Sơn 300.000 lượt người; Quảng Ninh 170.000 lượt người; Lào Cai 55.450 lượt người... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại