Người Anh hùng kể chuyện bắn máy bay B52 bằng nghệ thuật rối nước
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênAnh hùng – nghệ nhân Đinh Thế Văn giới thiệu về tiết mục “Hà Nội đánh B52”. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Từ người chiến sĩ Cách mạng…
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đinh Thế Văn, SN 1937 ở xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Nhà ông có hai anh trai đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Đến năm 16 tuổi, khi mới học gần hết kì 1 lớp 5, Đại tá Đinh Thế Văn đã trốn gia đình đi thanh niên xung phong, lên Tây Bắc, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ban đầu, ông bị từ chối vì thân hình gầy gò, nhỏ bé chưa đầy 40 kg. Với sự nỗ lực, cố gắng và trái tim chân thành muốn cống hiến cho Cách mạng, cuối cùng mong muốn của ông cũng trở thành hiện thực.
Đối với Đại tá Đinh Thế Văn, khoảng thời gian tham gia kháng chiến là một trong những ký ức đẹp đẽ nhất cuộc đời. Gian khổ, chông gai nhưng tình yêu quê hương, đất nước và sự lạc quan, tin tưởng tuyệt đối với Cách mạng đã giúp ông và nhiều đồng đội vượt qua tất thảy. “Năm ấy, tôi nặng 38kg, mà toàn phải đeo 28kg trên vai đi hành quân bộ ban đêm. Lúc hành quân, tôi luôn mang theo đàn ghita, để khi nghỉ chân là có thể đàn hát với đồng đội, không hề nghĩ đến gian khổ đường xa, vác nặng”, Đại tá Đinh Thế Văn chia sẻ.
Sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Đinh Thế Văn trở về quê hương và tiếp tục theo nghiệp học vấn. Năm 1965, ông Văn học hết chương trình giáo dục phổ thông, sau đó thi đỗ vào Trường ĐH Bách Khoa. Nhập học được 1 tháng, ông lại xếp nghiên bút để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhờ những nỗ lực phấn đấu, mặc dù mới ngoài 30, Đại tá Đinh Thế Văn đã trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257 - Sư đoàn 361). Đây là một trong hai đơn vị phòng không bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất của quân chủng.
Sau khi chiến dịch kết thúc, Đại tá Đinh Thế Văn được đề bạt làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 257, được cử đi học tại Học viện Phòng không - Không quân. Năm 1989, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Với những cống hiến trong hai cuộc kháng chiến, năm 2013, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Đến nghệ nhân nặng lòng với nghệ thuật quê hương
Cụ thân sinh ra Đại tá Đinh Thế Văn vốn là “trùm rối nước” Đào Thục. Ngay khi mới lên 5 tuổi, ông đã theo chân cha hàng ngày đến xem các nghệ nhân biểu diễn rối nước. Trong những ngày nghỉ hiếm hoi được trở về quê nhà khi tham gia chiến đấu, ông cũng dành thời gian ghé thăm Phường múa rối nước Đào Thục.
Sau khi nghỉ hưu trở về làng, nhận thấy làng rối nước Đào Thục đang gặp rất nhiều khó khăn, nghệ nhân, người còn người mất, thế hệ trẻ lại không mấy ai mặn mà, Đại tá Đinh Thế Văn luôn đau đáu tìm con đường phát triển mới cho nghệ thuật truyền thống của quê hương. Ông nghĩ, nếu cứ diễn mãi những tích trò cũ thì cũng "mòn", cần phải có những tiết mục mới cho hấp dẫn, đặc sắc. Ông nhớ lại những trận đánh B52. Nếu tái hiện ký ức lịch sử ấy bằng nghệ thuật quê hương thì sẽ có sức hấp dẫn rất đặc biệt. Năm 2003, ông cùng các nghệ nhân Đào Thục bắt tay dựng hoạt cảnh mới với những thiết kế con rối chưa từng có trong lịch sử Đào Thục như: chú bộ đội, cô dân quân, những chiếc máy bay Mỹ, những quả tên lửa,...
Vở diễn có tên “Hà Nội đánh B52” đã giúp khán giả hình dung một cách sống động về trận đánh 12 ngày, đêm lịch sử của quân và dân ta được tái hiện tại sân khấu thủy đình của làng Đào Thục. Vở diễn đã góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông. Đồng thời tác phẩm ý nghĩa này còn là cách lưu giữ, quảng bá và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến khán giả trong và ngoài nước.
Chia sẻ về quá trình ra đời vở diễn “Hà Nội đánh B52” đã mở ra bước ngoặt mới cho làng múa rối Đào Thục, Đại tá Đinh Thế Văn cho biết một chi tiết rất thú vị. Đạo diễn của vở diễn múa rối nước “Hà Nội đánh B52” là ông Mạnh Hùng, người có kinh nghiệm làm đạo diễn rối cạn 20 năm, từng là học trò của cụ thân sinh của Đại tá Đinh Thế Văn. Cha của Đại tá Đinh Thế Văn ngoài là nghệ nhân biểu diễn rối nước còn là một thợ mộc. Mỗi khi đạo diễn Mạnh Hùng muốn đưa hình tượng con rối nào lên sân khấu, cụ thân sinh của Đại tá Văn lại miệt mài khắc, đục ra con rối đó.
Ngày nay, múa rối nước Đào Thục không chỉ nổi tiếng trong nước mà nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài cũng tìm đến làng để xem múa rối. Phường múa rối cũng nhận được lời mời đi diễn tại nhiều địa phương, góp phần lan tỏa nghệ thuật múa rối nước đến với nhiều khán giả. Đó là thành quả của một hành trình dài nỗ lực của người dân làng Đào Thục và của nghệ nhân Đinh Thế Văn.
Tuy đã ở tuổi 85 nhưng Đại tá Đinh Thế Văn vẫn miệt mài, bền bỉ trên hành trình bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật rối nước. Ông không chỉ là một nghệ nhân mà còn trở thành cố vấn, người thầy truyền nghề cho lớp thanh niên trong làng. Dưới sự đào tạo của ông, phong trào múa rối nước Đào Thục ngày càng có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Trăn trở lớn nhất của nghệ nhân Đinh Thế Văn là làm sao để nghề múa rối nước tiếp tục được duy trì, tiếp nối mãi về sau. “Muốn làm 1 trò múa rối nước, phải có kinh phí. Thông thường các nghệ nhân múa rối vẫn đi làm các công việc khác, chỉ khi có hợp đồng với đoàn du lịch hoặc khách đặt trước thì mới đi biểu diễn. Trò chơi dưới nước là trò chơi tài tử, tốn nhiều tiền, tốn nhiều công”, Đại tá Đinh Thế Văn chia sẻ.
Theo nghệ nhân Đinh Thế Văn, muốn thế hệ trẻ nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật múa rối nước truyền thống và phát triển chúng thì cần phải đảm bảo cho họ sống được bằng chính nghề của mình. Năm 2013, với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong bảo tồn nghệ thuật truyền thống, Đại tá Đinh Thế Văn được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam trao tặng Giải thưởng Đào Tấn. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại