Thứ sáu 22/11/2024 22:29

Nghệ nhân Trần Lưu: Người “giữ lửa” của làng gốm Bát Tràng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng nhưng bén duyên với nghề vẽ gốm tại Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nghệ nhân Trần Lưu đã duy trì gần 25 năm dạy vẽ gốm cho những người thợ vẽ của Bát Tràng...
Nghệ nhân Trần Lưu đang dạy cho học viên nắn nót những đường nét tạo nên thương hiệu gốm Bát Tràng
Nghệ nhân Trần Lưu đang dạy cho học viên nắn nót những đường nét tạo nên thương hiệu gốm Bát Tràng

Nhân duyên với nghề dạy vẽ

Vẻ đẹp của gốm Bát Tràng được tạo nên bởi thứ xương gốm, bên ngoài phủ các loại men khác nhau. Nghệ thuật cao trong gốm chính là màu men và các nét vẽ. Màu men là thứ tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của gốm Bát Tràng. Linh hồn trong các tác phẩm của gốm chính là nghệ thuật vẽ trên gốm. Những người thợ vẽ dùng bút lông để vẽ trực tiếp lên nền mộc các hoa văn họa tiết, những họa tiết ấy nâng nghề gốm lên mức nghệ thuật.

Năm 1989, nghệ nhân Trần Lưu, lúc đó mới có 19 tuổi đã theo chân một người thầy trong nghề vẽ gốm từ Hải Phòng lên Bát Tràng cùng làm cho một dự án phát triền gốm ra nước ngoài. Người thầy đó chính là ông Bùi Xuân Hải, một thợ vẽ gốm có tiếng ở Hải Phòng. Thầy trò của ông Bùi Xuân Hải mang một luồng gió mới cho nền gốm sứ Bát Tràng, thay đổi lối cũ lúc đó gốm Bát Tràng khoe sắc chủ yếu chỉ là các dòng men và các kiểu dáng còn họa tiết, hoa văn chưa có nhiều.

Lúc đầu lên lập nghệp tại Bát Tràng nghệ nhân Trần Lưu cũng chỉ làm theo dự án. Sau khi dự án kết thúc, nghệ nhân Trần Lưu ở lại làm nghề vẽ cho các nhà lò. Nhưng khi vẽ thấy tay nghề vẽ đẹp và có đức tính cởi mở, đôn hậu nên các chị trong làng đã nhiều lần đề xuất “cô Lưu mở lớp dạy vẽ đi”. Theo lời nghệ nhân Trần Lưu thì: “Lúc đầu nghe đề xuất của các chị em, tôi cũng ngại lắm nhưng các chị nói nhiều và nghĩ chỉ dạy cho người thân của các chị ấy thôi. Rồi sau tết năm 1998, tôi cũng quyết tâm mở nội cơ sở dạy vẽ tại nhà.

Ngày đầu mở lớp cũng chính các chị trong làng gọi cho 6 học viên. Khi đó dạy nhanh lắm chỉ hơn một tháng là các học viên đã ra nghề và về các nhà lò để vẽ kiếm tiền. Còn như bây giờ phải học khoảng 6 đến 7 tháng mới ra nghề được vì hiện nay mẫu mã nhiều hơn, dáng lọ to hơn đòi hỏi tinh sảo hơn, nhất là các dòng tranh dân gian của Việt Nam nó có cốt truyện nên vẽ phải toát ra được câu truyện. Từ đó đến nay các học viên cứ gối nhau đến học, duy trì như hiện nay mỗi năm khoảng 70-80 học viên tốt nghiệp”.

Bén duyên với Bát Tràng từ đó, nghệ nhân Trần Lưu cũng chọn nơi đây để xây dựng tổ ấm của mình. Sau khi kết hôn nghệ nhân Trần Lưu thấy cần nâng cao tay nghề và có tầm nhìn xa, nhất là để duy trì lớp dạy vẽ nên đã quyết định theo học học ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội. Lòng yêu nghề và quyết tâm theo đuổi Đại Học, 5 năm vừa làm, vừa chăm sóc gia đình vừa theo học đã giúp nghệ nhân có cái nhìn sâu săc về nghề và có vốn kiến thức tạo dựng cho lớp học trò của mình sau này. Nên đến nay dòng nghệ thuật vẽ gốm cũng thay đổi theo thời gian, đòi hỏi kỹ thuật cao thì lớp học của nghệ nhân vẫn đáp ứng được nhu cầu làng nghề, nhu cầu xã hội.

Nghệ nhân của những chuyến đò”

Dạy nghề trong các làng nghề hiện nay gặp không ít khó khăn từ việc duy trì học viên đến cơ sở vật chất đến việc nhiệt huyết truyền nghề. Nhưng ở đây một cơ sở truyền nghề có thể nói hiếm có nghệ nhân nào duy trì được gần 25 năm đào tạo truyền nghề vẽ gốm ở Bát Tràng và đến nay 90% thợ vẽ tại các nhà lò của Bát Tràng và các làng nghề gốm xung quanh đều là học viên từ lớp vẽ của nghệ nhân Trần Lưu. Một người thầy đào tạo truyền nghề theo lối “thắp lửa yêu thương và yêu nghề”.

Lớp học chỉ là một căn nhà cấp 4 rộng chừng 40m2 luôn có khoảng hơn 30 học viên độ tuổi từ 15 đến ngoài 30 đang theo học. Mỗi học viên chỉ vừa đủ chỗ ngồi và một chiếc bàn xoay, trên bàn xoay là một sản phẩm cốt gốm lỗi của các nhà lò trong làng cho để các học viên vẽ. Tiếng lành đồn xa học viên theo hoc tại đây có từ thừa thiên Huế đổ ra. Một nơi đào tạo có đủ các loại hình thành viên từ NKT, trẻ tự kỷ đến những người từng lầm đường lạc lối trong xã hội. Đào tạo học viên ra nghề được là “cô giáo” lại đi đến các nhà lò đặt vấn đến xin việc cho các học viện. Cô đưa trò đến để đảm bảo về nhân thân con người và cung cách làm việc cũng như trao đổi với chủ lò thế mạnh tay nghề của trò. Thế nên tình cảm, gắn kết giữa các nhà lò trong làng và lớp học của nghệ nhân Trần Lưu rất mật thiết, thương yêu.

Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn, Chủ nhiệm câu lạc bộ Nghệ Nhân, thợ giỏi làng Bát Tràng khi nói về nghệ nhân Trần Lưu với những lời nói thân thiện và đầy yêu mến: “Nghệ nhân Trần Lưu là người con nơi khác đến đây đóng góp cho Bát Tràng rất nhiều công sức. Một trong những nghệ nhân đào tạo nghề vẽ rất tốt, đã tạo công ăn việc làm cho người dân Bát Tràng. Hội làng nghề rất ủng hộ cho nghệ nhân phát triển”. Nghề dạy vẽ thuộc dòng nghệ thuật cao nên việc khơi nguồn cảm hứng trong mỗi con người là điều rất khó. Nên lớp học của nghệ nhân Trần Lưu luôn tạo cho học trò một sự gắn bó, thân thiện như một gia đình. Cho dù học viên có ra nghề thì tình cảm cô trò và các lớp thế hệ học trò vẫn thường xuyên giao lưu gặp gỡ tạo cho các thế hệ sau luôn tin tưởng, gắn kết hỗ trợ nhau khi ra nghề.

Nói về kỷ niệm làm nghề, nghệ nhân Trần Lưu chia sẻ: “Lớp học nghề theo lối truyền nghề nên có rất nhiều các thành phần, trong đó, học viên bị tự kỷ cũng có, khuyết tật cũng có và thậm trí cả những người từng có 1 thời lầm đường lạc lối... cũng đến xin học. Nhưng với mình đã đến đây là đều mong muốn được học nghề, vậy nên mình biết về hoàn cảnh của họ để mình có cách tiếp cận và truyền nghề, truyền tình cảm để các học viện theo học ra nghề làm được việc.

Cách đây không lâu có cậu học viên được vợ dẫn đến xin học. Vừa gặp mình thấy cậu ta già mà hơi ngố. Qua câu chuyện, được biết nam thanh niên mới được mãn hạn tù và đang mong muốn được học nghề để hoàn lương. Vậy là mình lại phải có “giáo án giêng” dành cho cậu ấy. Cậu ấy sau khi học xong, giờ đi làm lương tháng cũng thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ tháng. Làm nghề này hạnh phúc nhất là trò ra nghề đều có việc làm và thu nhập khá cao”.

Với những đóng góp và cồng sức của mình, năm 2018, cô giáo Trần Lưu đã được phong tặng nhận dạnh hiệu nghệ nhân làng gốm sứ Bát Tràng. Chia tay chúng tôi trong buổi chiều nắng tháng 4, nghệ nhân Trần Lưu bảo rằng, nghề dạy vẽ gốm Bát Tràng như người “giữ lửa” truyền thống văn hóa, vừa thiêng liêng, cao quý nhưng cũng gặp những khó khăn nhất định. Vì vậy, trong thời gian tới, chị mong được các cơ quan chức năng hoặc Câu lạc bộ nghệ nhân có thể tạo điều kiện cho chị được thuê hoặc mượn 1 khu rộng hơn, để các học viên của chị có điều kiện học tập tốt hơn, để đào tạo ra những lớp học trò yêu nghề, yêu những nét hoa văn và “giữ lửa” thương hiệu gốm Bát Tràng...
Nguyễn Vũ – Hải Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động